Đánh thức tình yêu di sản bằng hội họa

“Đánh thức di sản” của nhóm 33A là dự án nghệ thuật có ý nghĩa, với mong muốn thông qua hội họa, dùng cái đẹp của hội họa để tôn vinh di sản, để nhắc nhở ý thức bảo tồn, gìn giữ di sản trong cộng đồng.

Tác phẩm của họa sĩ Chu Viết Cường.
Tác phẩm của họa sĩ Chu Viết Cường.

Vẻ đẹp làng Việt cổ qua “Bóng di sản”

Triển lãm “Bóng di sản” (diễn ra từ ngày 22 đến 26-5 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội) trưng bày hơn 50 tác phẩm của chín họa sĩ gồm Dương Tuấn, Bùi Văn Tuất, Chu Viết Cường, Minh Đông, Cấn Mạnh Tưởng, Đạt Phú, Tuấn Đạt, Nguyễn Thế Long và Nguyễn Minh (Minh Phố).

Các tác phẩm mang đến những cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp của ngôi làng Việt cổ có hơn 500 năm tuổi. Đó là làng Cựu, thuộc xã Vân Từ (Phú Xuyên, Hà Nội).

Họa sĩ Cấn Mạnh Tưởng gây ấn tượng với những ô cửa của những ngôi nhà cổ, từ ô cửa đỏ, ô cửa xanh, ô cửa gỗ cho đến ô cửa hoa… Mỗi ô cửa đều mang một vẻ đẹp cổ kính nhưng cũng rất trầm mặc của một ngôi làng cổ. Vẻ đẹp của làng Cựu trong tranh của họa sĩ Dương Tuấn đôi khi chỉ là một chiếc máy may cũ kỹ (bởi làng Cựu xưa vốn nổi tiếng với nghề thợ may ở Hà thành), là đàn bò chậm rãi thả bước đi trên con đường làng hoang hoải, hay một vạt nắng thu trước cổng ngôi chùa cổ…

Họa sĩ Bùi Văn Tuất lại mang đến cho công chúng cảm giác ấm cúng qua hình ảnh bếp lửa đỏ rực với chiếc ấm đun nước đen nhẻm, cũ kỹ… Chu Viết Cường giúp công chúng cảm nhận được vẻ đẹp những chiếc cổng làng, qua bờ ao, rặng tre già…

Họa sĩ Thế Long mang đến triển lãm những bức tranh về làng cổ nhưng được thể hiện theo lối vẽ truyền thống trong bộ ba Phúc - Lộc - Thọ của anh. “Đây là một trải nghiệm thú vị. Tôi đã thay chữ Lộc bằng chữ Vạn để tạo nên nghĩa khác nhau. Chữ Vạn có nghĩa là mãi mãi, là một chặng đường của nền văn hóa Việt. Bộ ba Phúc - Vạn - Thọ của tôi cũng muốn giữ lại nét di sản của ông cha ta để lại cho mỗi chúng ta từ thủa còn ấu thơ được sinh ra và lớn lên trong các ngôi làng của Việt Nam”, họa sĩ Thế Long chia sẻ.

Đại diện nhóm 33A cho biết, để có những tác phẩm này, nhóm đã dành thời gian đi điền dã, ăn ở và sinh hoạt cùng người dân làng Cựu. Các nghệ sĩ đi quanh làng, thăm thú, nhìn ngắm và hít thở cả màu thời gian của những vật thể mà anh em nghệ sĩ gọi đó là di sản văn hóa. Họ hòa vào cuộc sống của làng Cựu như người dân thực thụ của ngôi làng. Từ chuyến điền dã này, những góc hình mang những nỗi niềm về số phận ngôi làng cổ trước cuộc sống hiện đại được các họa sĩ thể hiện với mong muốn cất giữ vẻ đẹp và các giá trị văn hóa của ngôi làng…

Đánh thức tình yêu di sản

Họa sĩ Dương Tuấn, đại diện nhóm 33A chia sẻ, triển lãm nằm trong chuỗi dự án “Đánh thức di sản” của nhóm 33A. Đây là dự án dài hơi mà anh em họa sĩ trong nhóm 33A nảy ra ý tưởng và lên kế hoạch thực hiện từ lâu. Làng Cựu là điểm đến đầu tiên của nhóm trong dự án này. Đây là một ngôi làng cổ rất đặc biệt. Khác hẳn những ngôi làng cổ khác của Việt Nam thường mang đậm dấu ấn phương Đông, làng Cựu có những căn biệt thự pha lẫn giữa kiến trúc Việt cổ và kiến trúc Pháp độc đáo và riêng biệt.

Họa sĩ Dương Tuấn cho biết, theo kế hoạch, nhóm sẽ tiếp tục hành trình của dự án bằng cách tổ chức các chuyến thực tế, điền dã trên khắp đất nước Việt Nam, đến những nơi có những di sản, với mong muốn lưu lại những hình ảnh về kiến trúc, về văn hóa, về những câu chuyện gắn liền lịch sử của những ngôi làng cổ, của những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị nghệ thuật, có giá trị văn hóa… của Việt Nam để trải nghiệm và sáng tác.

“Di sản ở Việt Nam hiện đang được cả xã hội quan tâm. Chúng tôi, những họa sĩ trẻ yêu văn hóa Việt cũng muốn góp một phần công sức của mình trong công cuộc gìn giữ di sản này. Là họa sĩ, tôi muốn thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, thông qua các tác phẩm nghệ thuật của mình giúp cộng đồng cảm nhận được vẻ đẹp của những di sản văn hóa, từ đó cộng đồng biết yêu quý, nâng niu những gì thuộc về di sản hơn và để cộng đồng có ý thức giữ gìn di sản hơn”, họa sĩ Dương Tuấn chia sẻ.

Cảm nhận về triển lãm và dự án, họa sĩ Lê Thiết Cương nhấn mạnh, dự án có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, khi các họa sĩ thông qua hội họa để tôn vinh di sản, để nhắc nhở ý thức bảo tồn, gìn giữ di sản trong cộng đồng. “Có nhiều cách để bảo tồn di sản, trong đó bảo tồn di sản bằng chính cái đẹp, dùng cái đẹp trong hội họa để bảo tồn cái đẹp trong di sản, đó là một cách bảo tồn đẹp, một cách bảo tồn độc đáo”, họa sĩ Lê Thiết Cương nói.