Chung tay bảo vệ di chỉ Vườn Chuối

Qua câu chuyện nhân dân Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) đồng tâm nhất trí bảo vệ di chỉ Vườn Chuối ở thôn mình, có thể thấy nhiều tín hiệu tích cực cả từ phía các cơ quan hữu trách và từ cộng đồng trong việc bảo tồn di sản, giữ gìn văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Thắng lo lắng di chỉ Vườn Chuối sẽ bị san lấp. Lo lắng đó đã được giải tỏa phần nào.
Ông Nguyễn Văn Thắng lo lắng di chỉ Vườn Chuối sẽ bị san lấp. Lo lắng đó đã được giải tỏa phần nào.

Trở lại mấy năm trước, từ khi có quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, di chỉ Vườn Chuối chịu nhiều áp lực giải phóng mặt bằng, có lúc đã đứng trước nguy cơ còn - mất. Và chính những người dân Lai Xá là những người đầu tiên đưa những thông tin “kêu cứu” cho di tích khi thấy những hoạt động san lấp lớn. Công luận, truyền thông, cũng như các nhà khoa học, nhất là những người trực tiếp khai quật ở đây, đã góp tiếng nói khẳng định rõ thêm giá trị có một không hai của khu di chỉ này, không chỉ với Hà Nội và với cả nước nói chung. Những tiếng nói tâm huyết đã có sự phản hồi tích cực. Sau những kiến nghị từ phía các nhà khoa học và nhân dân địa phương, ngành văn hóa và chính quyền Hà Nội đã có hành động kịp thời để gìn giữ di chỉ Vườn Chuối.

Gần đây, trước những lo ngại của người dân ở Lai Xá về việc san lấp mặt bằng sẽ xâm phạm vào di tích, ngày 8-4 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Viện Khảo cổ học và các đơn vị liên quan quản lý, bảo vệ hiện trạng mặt bằng di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối trong quá trình thực hiện dự án, giải quyết những phát sinh theo các quy định của pháp luật về công tác thăm dò, khai quật khảo cổ học trên địa bàn. Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội sẽ tăng cường việc tiếp nhận ý kiến từ người dân để kịp thời nắm bắt các thông tin tại hiện trường.

Nhiều thế hệ nhân dân trong thôn Lai Xá đã cùng chứng kiến tám lần đào khảo cổ ở đây, lần đầu từ năm 1969. Họ biết và quý giá trị của di chỉ khảo cổ học này, đồng tâm muốn bảo vệ và tôn vinh di chỉ như một niềm tự hào của quê hương bên cạnh truyền thống nghề ảnh đặc sắc của làng.

Nhân dân ở Lai Xá đã đồng hành, hỗ trợ các nhà khảo cổ học trong tất cả những lần khai quật. Họ cũng là người trực tiếp “trông coi” di chỉ, thu nhặt và trân trọng giữ những mảnh hiện vật rơi vãi, đề phòng nạn đào trộm của những kẻ gian. Mới đây, nhân dân trong thôn còn nhờ chuyên gia lập trang facebook “Di chỉ Vườn Chuối” để kịp thời chia sẻ thông tin về di chỉ này. Các nhà nhiếp ảnh Lai Xá còn quyết định sẽ tổ chức sáng tác để sớm mở một triển lãm ảnh với chủ đề “Người Lai Xá với di chỉ Vườn Chuối”. Triển lãm này sẽ minh họa cho tấm lòng người dân Lai Xá với di sản của tiền nhân. Ông Nguyễn Văn Thắng còn cho biết: Không chỉ trưng bày ảnh, ban tổ chức triển lãm sẽ vận động bà con trong thôn nếu ai còn giữ được hiện vật gì sẽ cho mượn để trưng bày. Cùng với đó là câu chuyện của chính họ nói về quá trình tìm thấy, lưu giữ, bảo quản hiện vật qua thời gian để khách tham quan có nhiều hiểu biết hơn về Vườn Chuối.

Cả cộng đồng ở Lai Xá đã đồng thuận cao trong ý tưởng chung tay bảo vệ những giá trị văn hóa của quê hương. Người dân Lai Xá còn tiếp tục mong muốn góp sức hơn nữa trong việc giữ gìn những “tài sản” văn hóa của mình. Không những tôn vinh những giá trị, nhân dân Lai Xá còn chủ động nắm rõ các thông tin về quy mô những công trình, phạm vi mốc giới bảo tồn… để có thể chủ động giám sát hoặc nêu kiến nghị với các cơ quan hữu trách nếu cần thiết.

Ngày 18-4, ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cho biết: “Các cơ quan quản lý của Hà Nội đang cùng với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp tiến hành các thủ tục theo quy định để tiếp tục khai quật khảo cổ học di chỉ này trong thời gian sớm nhất. PGS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, được giao phụ trách công việc khai quật. Dựa trên kết quả nghiên cứu, thành phố sẽ tính toán để có phương án bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị của khu di chỉ đặc biệt này”.