Di chỉ Vườn Chuối đang kêu cứu!

Mặc dù các nhà khoa học đã nhiều lần lên tiếng về việc bảo tồn di chỉ khảo cổ học này để giữ lại dấu tích quan trọng của văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn nhưng theo phản ánh của người dân, khu vực Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối trên cánh đồng thuộc thôn Lai Xá đang “được” san lấp bằng đất rác thải. Một lần nữa Vườn Chuối lại kêu cứu!

Máy thi công ở khu vực Vườn Chuối.
Máy thi công ở khu vực Vườn Chuối.

Di chỉ quý trên 3.000 năm tuổi bị bỏ rơi

Ông Nguyễn Phú Cường, người dân thôn Lai Xá, cho biết khu vực đang san lấp là trung tâm của khu khai quật khảo cổ học Vườn Chuối (thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) trong những năm qua. Điều đáng nói là từ tháng 12-2017 đã có ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu Tổng công ty Thương mại và xây dựng Việt Nam (Vietracimex) bảo vệ và giữ nguyên hiện trạng khu vực di chỉ Vườn Chuối.

Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối được phát hiện và khai quật lần đầu năm 1969. Đến nay, qua tám lần khai quật với diện tích 800 m², các nhà khoa học đã làm xuất lộ ba tầng văn hóa chứng minh đây là khu di chỉ phức hợp lưu giữ những chứng tích cư trú và mộ táng từ giai đoạn cuối của văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Đông Sơn, có niên đại cách đây hơn 3.000 năm và kéo dài tới hơn 1.000 năm. Cư dân xưa ở Vườn Chuối làm nông nghiệp, dùng đồ gốm để đựng và đun nấu, biết chế tạo công cụ sản xuất, vũ khí, có đồ trang sức bằng đá ngọc… Có thể đây là những chủ nhân đầu tiên trên vùng đất Hà Nội ngày nay. Vườn Chuối là một trung tâm văn hóa quan trọng ở phía tây Hà Nội từ buổi đầu dựng nước. GS khảo cổ học Lâm Mỹ Dung, người đã nhiều lần chỉ đạo khai quật khảo cổ học tại Vườn Chuối, nhấn mạnh: Đây là di tích hiếm hoi chứa đựng dấu tích sinh sống của cư dân từ 3.000 - 1.000 năm cách ngày nay. Qua đó có thể tìm hiểu đời sống vật chất và tinh thần của cư dân xưa trên vùng Hà Nội ngày nay và cả vùng châu thổ sông Hồng nói chung.

Tuy vậy, cả một khoảng thời gian dài Di chỉ Vườn Chuối hầu như không được biết đến. Dù các nhà khoa học đã đề nghị nhưng cơ quan chức năng chưa có động thái nào để bảo tồn khu di chỉ. Năm 2007, tỉnh Hà Tây (trước kia) đã giao cho Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Việt Nam (Vietracimex) dự án xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch với tổng diện tích 145,8 ha bao trùm lên cả khu Vườn Chuối. Số phận của di chỉ khảo cổ học này đang phụ thuộc nhiều vào việc triển khai xây dựng của chủ đầu tư Khu đô thị mới và việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết sắp được trình UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Thực trạng bị xâm hại và nguy cơ bị xóa sổ

Theo bà Đoàn Thị Thanh Thảo, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội: Chủ đầu tư đã trình cơ quan này bản điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhưng trong đó không đề cập đến di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Dự án mở đường rộng 3,5 m nối từ quốc lộ 32 đến Đại lộ Thăng Long đã được quy hoạch nếu được khởi công xây dựng sẽ đi thẳng vào khu vực Vườn Chuối, di chỉ khó mà được bảo tồn.

Trước đây, Vườn Chuối là cánh đồng canh tác, trồng trọt hoa màu và khu nghĩa trang của người dân. Khi có dự án Khu đô thị mới, một số hộ dân vẫn tiếp tục trồng cây lâu năm, cây ăn quả. Việc đào hố trồng cây, đào móng công trình đã trực tiếp phá hủy tầng văn hóa của di chỉ. Thời gian càng lâu, rễ cây càng ăn sâu, lan rộng và mức độ phá hủy tầng văn hóa ngày càng lớn hơn, nghiêm trọng hơn.

Đó là chưa kể trong những năm trước, ở khu vực này bùng phát nạn đào trộm đồ cổ. Hiện nay tình trạng này vẫn còn âm ỉ. Những người trộm đồ cổ thường thỏa thuận ăn chia với người dân, thậm chí giả danh nhà nghiên cứu di sản để đào trộm, “thu mua” trộm cổ vật.

Có còn hy vọng?

Sáng ngày 11-7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học Đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học ở Vườn Chuối.

Các nhà khoa học đề xuất việc cần thiết phải nghiên cứu tổng thể di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối và đây là cơ sở khoa học để đề xuất các hướng giải pháp. Việc bảo tồn tổng thể phải bắt đầu từ khảo sát, thăm dò, khai quật, sau đó đề xuất các phương án bảo tồn vùng lõi, vùng phụ cận, vùng đệm cho phù hợp để bảo đảm việc bảo tồn không xung đột với phát triển. Trước mắt có thể thực hiện một số giải pháp cấp bách: Tiến hành sưu tầm, tập hợp các hồ sơ, di tích, di vật đã nghiên cứu và các di tích trong khu vực để sơ bộ đánh giá giá trị của di tích, sau đó điều tra, thám sát khảo cổ học kỹ lưỡng để đánh giá hiện trạng và tiềm năng của di tích. Các nhà khoa học cũng nêu quan điểm, có thể đề xuất thành phố yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch khu đô thị nhằm giữ lại di chỉ khảo cổ học hoặc chủ đầu tư có thể biến khu di chỉ này thành công viên để vừa bảo tồn được di chỉ, vừa có không gian xanh, bảo đảm lợi ích cho khu đô thị.

Trước những lo lắng của các nhà khoa học, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Sở sẽ xây dựng kế hoạch trình UBND TP Hà Nội cho triển khai thám sát tổng thể 19.000 m² khu Vườn Chuối. Sở cũng đề xuất UBND thành phố giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư tính toán điều chỉnh quy hoạch chi tiết rồi mới thông qua hội đồng thẩm định quy hoạch kiến trúc.

Với những nỗ lực từ ngành văn hóa và các nhà khoa học, khu Di chỉ Vườn Chuối đang nhen nhóm lên tia hy vọng được bảo tồn?