Còn nhiều lo âu cho ca trù

Tại Trung tâm thể nghiệm âm nhạc Phù sa lab, 52 Tô Ngọc Vân, Hà Nội vừa diễn ra tọa đàm: “Ca trù và những khóc khuất”. Các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và những người yêu ca trù đã chia sẻ thêm những lo lắng về bộ môn nghệ thuật này.

Giáo phường ca trù Kim Đức.
Giáo phường ca trù Kim Đức.

Sau khi được UNESCO vinh danh năm 2009, ca trù đã có những bước phát triển đáng kể. Chỉ tính riêng tại Hà Nội đã có hơn 14 câu lạc bộ và nhóm hoạt động liên quan đến ca trù. Trong đó có khoảng 50 người có khả năng truyền dạy, 220 người thực hành và hàng trăm người theo học. Ngay tại Phù sa lab, vẫn định kỳ có các buổi biểu diễn của giáo phường ca trù Kim Đức, thu hút khán giả trong và ngoài nước. Nhưng trước sự cố gắng của các nghệ nhân, nghệ sĩ và những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn, ca trù vẫn chưa thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Lịch sử ca trù, cho đến nay, vẫn đang ghi nhận hình thức đào tạo hiệu quả nhất là truyền khẩu. Ðiều đó cũng tạo nên nhiều phong cách biểu diễn khác nhau theo từng giáo phường, làm nên tính thống nhất trong đa dạng của nghệ thuật biểu diễn hát ca trù. Song, cũng chính vì đặc trưng này, cùng với số lượng nghệ nhân ít ỏi, lại đều đã cao tuổi, ca trù đang đối diện với nguy cơ thất truyền nếu không nhanh có các hình thức truyền dạy phù hợp. Vẫn còn một số giáo phường hát ca trù, đào tạo theo dòng tộc. Song cũng cần bàn đến tính nguyên gốc trong các bài bản mà các giáo phường này còn lưu giữ được, và đối với các nghệ nhân mới tìm lại được, cần có hình thức đầu tư để khai thác những tinh hoa nghệ thuật mà họ đang nắm giữ. Lại thêm một băn khoăn, điểm độc đáo của nghệ thuật ca trù là không gian trình diễn và thưởng thức được hợp thành bởi cả ba yếu tố: ca nương, kép đàn và quan viên cầm chầu. Bởi thế, người cầm chầu hôm nay phải sành ca trù, biết rõ các khổ đàn, khổ phách, biết đàn thế nào là hay, hát thế nào là “khuôn”, là “hàng hoa” và không đánh trống “bịt miệng ả đào”, lại phải nắm rõ các công thức để khen chê, thưởng phạt đúng cách, đúng nơi, dáng ngồi, tay cầm roi, tay vịn mặt trống phải phong lưu, đài các.

Một góc khuất tiếp tục được nhắc đến trong buổi tọa đàm khi những người trẻ trong thế giới hiện đại có niềm đam mê với ca trù nhưng thật khó để hiểu được hết ý tứ của từng tác phẩm. Rất khó cho thế hệ tiếp nối vì họ không thể hiểu thơ, hiểu ý, từ đó không dễ dàng gì để cảm thụ được ca trù. Một lý do khác khiến nhiều địa phương không mặn mà với ca trù, theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, là ca trù không “hoành tráng” để có thể biểu diễn trong các chương trình lễ hội, cổ động của địa phương. Ca trù cũng không có mặt trong các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp nên rất ít người biết và hiểu, nên càng khó khăn trong quá trình tiếp nhận.

Nhưng, như NSƯT Phó Thị Kim Đức tin tưởng nhấn mạnh, thì: “Ca trù sẽ không mất đi khi thế hệ chúng tôi mất đi. Những người trẻ về sau vẫn dõi theo và ủng hộ sự sống còn của loại hình nghệ thuật này”. Đó là niềm tin của ca nương kỳ cựu, nhưng ngành văn hóa đã làm gì để khai thác, học hỏi, lưu giữ tinh hoa từ những người như bà, thì vẫn còn là câu hỏi!