Có xử lý nghiêm hai dự án đang gây tai tiếng ở Hà Giang?

Gần đây, Hà Giang trở thành điểm nóng về vi phạm đối với các di sản, di tích lịch sử văn hóa. Dư luận vừa tạm lắng về vụ tòa nhà bảy tầng Panorama xây ngay trên hẻm vực Tu Sản tại danh thắng Mã Pì Lèng, thì giờ đây liên tiếp hai công trình xây dựng tại huyện Đồng Văn thuộc tỉnh này lại gây xôn xao.

Dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú vẫn rầm rộ thi công mặc dù đã có nhiều cảnh báo.
Dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú vẫn rầm rộ thi công mặc dù đã có nhiều cảnh báo.

1. Những ngày gần đây, nhiều du khách lên thăm Cột cờ Lũng Cú (thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang), không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến một công trường rộng lớn, khoét hẳn vào ngọn núi phía đông bắc cột cờ đang ngổn ngang xây dựng. Đó là Dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú được quy hoạch với diện tích hơn 56 ha, gồm ba hạng mục chùa, đền, đại tượng Phật nằm ở ba phía của Cột cờ Lũng Cú. Đây là dự án của Tập đoàn Phúc Lộc được UBND tỉnh Hà Giang trao Giấy chứng nhận đầu tư và khởi công công trình ngày 22-6-2016.

Cũng ngay tại huyện Đồng Văn, một công trình vừa bị UBND huyện ra quyết định tạm đình chỉ khi đang triển khai được hai tháng. Đó là Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích phố cổ Đồng Văn. Dự án này do ông Nguyễn Văn Dần (trú tại TP Hà Giang) làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Hà Giang cấp phép thực hiện từ năm 2017. Với các hạng mục, thang máy dự kiến cao 102 tầng, diện tích lòng thang 15 m2, được xây dựng gần như chính giữa vách đá Đồn Cao nhìn ra trung tâm phố cổ Đồng Văn. Cùng với đó là tổ hợp nhà hàng, homestay… chiếm khoảng 5.600 m2 trên đỉnh núi Đồn Cao. Tuy nhiên, dự án chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ xây dựng, đánh giá tác động môi trường...

Có xử lý nghiêm hai dự án đang gây tai tiếng ở Hà Giang? ảnh 1

Công trình Thang máy 102 tầng tại di tích Đồn Cao, phố cổ Đồng Văn.

2. Về hai dự án này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) từng có các công văn khuyến cáo gửi UBND tỉnh Hà Giang và các đơn vị liên quan. Công văn phản ánh: Khu tâm linh của Dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú có một phần nằm ở phía đông bắc, có sử dụng một phần diện tích đất khu vực bảo vệ I và II của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Cột cờ Lũng Cú. Còn khu đại tượng Phật nằm ở phía tây nam, tiếp giáp với khu vực bảo vệ II của di tích Cột cờ Lũng Cú. Bộ VHTT&DL cho rằng, dự án cần điều chỉnh và lưu ý một số vấn đề: không xây dựng các công trình và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu vực bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú; bảo vệ nguyên trạng hai hồ nước, kết hợp chỉnh trang cảnh quan địa hình tự nhiên vốn có bao quanh hai hồ nước. Bộ cũng lưu ý UBND tỉnh Hà Giang cần xin thêm ý kiến của một số bộ, ngành liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cùng với đó, tổ chức cắm mốc giới các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú theo quy định để bảo đảm giữ được không gian cảnh quan và các yếu tố cấu thành giá trị của di tích Cột cờ Lũng Cú…

Còn tại Công văn số 2573 ngày 13-6-2018, Bộ VHTT&DL đã khuyến cáo chủ đầu tư Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao không xây dựng hệ thống thang máy tại vị trí đề xuất trong dự án; cần chuyển vị trí thang máy về vị trí dự kiến xây dựng nhà xoay; giảm bớt mật độ xây dựng nhà nghỉ trên đỉnh Đồn Cao; không xây dựng các công trình sát vách núi mà cần lùi vào một khoảng cách so vách núi. Bộ VHTT&DL cũng yêu cầu, dự án phải đánh giá hiện trạng địa hình, cảnh quan, môi trường của khu vực dự kiến đầu tư; đề xuất các nội dung bảo vệ di tích, các dấu tích đồn bốt, tường thành… và các giải pháp hạn chế tiêu cực mà dự án có thể gây ra…

Rõ ràng, các dự án trên cần phải tham vấn công chúng rộng rãi và thật cẩn thận trong các đánh giá tác động của các công trình này đến thiên nhiên và môi trường văn hóa dân tộc tại địa phương. Việc xây dựng các khu du lịch sinh thái tâm linh theo hướng hoành tráng không phù hợp truyền thống văn hóa, phá vỡ khung cảnh thiên nhiên, ảnh hưởng môi trường là đi ngược lại quan điểm phát triển du lịch sinh thái, thân thiện môi trường hiện nay.

3. Qua kiểm tra thực tế, ngày 25-10, Bộ VHTT&DL tiếp tục có Công văn số 4316/BVHTTDL-DSVH, gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Sở VHTT&DL Hà Giang… về việc giám sát Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh tham quan di tích Đồn Cao ở Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Công văn phân tích: Vị trí của hai dự án này nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010, với các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030.

Bộ VHTT&DL nhấn mạnh: Hai dự án này đã triển khai mà chưa tuân thủ hai quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa thực hiện đúng các ý kiến của Bộ VHTT&DL tại các văn bản nêu trên. Bộ đã đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện việc triển khai hai dự án nêu trên và kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.