Cất cao tiếng nói biển, đảo Tổ quốc

Bộ Tư lệnh Hải quân vừa trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật, Báo chí giai đoạn 2016 - 2020. Từ hàng nghìn tác phẩm tham dự, Ban tổ chức trao 4 giải A, 12 giải B và 20 giải C cho các tác phẩm văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh và báo chí. 

Tác phẩm về đề tài Hải quân được cán bộ, chiến sĩ đón nhận.
Tác phẩm về đề tài Hải quân được cán bộ, chiến sĩ đón nhận.

1. Đây là những tác phẩm được đánh giá có nội dung tư tưởng tích cực, phản ánh sâu sắc đời sống của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, góp phần lan tỏa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Giải thưởng hội tụ nhiều tác phẩm góp phần nâng cao nhận thức, tình cảm, cổ vũ quần chúng nhân dân thi đua yêu nước, hướng về biển, đảo Tổ quốc và người chiến sĩ Hải quân. 

Bộ Tư lệnh Hải quân cũng ưu tiên cho những tác phẩm được bộ đội và nhân dân đón nhận, đánh giá tốt, mang đến cảm xúc nhân văn và hiệu quả xã hội cao. Bốn giải A được trao cho các tác phẩm: “Biển, Tổ quốc tôi” (âm nhạc, Nguyễn Xuân Bình), Trường ca “Nơi khôn thiêng của biển” (văn học, Lương Hữu Quang), “Đảo Nam Yết anh hùng” (nhiếp ảnh, Vũ Ngọc Hoàng) và Giai điệu tự hào “Những người con của biển” (Đài Truyền hình Việt Nam). Ban tổ chức cũng đánh giá tốt, trao giải B cho các tác phẩm như “Bức họa Trường Sa” của Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, bộ sách “Nơi đầu sóng - Mắt trùng khơi” của Lữ Mai - Trần Thành… 

2. Đáng mừng lần này có sự tham gia của nhiều cây bút trẻ 8x và đặc biệt, có những chân dung, tác phẩm đã trở nên quen thuộc, gắn bó với biển, đảo trước khi nhận giải thưởng của Hải quân. Năm 2018, Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, người gắn bó sâu sắc với biển, đảo đã xuất bản tập thơ “Bức họa Trường Sa” (NXB QĐND). Lối viết chân thực, dung dị của anh về đồng đội, hậu phương, quê hương người lính mang tới cho độc giả những ấn tượng mộc mạc, xúc động. Nữ tác giả Hồng Diệu lại tạo nên sự thu hút bởi nét hồn nhiên khi nhập vai các em nhỏ có bố đang công tác ở đảo xa qua tập thơ “Thư con gửi Trường Sa” cũng do NXB QĐND ấn hành. Chị viết thiên về dạng đối thoại, chẳng hạn đối thoại của cha con người lính biển đầy giản dị và lay động: “Ba ơi! Nhưng sao lại/Gọi đó là đảo chìm? Có phải những chú chim/Không có nơi nào đậu? Ồ không, con yêu dấu/Vẫn có chim về đây/Nhưng ít thấy hàng cây/Chỉ có nhà và biển…/Lúc mặt trời chiếu tỏ/Lại mênh mông nước đầy/Nhà của ba ở đấy/Như thuyền lướt gió mây”. Kỹ sư Trần Thành - đồng tác giả bộ sách “Nơi đầu sóng - Mắt trùng khơi” (NXB Văn học) đã có 10 chuyến công tác ra Trường Sa, Nhà giàn DK1. Hình ảnh người kỹ sư tâm huyết, sáng tạo và tặng máy lọc nước biển thành nước ngọt ra đảo xa đồng thời là chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương, triển khai nhiều chương trình thiết thực: “Trường Sa xanh”, “Tết Trung thu Bố ở đảo xa con ở nhà có bạn”, “Chăm lo hậu phương, vững lòng biển đảo” đã ghi dấu ấn trong lòng hậu phương và cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhiều năm qua. 

3. Những năm gần đây, Bộ Tư lệnh Hải quân đã phối hợp nhiều đơn vị trong và ngoài quân đội tổ chức các trại viết, hoạt động thực tế sáng tác, giao lưu, kết nối nhằm phát hiện, khích lệ, đầu tư và trao giải cho tác phẩm thuộc nhiều thể loại. Có thể nhận thấy, hơi thở thời đại và hình tượng người lính hôm nay đang được nắm bắt, khắc họa khá rõ nét và đi vào đời sống cán bộ, chiến sĩ, quần chúng nhân dân một cách ấm áp, lắng sâu.

Còn nhớ, vào mùa thay quân cuối năm 2019, một trong những hình ảnh ấn tượng nhất tại Quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) là từng cuốn sách viết về lực lượng Hải quân còn thơm mùi giấy mới được các thiếu nữ Hà Nội mang tặng các đồng chí bộ đội sắp lên tàu làm nhiệm vụ. Ba hồi còi tàu chào cảng vang lên, trên boong tàu, các chiến sĩ trong quân phục trang nghiêm vẫy chào với hoa cúc họa mi và sách trên tay. Rồi đây, khi những con tàu rẽ sóng, trập trùng về biển khơi và gió lộng, các tác phẩm đó sẽ có hành trình trở về nơi nó được khai sinh.

Sự phong phú, đa dạng của giải thưởng còn thể hiện qua những tác phẩm phản ánh trực diện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của người lính. Có thể kể tới các tác phẩm nhiếp ảnh: “Cảnh giác” (Trần Quốc Dũng), “Bảo quản vũ khí” (Đào Thế Am), “Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 127 kéo tàu cái Kiên Giang ra khỏi nơi mắc cạn” (Nguyễn Văn Định)… Vẻ đẹp nơi đầu sóng ngọn gió còn được thể hiện sinh động, lãng mạn, tinh tế qua tản văn - ghi chép “Tâm tình lính biển nhắn với chim hải âu” (Lê Mạnh Thường), tác phẩm nhiếp ảnh “Chùa trên đảo Trường Sa” (Vũ Ngọc Hoàng), “Thư của lính” (Hoàng Diệu)…