Cuộc đua làm mới sách xưa

Nhiều đơn vị đang khai thác những tác phẩm văn học có giá trị, đã hết thời hạn bản quyền để in lại. Bản in sẽ có thêm các minh họa của các họa sĩ đương đại nhằm làm mới cho cuốn sách.

Nhân vật trong tiểu thuyết “Số đỏ” qua tranh vẽ minh họa của họa sĩ Thành Phong.
Nhân vật trong tiểu thuyết “Số đỏ” qua tranh vẽ minh họa của họa sĩ Thành Phong.

Hướng mới của ngành xuất bản

“Số đỏ”, tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng được NXB Văn học và Công ty sách Đông A ra mắt gây ấn tượng thị giác với độc giả với tranh bìa và những minh họa của họa sĩ Thành Phong. 

“Số đỏ” được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Văn bản của tiểu thuyết này cũng có nhiều câu chuyện thú vị. Theo đó, ban đầu, “Số đỏ” được tác giả ra mắt người đọc dưới dạng truyện đăng đều kỳ trên tuần san Hà Nội Báo (từ số 40, ra ngày 7-10-1936) liên tục 16 kỳ (tương ứng với 16 chương) thì bị dừng (năm 1937, do tờ Hà Nội Báo bị cấm). Bản in của NXB Lê Cường năm 1938 là bản in đầu tiên có đầy đủ 20 chương của tác phẩm. Đến năm 1946, khi tác giả đã mất được bảy năm, tác phẩm mới được in lần thứ hai ở một nhà xuất bản khác. Nhưng suốt mấy chục năm qua, ấn bản này đã không còn trong hệ thống lưu trữ công lẫn tư. May mắn, một nhà sưu tập sách tại TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và sở hữu được bản in này. Khi thông tin này được lan truyền, nhiều nhà nghiên cứu rất bất ngờ. Sau đó, nhà sưu tập này đã đồng ý cung cấp để Công ty sách Đông A in lại. 

Nhưng nếu chỉ in lại theo nguyên bản một bản thảo cũ thì có lẽ sẽ ít thu hút được độc giả đương đại. Vì thế, Đông A đã mời họa sĩ Thành Phong minh họa cho tác phẩm nổi tiếng này. Thành Phong là họa sĩ 8X, vốn được độc giả biết đến và yêu thích với các dự án truyện tranh và minh họa từ hài hước đến nghiêm túc như “Thương nhớ thời bao cấp”, “Long thần tướng”… Với nét vẽ có cá tính riêng và phong cách dí dỏm, sự kết hợp giữa minh họa của Thành Phong, cuốn “hoạt-kê tiểu-thuyết” (tiểu thuyết khôi hài) của “ông vua phóng sự đất bắc” Vũ Trọng Phụng đã trở thành một ấn bản mới lạ.

Một ấn bản sách xưa vừa xuất hiện trở lại gây xôn xao trong giới chơi sách, đó là “Tiêu Sơn tráng sĩ” của nhà văn Khái Hưng. Trong lần trở lại này, những bản sách đặc biệt có thêm một phụ bản với những bức tranh minh họa do họa sĩ Lê Trí Dũng vẽ. 

Còn có thể kể tới cuốn “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” vừa ra mắt có minh họa của 18 họa sĩ đương đại Việt Nam như: Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Thành Chương, Phan Cẩm Thượng, Hà Trí Hiếu... Riêng 100 cuốn sách đặc biệt sắp ra mắt còn được làm bìa da, có thêm minh họa của 13 họa sĩ nổi tiếng. Thời gian tới, cuộc đua còn trở nên hấp dẫn hơn khi những truyện ngắn của nhà văn Kim Lân sẽ do họa sĩ Thành Chương vẽ minh họa, cuốn “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng do họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ minh họa…

Cẩn thận khi “chọn mặt”

Nhiều họa sĩ thừa nhận, mỗi khi được mời vẽ minh họa cho các tác phẩm văn học nổi tiếng đều có đôi chút áp lực, nhất là với các danh tác đã ra đời từ đầu thế kỷ trước. Việc minh họa cho một truyện ngắn, bút ký in trên báo có thể làm nhanh chứ khi nhận lời vẽ cho cả một cuốn sách thì phải tính toán thật kỹ và cũng mất khá nhiều thời gian. Mấy năm trước, 15 họa sĩ đương đại như Thành Chương, Đỗ Hoàng Tường, Phạm An Hải, Đinh Quân… khi nhận lời minh họa “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du cũng đã phải “hóa giải” bài toán này. Chưa kể, 15 phong cách hội họa cùng vẽ một tác phẩm sẽ không tránh khỏi sự phân vân. Vì thế, nhiều họa sĩ phải vẽ đi vẽ lại bốn - năm bản mới lựa chọn ra bản minh họa ưng ý nhất để gửi in sách.

Họa sĩ Thành Chương cho rằng, việc vẽ minh họa cho các danh tác nổi tiếng là một xu hướng đáng khuyến khích. Theo ông, muốn bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc thì chúng ta không thể giữ mãi cái cũ, mà phải biết cách làm mới cái cũ. Còn họa sĩ trẻ Kim Duẩn - người gắn bó với nghề làm bìa và minh họa cho sách trong hàng chục năm qua, cho rằng, tùy từng tác phẩm văn chương, họa sĩ có thể chọn cách vẽ lại đúng như mô tả của nhà văn hay thêm những sáng tạo của bản thân vào bức tranh. 

Quan điểm mà họa sĩ Kim Duẩn là minh họa văn chương chính là làm sáng rõ lên, làm rõ nghĩa hơn tác phẩm văn chương qua “kênh” hội họa. Tức là người họa sĩ đọc một tác phẩm văn học và nhìn thấy ý nghĩa của tác phẩm để hiện thực hóa ý tưởng, suy nghĩ, cảm nhận về tác phẩm thông qua hình khối. Vì lẽ đó, minh họa tác phẩm văn chương không phải sự vẽ và mô tả đúng nội dung của một tác phẩm.

Công bằng mà nói, việc xuất bản những danh tác xưa với sự đầu tư làm mới về mặt trình bày, minh họa, nhất là khi có sự tham gia của các họa sĩ đương đại nổi tiếng sẽ góp phần làm mới các xuất bản phẩm, thu hút độc giả hơn. Không chỉ công chúng ủng hộ, mà giới họa sĩ cũng cho rằng, nên duy trì, thậm chí tạo thành một xu hướng của ngành xuất bản. Qua đó, còn khuyến khích được phong trào chơi sách vốn khuất lấp trong nhiều thập niên qua. 

Tuy vậy, thực tế cho thấy, không phải họa sĩ nào cũng có khả năng vẽ minh họa. Quan trọng hơn nữa, mỗi họa sĩ có “tạng” khác nhau, vì thế đối với mỗi danh tác khi in lại cần có sự “chọn mặt gửi vàng” chuẩn xác để tránh làm méo mó tác phẩm. Bởi để vẽ được minh họa văn học, họa sĩ không những phải đọc được lớp nghĩa của tác phẩm văn học mà quan trọng còn phải có khả năng đồng sáng tạo với tác giả. Có như vậy, tác phẩm xưa mới hấp dẫn được với độc giả hôm nay và họa sĩ như một cây cầu để nối những giá trị truyền thống với đương đại.