Cơ hội làm mới cho phố đi bộ

Hoạt động phố đi bộ hồ Gươm, Hà Nội đang tạm dừng để đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19. Phải chăng đây cũng là lúc cần chuẩn bị để có những thay đổi, làm mới, làm khác tích cực hơn cho văn hóa, nghệ thuật khu vực này.

Phố đi bộ hồ Gươm tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: KHIẾU MINH
Phố đi bộ hồ Gươm tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: KHIẾU MINH

1. Từ sau Tết Nguyên đán, phố đi bộ hồ Gươm tạm ngưng hoạt động để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Các hoạt động dịch vụ, biểu diễn, trưng bày… tại đây cũng tạm dừng hoặc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng văn hóa, du lịch địa phương, các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên… nghiên cứu các chương trình, hoạt động, tiết mục mới, sáng tạo cách thức thể hiện cho thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh qua đi, phố đi bộ đông đúc trở lại.

Thời gian qua, có thể thấy phố đi bộ có đóng góp vào việc duy trì các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng, thu hút du khách, công chúng, người dân sở tại tham quan, thưởng thức, thư giãn vào dịp cuối tuần, từ chiều tối ngày thứ sáu đến đêm chủ nhật. Theo đó, là đều đặn các suất diễn tối với xẩm, chèo, quan họ, chầu văn; biểu diễn nhạc tiền chiến, nhạc mới với những ca khúc nổi tiếng về Hà Nội; một số dịp trình diễn âm nhạc hiện đại với sân khấu hoành tráng, chương trình sôi động thu hút đông đảo người dân và khách du lịch. Nhiều hoạt động nghệ thuật quần chúng, vui chơi tự do khác cũng được tiếp nối trên phố Đinh Tiên Hoàng vòng theo hồ Gươm. Gần đây, một số tổ hợp sắp đặt kết hợp ánh sáng được bố trí rải rác quanh hồ, cùng với việc trưng bày ảnh báo chí - nghệ thuật đã bắt đầu được tổ chức.

2. Tuy nhiên, có thể thấy, một số nét mới có xu hướng mở cho nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật phục vụ thị giác vẫn còn thưa thớt. Trong khi điều kiện dành cho việc trưng bày, giới thiệu tác phẩm tạo hình tại các không gian công cộng như khu vực hồ Gươm là rất dồi dào. Thí dụ như các tác phẩm nhiếp ảnh lọt vào chung khảo và giành giải thưởng qua các cuộc thi quốc gia, quốc tế do Việt Nam tổ chức với nhiều đề tài đa dạng chung quanh chủ đề lớn Việt Nam - đất nước, con người…; các tác phẩm điêu khắc nổi bật qua các kỳ triển lãm khu vực, toàn quốc, festival mỹ thuật trẻ… Đó là nguồn tác phẩm chất lượng tốt và đa dạng, có thể phục vụ cho việc luân phiên trưng bày ngoài trời phục vụ công chúng, giúp công chúng yêu nghệ thuật, công chúng phổ thông sớm tiếp cận những thành quả sáng tạo mới của nghệ thuật đương đại.

Cách làm trên có thể áp dụng với các tác phẩm hội họa cả đương đại, lẫn nghệ thuật tranh dân gian đặc sắc của dân tộc thông qua việc in, phóng khổ lớn để trưng bày công cộng mà không phải trưng bày tác phẩm gốc. Với các tác phẩm điêu khắc chất liệu bền vững, ngành văn hóa thành phố và quận Hoàn Kiếm nên chú trọng nghiên cứu việc chọn lựa, trưng bày với thời gian kéo dài chung quanh hồ Gươm, trong không gian cây xanh và vỉa hè ven hồ phù hợp, góp phần tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho khu vực.

Ngoài ra, với một số chương trình “ca nhạc đường phố”, từ khá lâu đã bộc lộ bất cập khi các nhóm biểu diễn có khoảng cách gần nhau, biểu diễn với âm lượng lớn, tạo nên sự ồn ào, lộn xộn về âm thanh. Thậm chí có nhóm biểu diễn với chất lượng chương trình không cao, lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Những tồn tại này không chỉ gây nên sự lặp lại, nhàm chán, ảnh hưởng đến không gian chung về âm thanh, mà còn thấy hiệu quả trong đáp ứng, nâng cao nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ cho khán giả. Cũng cần nghiên cứu tác động của âm thanh, âm lượng từ việc biểu diễn của các nhóm để bảo đảm môi trường phù hợp về âm thanh, tiếng động cho người đi bộ. Cũng nên có cả những dịp cuối tuần không biểu diễn nhạc sống, mà chỉ cần phát thanh các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng trong và ngoài nước với chất lượng âm thanh tốt, được sắp đặt khéo léo trong sự kết hợp với hệ thống tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật, với hệ thống hình ảnh và nghệ thuật ánh sáng… Như vậy, có thể tạo thêm sức hấp dẫn mới cho không gian phố đi bộ.

3. Vài góp ý trên, để gợi mở rằng, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, du lịch cho phố đi bộ hồ Gươm rất cần sáng tạo phù hợp, tránh việc lặp đi lặp lại, kéo dài những thứ đã quá quen thuộc, hoặc được cho là quen với người này nhưng lạ với người khác. Phố đi bộ hồ Gươm sẽ hấp dẫn hơn nếu có sự chuyển tiếp, kết nối nhiều không gian quy mô khác nhau với quảng trường, phố nhỏ, vỉa hè kéo dài, nhiều công trình, di tích, hệ thống cây xanh, vườn hoa đa dạng. Với tiềm năng sáng tạo phong phú của lực lượng nghệ sĩ, đó sẽ là những gợi ý sinh động, đóng góp ý tưởng, hành động mới cho việc làm đẹp, làm hay, làm mới thường xuyên không gian này, vun đắp vào tình yêu của công chúng, du khách và người dân sở tại với hồ Gươm, với Hà Nội.