Chờ sáng tạo cho phố đi bộ hồ Gươm

Sau một tháng hoạt động trở lại, phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội) đang thu hút đông người tới vui chơi và thưởng lãm. Thế nhưng, những hoạt động diễn ra tại đây đang dần trở nên quen thuộc đến mức nhàm. Nên có những phương án sáng tạo hơn để phố đi bộ trở thành không gian văn hóa nghệ thuật (VHNT) phục vụ đời sống tinh thần của khán giả.   

Phố đi bộ vẫn náo nhiệt nhưng đang thiếu điểm nhấn từ các sự kiện văn hóa, nghệ thuật mới lạ.
Phố đi bộ vẫn náo nhiệt nhưng đang thiếu điểm nhấn từ các sự kiện văn hóa, nghệ thuật mới lạ.

“Vắng bóng” nét văn nghệ đặc sắc

Sau đợt dịch Covid-19 thứ ba, nhu cầu vui chơi của công chúng lớn hơn. Vì thế, lượng khách tới phố đi bộ đông lên, với nhiều gia đình có con nhỏ, các bạn trẻ, người ở các tỉnh khác, một số khách nước ngoài… Tuy nhiên, hoạt động VHNT của phố đi bộ vẫn chưa thật sự “khởi sắc”. Chủ yếu vẫn là một số nhóm bạn trẻ đàn hát, nhảy múa, đá cầu, chụp ảnh... Một hai nhóm nhạc biểu diễn đàn, hát các bài ca về Hà Nội, nhạc tiền chiến… Bên vệ hồ là những dịch vụ giải trí và mua sắm quen thuộc: vẽ tranh chân dung, bán hàng lưu niệm và những món đồ chơi cho trẻ em… 

Hầu hết các hoạt động VHNT trên phố đi bộ đều có quy mô nhỏ, diễn ra một cách lẻ tẻ, rập khuôn, thiếu sáng tạo. Vậy nên, nhiều người đến đây cũng không mấy dành sự quan tâm và chỉ đi bộ vãn cảnh, thưởng thức kem Tràng Tiền. Chị Thu Trang, 24 tuổi, sống tại quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tôi thật sự mong chờ được thưởng thức những chương trình nghệ thuật công phu, chuyên nghiệp. Thế nhưng thời gian gần đây đến chơi, tôi cảm thấy thiếu vắng những điểm nhấn từ các sự kiện lớn và phù hợp, chỉ biết đi tản bộ ngắm cảnh quanh hồ thôi”.

Nhiều gia đình có con nhỏ cũng mong các con được thưởng thức những hoạt động ý nghĩa, tiếp nhận nhiều loại hình văn nghệ đa dạng ở phố đi bộ. Chị Minh Thư, sống tại phố Hai Bà Trưng, thường đưa các con đến chơi mỗi chủ nhật, mong muốn: “Hai cháu nhà tôi rất thích được lên phố đi bộ và được xem các tiết mục nghệ thuật ý nghĩa, nhưng dạo gần đây, các con chỉ có thể tự vui chơi ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ và chơi xếp gỗ cùng các bạn nhỏ khác. Tôi mong có thêm nhiều hoạt động bổ ích dành cho các con như triển lãm lịch sử, văn hóa… thì thật tuyệt vời”.

Phố đi bộ còn thu hút đông khách từ các địa phương. Anh Văn Lãm, sống tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ khi quay trở lại với phố đi bộ lần thứ hai: “Nơi đây vẫn mang trong mình một vẻ đẹp rất trữ tình, rất Hà Nội. Nhưng có vẻ như sau đợt dịch này, phố đi bộ vẫn còn hạn chế nhiều hoạt động nên tôi thấy có đôi chút hụt hẫng, không còn được thưởng thức những tiết mục hay”.

Không nên bỏ qua những ý tưởng hay!

Du khách tới thăm phố đi bộ của Thủ đô chủ yếu chỉ để tản bộ nói chuyện và ăn uống, đó là những quan sát của chị Lynne, một giáo viên dạy tiếng Anh đã sống ở Việt Nam được hai năm. Chị gợi ý rằng, nên có thêm các hoạt động VHNT phong phú, đa dạng, quy mô lớn và thời gian thì nên kéo dài hơn. Từ đó mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách du lịch về việc thưởng thức văn hóa truyền thống của Việt Nam, thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu. 

Anh Kevin, một du khách người Anh chia sẻ mong muốn: “Tôi ước được nhìn thấy nhiều hơn những hình ảnh thể hiện nét đặc trưng văn hóa đất nước các bạn hiện hữu trong các khu phố đi bộ. Thay đổi từ những thứ nhỏ nhất như món đồ chơi dân gian, quà lưu niệm, món ăn trên phố, tôi thích nó mang tính bản địa, “dáng hình” chứa đựng nét ý nghĩa VHNT Việt, thí dụ như các sản phẩm thủ công cao cấp… Chúng thật sự khiến tôi hào hứng, tò mò và muốn tìm hiểu thêm nền văn hóa của Việt Nam”.

Nhiều gợi ý khác của người dân cho rằng, các cơ quan chức năng bộ cần phải “năng động”, thúc đẩy và tạo điều kiện hơn trong việc tổ chức các sự kiện VHNT kết hợp cả truyền thống và đương đại, phù hợp cho mọi lứa tuổi có thể thưởng thức. Như thực hiện những trưng bày nhỏ trong phố, với những bộ sưu tập tranh, tượng… thể hiện các giai đoạn lịch sử phát triển của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Đồng thời quảng bá các sản vật, những nét văn hóa của vùng đất nghìn năm văn hiến. Cũng có thể lưu tâm và tổ chức các sự kiện trình diễn âm thanh, ánh sáng công phu - đây cũng là chương trình nhận được đề xuất và sự mong chờ đặc biệt từ các bạn trẻ. 

Cùng với đó, có thể ứng dụng công nghệ màn hình 3D, thiết bị thực tế ảo cho phố đi bộ để truyền tải một cách hoành tráng và hấp dẫn hơn về các bộ phim tài liệu mang yếu tố lịch sử; những hình ảnh đặc trưng của đất nước Việt Nam, các danh lam thắng cảnh; những nghĩa cử cao đẹp, hành động dũng cảm của con người Việt Nam… Hay việc ứng dụng không gian “sân khấu mặt nước” hồ Gươm để trình diễn VHNT, nếu có sẽ trở thành một điểm nhấn thu hút khách du lịch. Cũng có thể tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam tới du khách nước ngoài, người dân trong nước bằng cách thể hiện hình ảnh tượng trưng ngay trên mặt hồ Gươm qua công nghệ hiện đại hologram,… 

Đông đảo người dân khi tới đây đều mong muốn được giải trí và thưởng thức nghệ thuật. Vì thế các hoạt động vừa cần sự sáng tạo “mới mẻ”, vừa cần tính ổn định để có thể giữ chân du khách. Nâng cao giá trị văn hóa trong lòng người dân là một trong những yếu tố cốt lõi để lưu giữ những nét đẹp ở phố đi bộ hồ Gươm.