Đi chợ của người H’Mông ở Tây Nguyên

Chợ phiên Đắk R’Măng bắt nguồn từ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào dân tộc H’Mông vào Tây Nguyên sinh sống. Họ mang theo cả những nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Dần dà thói quen đi chợ phiên không chỉ dành riêng cho người H’Mông mà người Kinh, người M’Nông ở các vùng lân cận.

Gian hàng của bà Lý Thị Lầu.
Gian hàng của bà Lý Thị Lầu.

Đi chơi chợ phiên

Vàng A Phú rủ: “Mai chủ nhật chị có đi chợ phiên chơi cùng mọi người?”. Tôi xua tay: “Chợ thì ngày nào chị chẳng đi…”. Chưa nói hết câu, Vàng A Phú đã cười ngặt nghẽo. Mẹ của em, bà Lý Thị Lầu đang dở tay xếp những bộ trang phục của người H’Mông để mai xuống chợ cũng nhìn tôi cười cười. Chẳng đợi tôi hỏi, Vàng A Phú nói: “Người H’Mông ở đây ngày chủ nhật đi chơi chợ hết rồi. Không có ai ở nhà cho chị hỏi chuyện đâu”.

Chưa kịp hiểu Phú nói gì thì bà Lý Thị Lầu đã tiếp lời: “Chợ phiên người H’Mông của đồng bào mang từ Hà Giang, Lào Cai vào. Mỗi tuần chỉ tổ chức phiên chợ một lần vào chủ nhật hằng tuần thôi. Không phải ngày nào cũng mở chợ như người Kinh. Chợ phiên của người H’Mông mình nhưng không chỉ người Mông ở Đắk G’Măng mà người H’Mông ở Đắk Som, ở huyện Đắk G’Long và cả thành phố Gia Nghĩa cũng đánh xe vào đây chơi chợ đấy. Đông lắm, vui lắm!”. 

Ông Vàng Sơ, chồng bà Lý Thị Lầu vừa đi rẫy về, chân vừa tới cửa cũng vội vã góp lời: “Bà vợ thức nhiều đêm để làm ra bộ đồ mang đi chợ. Thằng con mang theo con bê để đổi lấy cái xe máy, còn mình không có gì thì ra rẫy lấy rau mang ra chợ đổi rượu uống, ăn thắng cố cùng thằng bạn thân Mã A Sình mà thôi!”.

Sáng sớm, khi tôi còn cuộn mình trong chăn, đã nghe tiếng người cười nói lao xao. Rồi cái giọng ồm ồm của cậu thanh niên Vàng A Phú xé cửa chui vào: “Thủy ơi, chị dậy chưa? Không nhanh chân lên thì đi sau cùng mẹ nhé, em đi trước để “nhận chỗ” cho bố, mẹ đây”. Nói rồi cậu quơ quào tấm bạt nơi góc bếp, mở dây thừng dắt con bê đang còn ậm ọ lao theo chúng bạn.

Xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông với gần nghìn hộ gia đình, chủ yếu là người H’Mông từ các tỉnh miền núi phía bắc di cư vào, họ mang theo nhiều phong tục truyền thống và cố gắng giữ gìn nơi vùng quê mới. Chợ phiên Đắk R’Măng ngập tràn phong vị và nét văn hóa đặc sắc của người H’Mông, như một không gian Tây Bắc thu nhỏ ở Tây Nguyên. 

Phiên chợ của hẹn hò, bè bạn

Sáng sớm, từ khắp các nẻo đường đều đổ dồn về phía chợ Đắk R’Măng người đi lại rộn ràng đông vui. Chợ bắt đầu từ 5 giờ sáng và đến đầu giờ chiều thì tan. Vòng A Súng mặt còn lấm lem bụi đường, tươi cười phân bua: “Nhà ở xã Quảng Hòa, cách chợ hơn 10 km, lại toàn đường rừng, phải thức dậy từ gà gáy, mà giờ mới tới đây”. Anh Nguyễn Ngọc Kha, khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh, cổ đeo tòng teng máy ảnh đang tạo dáng chụp hình cùng các nàng thiếu nữ làm rộn rã cả khu chợ. “Nghe có phiên chợ Tây Bắc này, tui từ Sài Gòn lên tới Gia Nghĩa là vọt ra đây ngay luôn”, anh hào hứng.

Các bà, các chị hay ghé mắt ở các gian hàng bán áo quần thổ cẩm, các quầy bày bán vòng bạc, hạt cườm. Người bán bày hàng hóa lên những tấm bạt, hoặc những bao tải được rọc làm đôi để người mua dễ lựa chọn. Những người nào “sang” hơn thì có quầy, sạp riêng nho nhỏ, đủ để bày những sản phẩm cây nhà lá vườn của mình là chủ yếu. Cánh đàn ông mang theo con gà, con chó, con mèo bán được chút ít tiền rủ nhau vào hàng thắng cố, hàng mèn mén “chén chú, chén anh”. 

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy phiên chợ nào lại rực rỡ sắc mầu như chợ nơi này. Người người đi chợ. Nhà nhà ra chợ. Người đi chợ bán, mua ăn mặc đẹp đã đành. Người đi chơi chợ cũng mặc xinh không kém. Ai cũng diện những bộ đồ đẹp nhất của mình lên người như muốn đọ xem trang phục của người nào rực rỡ hơn chăng. Rồi thì là thắng cố cùng mèn mén với rượu ngô, hết vơi lại đầy. 

Đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm khắp nơi mà không thấy bóng dáng cậu chàng Vàng A Phú đâu cả. Cả bà Lý Thị Lầu cũng chẳng thấy đâu, bà như bao người phụ nữ H’Mông khác đang chìm lấp trong những gian hàng rực rỡ sắc mầu thổ cẩm, trong tiếng nói cười rờ rỡ ngập không gian. 

Tôi còn đang hoa mắt bởi những sắc mầu thì nghe văng vẳng xa xa một giọng ca vang lên. Nương theo bài hát thêm một chút tò mò, tôi vội vàng tìm đến. Trước mắt tôi, trên bãi đất trống những đôi trai gái đang hẹn hò cùng nhau. Tôi thấy thấp thoáng bóng dáng chàng trai Vàng A Phú đang nắm tay một cô gái. Cô tay vẫn để yên trong tay Phú nhưng thẹn thùng mặt quay sang một hướng khác. Lời bài hát càng vang to réo rắt thiết tha như mời gọi mọi người tụ tập về nơi đây kiếm bạn tâm tình.

Đi chợ của người H’Mông ở Tây Nguyên -0
Một gian hàng bày bán các loại nông sản, rau củ của nhà làm ra ở chợ phiên Đắk R’Măng. 

Giữ bản sắc nơi xa quê

Chị Thị Mai, dân tộc Mạ ở Đắk Som, Đắk G’Long hay đi chợ phiên ở đây, bán mớ rau, bó măng rừng hay con gà, con vịt nhà nuôi với giá cao hơn và mua được những thứ mình cần với giá rẻ hơn, yên tâm hơn ngoài thị trấn. “Đi chợ phiên như thế này, mình còn biết được thêm nhiều thứ hơn về văn hóa của một miền quê khác mình”, chị Mai tâm sự.

Ông Sùng A Chái thường xuyên đi chợ phiên Đắk R’Măng đơn giản chỉ vì: “Nhà mình nhiều đàn bà không ai uống rượu với mình cả. Mình hay đi chợ vì ở nơi này mình có nhiều bạn bè cùng quê, nhưng ở xa nhau lắm, có người ở tận thác ba tầng, Quảng Hòa xa lắm, không đến nhà thăm nhau được. Hẹn ở chợ  cùng nhau nói chuyện, uống chén rượu ngô, ăn cùng nhau bát thắng cố cũng nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà”.

Hay như bà Lý Thị Lầu cũng thường xuyên đi chợ phiên chỉ để bán những bộ trang phục truyền thống do mình tự thêu thùa vá may. Có khi cả phiên chợ chẳng bán được bộ trang phục nào vì giá thành quá đắt so thu nhập của đồng bào nơi đây. Mỗi bộ trang phục vải dệt thủ công có giá từ 4 - 5 triệu đồng, vải công nghiệp thì có rẻ hơn một chút từ 1,5 - 2 triệu đồng, trong khi đồ may sẵn nhập từ Lào Cai, Điện Biên về có giá rẻ hơn rất nhiều, chỉ vài trăm nghìn đồng đã có bộ quần áo rực rỡ sắc mầu để xúng xính cùng chúng bạn rồi. “Bọn trẻ bây giờ thường chọn quần áo may sẵn vừa tiện lợi, lại rẻ hợp túi tiền. Những bộ trang phục dệt vải thủ công chỉ bán được cho những cặp đôi chuẩn bị cưới vợ, lấy chồng hay những người già như tôi mà thôi. Không nhiều người mua đâu, nhưng mà mình không bỏ được đâu”. Như hôm nay, bà chẳng bán được bộ quần áo nào xong vẫn tươi cười, gấp đồ lại mang về, chủ nhật tuần sau lại tiếp tục mang đến.

Đất lành chim đậu, xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long trở thành quê hương thứ hai của nhiều dân tộc anh em từ nhiều vùng quê khác nhau, trong đó có đồng bào H’Mông. Để có một phiên chợ Tây Bắc trên Tây Nguyên thật độc đáo và cuốn hút, huyện Đắk G’Long cũng đã xây dựng chợ kiên cố, có ban quản lý chợ Đắk R’Măng như lời ông Nguyễn Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Đắk R’Măng chia sẻ: “Xây dựng chợ phiên Đắk R’Măng trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với Đắk Nông là mong ước của chúng tôi”.

Người dân đến phiên chợ Đắk R’Măng không chỉ để mua sắm, mà đến để gặp gỡ hẹn hò, tìm hiểu những nét văn hóa khác nhau. Mỗi lần được gặp nhau, đôi bàn tay nắm lấy bàn tay. Chợ tan, mọi người chia tay nhau trong lời hẹn hò lưu luyến, chủ nhật tuần sau mình lại đi chơi chợ Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông. 

Với nhiếp ảnh gia Vân An thì chủ nhật anh vẫn thường xuyên cưỡi xe máy vượt quãng đường gần 50 km từ TP Gia Nghĩa vào Đắk R’Măng không chỉ để tìm hiểu thêm phong tục văn hóa của đồng bào, mà còn để ghi lại những khoảnh khắc đẹp, khi mọi người đi chợ, nhóm thanh niên còn rủ nhau đi chơi “Vịnh Hạ Long trên cao nguyên” ở gần ngay đấy.