Cần trân trọng “tấm bia Nguyễn Du”

1/ Gần 100 năm trước, vào ngày 8-12-1924 (mồng 10 tháng 8 năm Giáp Tý) nhân ngày giỗ lần thứ 104 của Nguyễn Du, Lễ kỷ niệm, tri ân tác giả Truyện Kiều lần đầu tiên được Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức trang trọng. 

Tấm bia cần được tạo một không gian rộng, thoáng và lối vào để công chúng có thể tham quan, tìm hiểu.
Tấm bia cần được tạo một không gian rộng, thoáng và lối vào để công chúng có thể tham quan, tìm hiểu.

Sau 5 năm (1929) kể từ lễ kỷ niệm trang trọng đó, Hội đã cho tạc bia đá để ghi công Nguyễn Du. Năm 1929, học giả Bùi Kỷ (1888 - 1960) là người soạn thảo nội dung văn bia Kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn tiên sinh và năm 1930 bia được hoàn thành. Tấm bia được dựng đặt trang trọng trong sân của khuôn viên trụ sở Hội, mà ngày nay chính là địa chỉ 16 Lê Thái Tổ, mặt sau là số 79 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trán bia mang dòng chữ “Bài bia kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn tiên sinh”. Bia cao 2,2 m, rộng 1,2 m, ba tầng mái được vuốt tròn ở đầu đao. Mái trên cùng trang trí vân xoắn chữ triện. Riềm bia khắc chìm hoa cúc, hoa dây. Đế bia gồm ba phần có chạm hình mặt hổ phù, cánh sen cách điệu, các hạt tròn nổi trong khung chữ nhật. Hai mặt bia có khắc bài ký chữ Nôm và chữ quốc ngữ nói về thân thế, sự nghiệp của tác giả Truyện Kiều. Phần kết bia có bài minh: “Đất đục trời trong hòa tan làm mực/Nước biếc non xanh tả nên đầy bực/Đã sẵn tài tình, quản gì phong sắc/Hồn văn đi về cảo thơm sực nức/Bút tựa mặt hồ trăng sao vằng vặc/Cảnh ấy bia này nghìn thu dằng dặc”.

2/ Qua hơn 90 năm tọa lạc ở địa chỉ lịch sử này, tấm bia quý giá đang bị xói mòn bởi thời gian, nhiều chỗ bị rạn xóa mờ nét chữ. Đáng tiếc là hiện nay, bia còn  bị che khuất, vây bủa bởi hàng quán bên Hồ Gươm sầm uất, sôi động mà ít người biết đến.

Gần đây, trong một lần đến quán café ở khu vực này, nhóm nhà văn nữ chúng tôi có trò chuyện với một số cháu nhân viên. Nhà văn Bích Thu hỏi: Tấm văn bia này linh thiêng lắm! Cháu có biết ý nghĩa tấm bia này không? - Dạ, chúng cháu có thấy một số người đến tham quan tấm bia này, nhưng chúng cháu không biết ý nghĩa ạ...

Nghe tôi đọc dòng chữ trên cùng tấm bia “Bài bia kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn tiên sinh”, một nhân viên nhà hàng hỏi: - Cô ơi Tiên Điền Nguyễn tiên sinh là ai ạ?  Tôi đang định trả lời, nhà văn Trần Thị Trâm hỏi ngay: - Cháu biết Truyện Kiều của Nguyễn Du chứ? - Dạ, cháu có biết Nguyễn Du, nhưng cháu không biết Tiên Điền Nguyễn tiên sinh là ai ạ! Sau đó, nhà văn Lê Phương Liên đã giải thích với các cháu về nguồn gốc, xuất xứ, giá trị tấm bia này.

Thời gian qua, Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Nội đã có công văn đề xuất ý kiến với cơ quan chức năng tôn vinh Văn bia tưởng niệm Nguyễn Du xứng đáng với giá trị của nó - di sản văn hóa dân tộc có tuổi đời gần một thế kỷ. Thiết nghĩ, ngành văn hóa, du lịch cần có giải pháp tích cực giới thiệu, quảng bá, mở rộng khuôn viên để chính người dân Thủ đô và nhiều du khách biết đến địa chỉ này.