Đà Nẵng kích cầu du khách nội địa

Ước tổng thiệt hại trực tiếp của ngành du lịch Đà Nẵng sáu tháng đầu năm là 5.672 tỷ đồng. Thành phố vừa “tung” gói kích cầu hút khách nội địa với mức giảm giá sâu hầu hết các dịch vụ.

Du khách tham quan Bà Nà. Ảnh: H.C
Du khách tham quan Bà Nà. Ảnh: H.C

Hàng loạt ưu đãi

Đà Nẵng hiện đang huy động và ưu tiên nguồn lực để triển khai ngay chương trình “Danang Thank You”; tổ chức lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2020” vào tháng 6. Đã có gần 150 đơn vị đăng ký tham gia với mức giảm giá sâu từ 30 - 50% các dịch vụ. Chương trình này sẽ triển khai cho cả khách đi tour và đi lẻ. Ước tính tổng kinh phí các doanh nghiệp du lịch, hàng không, khu điểm du lịch tư nhân, nhà hàng, khách sạn, xe vận chuyển, tàu du lịch và các cơ sở dịch vụ khác… khi tham gia chương trình kích cầu du lịch sẽ từ 15 - 20 tỷ đồng.

Với thông điệp “Đà Nẵng tri ân”, chương trình “Danang Thank You” sẽ diễn ra đến hết tháng 12. Các nhóm dịch vụ gồm: tour tham quan; lưu trú; ăn uống; mua sắm; vui chơi giải trí - khu điểm du lịch; chăm sóc sức khỏe; vận chuyển (dịch vụ vận chuyển hàng không; dịch vụ vận chuyển tại điểm đến và dịch vụ tàu thuyền du lịch). Đặc biệt, 1.200 du khách đầu tiên đến Đà Nẵng theo hai gói khuyến mãi combo và tour trọn gói ba ngày hai đêm chương trình kích cầu “Danang Thank You” sẽ được tặng 1 tấm postcard tri ân của UBND TP Đà Nẵng và 1 vé tham quan khu du lịch SunWorld Bà Nà Hills…

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, ngành du lịch TP đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể trong thời gian phòng, chống dịch, đồng thời đưa ra một số giải pháp trọng tâm khôi phục các hoạt động như: triển khai kích cầu du lịch 2020; tăng cường truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch; bảo đảm an toàn điểm đến Đà Nẵng; liên kết phát triển du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay, ngành sẽ khởi động xúc tiến các thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường quốc tế gần như ASEAN và Đông Bắc Á…

Góp Quỹ xúc tiến phát triển du lịch

Trước những khó khăn chung của thành phố, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại Đà Nẵng đã cùng góp quỹ để xúc tiến, phát triển du lịch. Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch - Danang Tourism Promotion Fund (DTPF) được hình thành từ nguồn vốn và kinh phí của các đơn vị kinh doanh du lịch với tài sản ban đầu là 3,85 tỷ đồng.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, Giám đốc DTPF: Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập được Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch độc lập. Quỹ này sẽ tham gia sâu vào hoạt động xúc tiến, quảng bá để nhanh chóng đưa du lịch Đà Nẵng đến với các thị trường, điểm đến mới.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh khẳng định, quỹ sẽ được dùng hỗ trợ nâng cấp, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch trong năm 2020; thực hiện các hoạt động nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch kinh doanh hiệu quả, tạo thu nhập bền vững cho cộng đồng. Cùng với đó, hỗ trợ công tác nâng cao nhận thức cộng đồng, giữ gìn môi trường du lịch…

Hiện tại, các điểm đến nổi tiếng của Đà Nẵng như Di tích đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng được miễn phí vé tham quan. Các đơn vị lữ hành, du lịch đang triển khai các gói giảm giá phù hợp điều kiện với kỳ vọng sẽ làm sôi động thị trường khách du lịch nội địa. Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS, TP Đà Nẵng cần khẩn trương triển khai các chiến dịch truyền thông trực tuyến, quảng bá Đà Nẵng - điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng.

Hiện tại, thị trường du lịch nội địa bắt đầu có tín hiệu đáng mừng như khách đi nhóm lẻ, khách công ty, đơn vị… bắt đầu đông trở lại. Tuy nhiên, có hiện tượng “cung đang vượt quá cầu” bởi vì trước kia, nguồn khách quốc tế đông, do ảnh hưởng từ dịch bệnh nên chỉ còn khách nội địa. Trong khi đó, các địa phương đều đưa ra giải pháp kích cầu, khuyến mãi, các doanh nghiệp lữ hành đang nỗ lực đưa ra các chương trình khuyến mãi, các sản phẩm du lịch mới tri ân khách hàng, do đó sẽ gây nên tình hình cạnh tranh khốc liệt nguồn khách nội địa. Ông Tùng đề nghị: Ở tầm chiến lược để kích cầu thị trường nội địa, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đưa ra các giải pháp bảo đảm, cần có sự góp sức của các hãng hàng không để mang khách đến. Các khách sạn, công ty lữ hành cần chung tay hỗ trợ để tạo thành gói du lịch hấp dẫn hơn, làm sao để chương trình kích cầu mạnh mẽ, cụ thể hơn, thu hút khách trong nước.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng: “Hiện tại, chúng tôi đang trông chờ và kỳ vọng Chính phủ sẽ ký kết hợp tác song phương với một số quốc gia kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, để tiến hành giao lưu, trao đổi khách qua lại, từng bước ổn định thị trường trong nước, quốc tế”.