Đánh thức giá trị di chỉ khảo cổ học

10 năm trở lại đây, tỉnh Bắc Kạn phát hiện liên tiếp các di chỉ khảo cổ học có niên đại hàng chục nghìn năm với nhiều di vật của người tiền sử trong những hang động trên núi đá vôi. Những phát hiện này đã thay đổi cách nhìn của giới khoa học về sự tồn tại của người tiền sử ở vùng đất này. Thế nhưng, sau khi phát hiện, tất cả những di chỉ này vẫn “ngủ yên”…

Toàn bộ các hiện vật sưu tầm được Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn xếp trong kho.
Toàn bộ các hiện vật sưu tầm được Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn xếp trong kho.

Giá trị to lớn

Từ năm 2011 đến nay, các nhà khảo cổ học của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã liên tiếp phát hiện các di tích khảo cổ ở nhiều hang động trên núi đá vôi tại Bắc Kạn. Năm 2013, Viện phối hợp Bảo tàng Bắc Kạn khai quật di tích người tiền sử tại hang Nà Mò, thôn Nà Cà, xã Hương Nê, huyện Ngân Sơn, phát hiện hàng trăm di vật, chủ yếu là công cụ lao động. Ngoài ra còn tìm thấy đồ gốm thô dày nguyên thủy…

Đặc biệt chú ý là đã phát hiện được bốn ngôi mộ ở vị trí sâu nhất của tầng văn hóa được đánh dấu bằng nhiều tảng đá xếp cạnh nhau. Các nhà khảo cổ học khẳng định hang Nà Mò là một di tích cư trú của nhiều thế hệ cư dân nguyên thủy. Trong đó, lớp cư trú sớm nhất thuộc cư dân văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn muộn có niên đại cách nay khoảng 6.500 - 7.000 năm. Lớp cư trú muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí cách nay từ 3.500 - 4.000 năm.

Mới đây nhất, tháng 7-2020, Bảo tàng phối hợp Viện khảo sát một số hang động nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, phát hiện nhiều di vật thể hiện dấu tích, sinh hoạt của người tiền sử. Tại hang Thẳm Kít đã phát hiện 54 di vật đá gồm các loại hình công cụ: chặt thô, mũi nhọn, hình bầu dục, chày nghiền, công cụ mảnh tước, rìa lưỡi ngang... Bước đầu xác định đây là di tích cư trú của người tiền sử, thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ, cách nay gần 20 nghìn năm. Phó Trưởng phòng Hành chính - Trưng bày, sưu tầm (Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn) Hoàng Văn Hạnh cho biết, chín cuộc thám sát, khảo sát, khai quật đã phát hiện nhiều tầng di tích, di vật quan trọng, chứng minh rõ nét hơn về lịch sử phát triển người cổ ở Bắc Kạn. 

Trước đây, các nhà khảo cổ cho rằng văn hóa khảo cổ Bắc Sơn (được phát hiện đầu tiên ở vùng Bắc Sơn, Võ Nhai, Thái Nguyên) có giới hạn niên đại khoảng từ 7.000 - 11 nghìn năm cách ngày nay. Tuy nhiên, từ khai quật ở hang Thẳm Mò, giới chuyên môn đã chứng minh giới hạn niên đại này mở rộng từ 5.000 - 11 nghìn năm cách ngày nay. Tại hang Thẳm Hang, xã Đổng Xá, huyện Na Rì, dù mới chỉ đào thám sát 4 m2 nhưng với di vật đã phát hiện, các nhà khảo cổ ước tính được từ cách đây 10 nghìn năm, người cổ Bắc Sơn đã có mặt ở Bắc Kạn. Niên đại văn hóa ở hang Thẳm Hang đứng thứ tư trong số các niên đại văn hóa Bắc Sơn trên cả nước. Ngoài ra, những phát hiện khảo cổ mới đây tại vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể đã phát lộ dần về thời điểm hình thành hồ Ba Bể trên núi đá vôi. Tại động Puông, các nhà khảo cổ tìm thấy di vật vỏ ốc nước ngọt niên đại từ 8.000 - 9.000 năm cách ngày nay, chứng tỏ hồ Ba Bể được hình thành trong giai đoạn này. Giá trị của những di chỉ này rất to lớn, riêng di chỉ hang Thẳm Mò đã được công nhận là di chỉ cấp quốc gia. 

Khó khăn trong bảo tồn, phát huy

Hàng loạt di chỉ phát lộ nhưng sau đó tất cả không được bảo tồn, phát huy, vẫn “ngủ yên” trong rừng già, không được trông coi, bảo vệ. Di chỉ hang Thẳm Mò sau khai quật, được công nhận cấp quốc gia nhưng đến nay chưa có bia ghi. Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn mới chỉ thực hiện được đến bước thông báo tới chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân biết, bảo vệ di chỉ này. 

Bảo tàng tỉnh được thành lập đã sáu năm, được xác định là đơn vị sẽ trưng bày, giới thiệu, quảng bá di vật khảo cổ, tiềm năng du lịch khảo cổ thì đến nay vẫn chật vật về trụ sở, không có không gian trưng bày. Qua các cuộc thám sát, khảo cổ, Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ hơn 2.000 hiện vật, chỉ được xếp sơ sài trong những chiếc tủ trong phòng làm việc tại trụ sở ở nhờ Trung tâm Văn hóa tỉnh. Không có không gian trưng bày trở thành một khó khăn rất lớn. Giám đốc bảo tàng Khánh Hoàn xót xa, có những lúc anh em trong đơn vị thấy mình chỉ như một cái kho trông coi, bảo quản di vật, hiện vật. Chức năng chính là sưu tầm để trưng bày, phát huy không thực hiện được từ khi thành lập tới nay. 

Đến nay, Bảo tàng tỉnh đang sở hữu “ba không”, gồm: không có cán bộ chuyên ngành khảo cổ học; không có không gian, địa điểm trưng bày và không đủ kinh phí để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ khảo cổ. Từ 2011 tới nay, trung bình mỗi năm, đơn vị chỉ được cấp 30 triệu đồng thực hiện thám sát, khai quật khảo cổ. PGS, TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho biết, các tầng văn hóa ở vùng đất Bắc Kạn rất dày, có từ thời đồ đá và liên tục phát triển cho đến ngày nay. Chúng tôi rất tiếc vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên không thể mở rộng thám sát, khai quật nhiều di chỉ có giá trị to lớn. Về lâu dài, những di chỉ này hoàn toàn có thể gắn phát triển du lịch hiệu quả. Do đó, rất cần thay đổi về nhận thức, sự quan tâm tới bảo tồn, phát huy những di chỉ này. 

Bên cạnh đó, hệ thống hang động núi đá vôi ở Bắc Kạn rất nhiều, nhiều hang mới được phát hiện. Tình trạng người dân vào hang phá lấy thạch nhũ, tìm kiếm đồ cổ, khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra. Vì vậy, nguy cơ tác động, làm mất các tầng văn hóa khảo cổ nơi đây là không nhỏ.