Để kích cầu phát huy tác dụng

UBND tỉnh Lào Cai vừa tổ chức kế hoạch kích cầu du lịch với chương trình “Mùa hè Sa Pa 2020” (kéo dài trong ba ngày, từ 22 đến 24-5). Ngoài sự có mặt của các hiệp hội du lịch Lào Cai và Sa Pa, chương trình còn huy động được sự tham gia của 82 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch đang hoạt động tại Sa Pa.

Các gói kích cầu ngoài việc nâng cao chất lượng của các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, còn có việc ưu đãi, khuyến mãi giảm giá từ 10% đến 60% vé tham quan các điểm du lịch quan trọng. Cụ thể như giá vé cáp treo đưa du khách lên đỉnh Fansipan (ưu tiên du khách của sáu tỉnh khu vực Tây Bắc: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái và Hòa Bình) giảm xuống 300.000 đồng/người lớn. Trẻ em cao từ 1 m đến 1,3 m giá vé 200.000 đồng, các em cao dưới 1 m miễn phí… Mục tiêu của UBND tỉnh là sẽ thu hút 2,5 triệu lượt du khách đến với Lào Cai trong cả năm nay. Còn nửa đầu năm 2020 đã qua, con số được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai báo cáo là lượng du khách chỉ đạt 666.000 lượt (giảm 73,2 % so nửa đầu năm 2019)…

Nếu như Lào Cai tổ chức kích thích du lịch bằng việc tổ chức lễ hội, khuyến mãi, giảm giá… thì UBND thành phố Hải Phòng vừa chính thức ban hành Quyết định 1060/QĐ-UBND phê duyệt đề án khá độc đáo là “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng giai đoạn 2021-2025”. Đề án này tập trung nghiên cứu hiện trạng và tiềm năng du lịch tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Dương (giai đoạn 2016 - 2020). Các đề xuất cải cách và kích thích du lịch tại Hải Phòng tập trung hướng tới du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng quanh năm song hành với xây dựng nông thôn bền vững (diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 34% tổng diện tích đất của Hải Phòng). Đề án sẽ được xúc tiến thực hiện đồng loạt tại sáu huyện nói trên trong 5 năm 2021 - 2025, định hướng tới năm 2030…

Khác với TP Hải Phòng (tỷ trọng cơ cấu kinh tế của các khu công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm gần 90%) thì TP Đà Nẵng lại có tỷ trọng cơ cấu kinh tế du lịch và dịch vụ rất cao. Và trong hai quý đầu năm 2020, ước tính thiệt hại trực tiếp của ngành du lịch được báo cáo là hơn 5.600 tỷ đồng (lực lượng lao động phục vụ du lịch đang thất nghiệp, tạm nghỉ… được tính hơn 35.800 người, chiếm 92,4% tổng số lao động du lịch). Bởi vậy, UBND thành phố Đà Nẵng lập ra kế hoạch thúc đẩy, kích cầu dài hơi cho hoạt động du lịch. Bằng việc khởi động đồng loạt các chương trình, sự kiện lễ hội hấp dẫn mang tên “Danang Thank You”; “Tuyệt vời Đà Nẵng 2020”; “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè”… (với mục đích thu hút lớn lượng khách nội địa, đúng thời điểm học sinh bắt đầu được nghỉ hè), gần 120 đơn vị kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng đã đăng ký tham gia các chương trình lễ hội này, với mức giảm giá từ 30 - 50% các dịch vụ phục vụ du lịch.