Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con:

Để trẻ đến với sách một cách tự nhiên

Muốn trẻ đọc sách cũng giống như cho trẻ ăn, cần mời những món khác lạ, thay đổi món ăn và cho ăn đúng lúc, đúng chỗ thì trẻ sẽ cảm thấy thích. Sách chỉ là một phần nhỏ trong các loại hình giải trí khác, vậy muốn trẻ quan tâm hơn đến phần nhỏ đó thì phải chứng minh rằng sách rất hay và thú vị. TS Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con đã có những gợi mở thiết thực cùng Thời Nay.

Để trẻ đến với sách một cách tự nhiên

Phóng viên (PV): Câu chuyện đưa trẻ đến với sách vẫn đứng trước thật nhiều thách thức từ những bộn bề và bận rộn của cuộc sống. Với kinh nghiệm của mình, chị có gợi ý gì về điều này?

TS Nguyễn Thụy Anh (NTA): Thứ nhất phải dành cho trẻ thời gian để đọc, để bố mẹ cùng đọc với các con tạo nên văn hóa đọc ở nhà. Bố mẹ phải chăm chút góc đọc đó ngay từ khi con còn nhỏ bằng cách để cho trẻ thấy bố, mẹ cũng cầm sách đọc và thú vị với sách như thế nào thì tình cảm đối với sách sẽ tự nhiên ngấm vào với trẻ. Đó là tạo cách ứng xử với sách cho trẻ từ người lớn. Hay cùng truyền tay nhau đọc một cuốn sách nào đó, đặt câu hỏi hay câu đố thú vị liên quan đến nội dung cuốn sách, hoặc cùng lập một tủ sách theo tên hoặc chuyên đề nào đó.

Như cách chúng tôi làm tại CLB Đọc sách cùng con là đang tạo một cộng đồng đọc nhỏ chứ không đưa lời kêu gọi đọc sách một cách rầm rộ theo phong trào.

PV: Nhưng trẻ cũng đứng trước áp lực học hành liên tục, nhiều khi rất căng thẳng thưa chị!

NTA: Đây đang là vấn đề khi mà ở trường giao nhiều bài, về nhà học sinh ít có thời gian nghỉ ngơi để đọc sách, cho nên bố, mẹ tìm được cho con một khoảng thời gian để có thể đến với sách một cách bình tĩnh. Có thể mua thêm một cuốn sách mới và cùng đọc với các con vào thứ bảy, chủ nhật.

Với CLB chúng tôi, việc đọc sách với trẻ không phải là chỉ đọc. Thường chúng tôi không đọc hết toàn bộ cả câu chuyện mà thường chỉ đọc một đoạn hoặc vài đoạn và lẩy ra những từ ngữ và thông tin trong đó để có thể cho trẻ chơi với đoạn văn đó. Như thể hiện một từ trong đoạn văn bằng động tác cơ thể đối với trẻ nhỏ, còn với các bạn lớn hơn thì đề nghị tìm một từ ngữ tương tự để có thể thay thế từ cũ, đoạn văn cũ… Và có thể viết lại đoạn văn đó trên giấy và được dán lên bảng ở CLB giống như một sáng tác của mình khiến các bạn nhỏ cảm thấy rất tự hào.

Việc tạo trò chơi từ một đoạn văn như vậy sẽ tạo cảm xúc, hứng thú và giúp trẻ tìm thấy giá trị của mình trong việc tham gia vào quá trình đọc sách đó.

PV: Như vậy, có thể thấy, không chỉ nên đọc - nghe không mà phải “làm gì đó” với sách để thêm hiệu quả?

NTA: Phải tạo cho việc đọc sách thành một nhu cầu xuất phát từ thực tế cuộc sống của trẻ. Như vậy bước một là tạo động lực đến với sách cho trẻ. Bước thứ hai khi muốn giữ niềm yêu thích với sách lâu hơn, hay trao cho trẻ kỹ năng đọc sâu hơn. Như cách đọc trích dẫn đoạn văn, kỹ năng ghi nhớ, tiến đến là so sánh, phân tích rồi khái quát… Tức là trao cho trẻ cách thao tác khi đọc sách và việc đọc sách đó sẽ khiến các em nhớ lâu một đoạn văn hay một nội dung của sách để có thể áp dụng vào cuộc sống.

Chúng tôi hay đưa trẻ ra ngoài sau đó liên hệ lại với sách sẽ tạo bước cao hơn khiến việc gắn bó với sách không chỉ còn là động lực thú vị ban đầu nữa mà tạo nên chất lượng của việc đọc khiến trẻ em tự cảm thấy thích và lúc đấy thì không cần đến cộng đồng đọc nữa và các bạn ấy ở nhà có thể tự đọc một cuốn sách bằng kỹ năng đã được hướng dẫn.

PV: Trong đời sống hiện nay, chung quanh câu chuyện trẻ và sách có rất nhiều yếu tố liên quan. Có thể vận dụng chúng như thế nào?

NTA: Có thể nói cần dùng nhiều phương pháp để tạo động lực cho trẻ đến với sách. Như dùng công nghệ để lôi cuốn trẻ quan tâm đến tác phẩm văn học. Chẳng hạn như trong dịch Covid-19, để phục vụ các bạn nhỏ không đến được CLB, chúng tôi đã tổ chức đọc sách online. Mỗi ngày đọc một đoạn sách với thời gian 5 đến 10 phút và có tương tác khi để các bạn ý nghe sau đó gửi câu trả lời về… và duy trì đến bây giờ. Mặt khác cho trẻ xem các bộ phim được dựng từ các cuốn sách. Khi trẻ xem các bộ phim xong sẽ đi tìm các tác phẩm sách đó. Với sách khoa học, chúng tôi thực hiện một thí nghiệm và đặt câu hỏi tại sao lại như thế để trẻ tìm câu trả lời trong các cuốn sách. Phương pháp đó gọi là lôi kéo ngược khi làm trò chơi khoa học sau đó mới tìm lời giải trong cuốn sách. Hay cho trẻ làm phở rồi quay lại đọc tác phẩm của nhà văn Thạch Lam tả về phở như thế nào khiến trẻ rất thích thú.

PV: Xin cảm ơn chị!