Chia Tết

Thời tiết đã lạnh, trời đất âm u, chẳng mấy nữa là lại đến Tết. Bây giờ hình như người ta không còn chờ đến Tết với một tâm lý háo hức, thấp thỏm, vừa mừng, vừa lo như ngày xưa, trẻ con cũng chẳng còn hóng đến Tết nhanh để có quần áo mới. Tết giờ đã gần như giống những kỳ nghỉ khác trong năm, có chăng là một kỳ nghỉ dài hơn?

Tết sẻ chia. Ảnh: ĐÔNG BẮC
Tết sẻ chia. Ảnh: ĐÔNG BẮC

Những cái Tết ngót 30 năm trước, ngày tôi còn rất nhỏ. Mẹ phải đi làm đến tận ngày cuối cùng của năm, còn bố vẫn phải trực trong bệnh viện, có khi đến trưa mồng 1 Tết mới được về. Nhưng bố mẹ đã tranh thủ lo Tết từ nhiều ngày trước. Nhà ít người nhưng không hiểu sao bố mẹ lại sắm sửa lỉnh kỉnh nhiều thứ thế để làm gì, hay mua hộ ai, vì ngày đó mẹ làm ở cửa hàng của huyện.

Thôi thì đủ, những bó lá dong, những ống giang để chẻ lạt gói bánh, gạo nếp, miến đao, mộc nhĩ... Tôi cứ thấy mừng mừng, sao Tết nhà mình lại có nhiều thứ thế, mà lại mua từ rõ sớm. Nhà mấy đứa trong xóm vẫn chưa thấy mua bán được gì, chúng nó bảo phải đến cận Tết thì mẹ nó mới có tiền để sắm, mà cũng chẳng có đâu sắm nhiều.

Bấy giờ là thời kỳ vừa xóa bỏ bao cấp, nhưng kinh tế còn khó khăn lắm, nhất là những vùng ở trung du như quê tôi. Nên Tết đến, không biết lũ trẻ con vui và háo hức thế nào, chứ người lớn thì cứ là lo ngay ngáy.

Nhưng dù thế nào thì năm hết Tết đến, nhà nào chẳng phải cố có vài cân gạo nếp, ít đỗ, một vài cân thịt lợn. Rồi cũng phải cố có thêm con gà, vừa là để cúng ông bà tổ tiên, sau là để con cháu, nhất là lũ trẻ con được dịp hiếm hoi ăn miếng thịt ngon. Ấy là còn chưa kể, phải lo cho mỗi đứa nhỏ có bộ quần áo mới, hay đôi dép, chứ ai nỡ để nó tủi thân khi nhìn con nhà người ta có đồ mới diện Tết.

Bấy giờ lo Tết được là vất vả lắm, có nhà đến ngày 30 Tết, vẫn tất tả đi bán rau, đi cấy thuê. Tôi nhớ ngày đó nhà cô tôi nghèo, cô chú làm ruộng, mỗi độ Tết đến là bòn từng gánh rau, từng cân cà đi bán, góp nhặt từng tờ tiền một trăm đồng. Nuôi được con lợn mấy chục cân, bán đi chỉ dám để lại vài cân thịt xấu, chứ chẳng dám mổ để mọi người ăn đụng.

Cô tôi nhà đông con, chú chồng cô lại là thương binh, nên chẳng thể xốc vác được như người khác. Tết đến nhà cô cũng gói bánh chưng, nhưng không phải hoàn toàn bằng gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn. Mà thật ra gạo nếp chẳng có mấy, chỉ một phần nhỏ, còn lại là sắn ruôi khô, ngâm kỹ trộn vào gạo, còn nhân chỉ là một chút đỗ. Nhà cô đông người, nên phải làm như thế, chứ gói tất bằng gạo thì lấy đâu ra. Cùng lắm là có hai, ba cái, gói nguyên bằng gạo để phòng nhà có khách, bởi ai đời đãi khách ngày Tết mà lại bóc cái bánh chưng độn sắn ra.

Bố mẹ tranh thủ gói bánh từ ngày 27, 28 tháng Chạp. Thường mẹ tôi gói nhiều bánh hơn mọi nhà, tầm trên mười cân gạo, vài cân đỗ, thịt lợn, rồi nấu vào một cái nồi quân dụng to. Bao giờ bố cũng gói cho anh em tôi mấy cái bánh chưng nhỏ nhỏ, tôi háo hức nhất là lúc vớt bánh, để được thấy cái bánh của riêng mình, với chiếc dây buộc đánh dấu.

Nhưng chờ bánh “ra lò” cũng lâu lắm, thường thì cứ 4, 5 giờ chiều nhà tôi mới bắc nồi, nổi lửa thì cũng phải đến 11, 12 giờ đêm bánh mới chín. Nên cũng có lần tôi ngủ tít, chẳng chờ nổi đến lúc bánh chín. Nấu bánh bằng củi, nên bếp bao giờ cũng nhiều than, và than rất đượm, ngoài chuyện nướng khoai của mấy chị em tôi, bố còn nướng những xiên chả thơm phức. Có lần bố còn cuốn cả một đoạn dồi lợn dài quanh một chiếc ống tre, rồi nướng. Mùi thịt chín, mùi rau thơm, tiếng mỡ rớt xuống xèo xèo, cứ làm cho cái dạ dày tôi nó chẳng chịu yên.

Ngày áp Tết, khi bánh chưng đã luộc xong, hàng Tết mẹ đã mua đủ. Bố dậy từ sáng, lỉnh kỉnh xếp những gói kẹo, gói mứt, những chai rượu chanh, rượu cam, rồi cả mấy cặp bánh chưng, cùng mấy bộ quần áo của bọn trẻ con nữa... Tất cả, bố tôi cho vào một cái hộp gỗ, với chiếc làn, chất lên chiếc xe Honda 50, ngày ấy người ta hay gọi là xe “bình bịch”.

“Hàng Tết”, bố tôi mang về quê, một phần để cho bà thắp hương các cụ và ông nội. Còn lại bố tôi cho nhà các cô, chú, nhà nào bố cũng cho một cặp bánh chưng, mứt, kẹo, chai rượu và một gói chè cùng đôi bao thuốc lá Sông Cầu, hay Sapa gì đó. Còn những bộ quần áo thì cho con các cô, các chú, và khỏi phải nói chúng nó mừng đến cỡ nào.

Mấy chục năm trôi qua, nhưng tôi thấy cái không khí sắm Tết, ăn Tết và chơi Tết ngày xưa sao vui đến thế. Hay do đó là ấn tượng tuổi thơ nên nó cứ in đậm trong ký ức của tôi, những cái Tết đầy háo hức, gần gũi của gia đình, anh em.