Cần sớm có phương án bảo tồn tháp cổ

Trước khi chia tay về xuôi, ông Lô Văn Liệu, Bí thư đảng ủy xã Mỹ Lý, huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn không quên nhắn gửi với công luận là “tồn thạt”(tháp cổ) ở bản Yên Hòa đã nhiều lần kêu cứu nay đã đến lúc “cấp cứu” gấp. 

Tháp xuống cấp nghiêm trọng do không được trùng tu, bảo vệ, có nguy cơ đổ sập, nên xã phải cắm biển cảnh báo.
Tháp xuống cấp nghiêm trọng do không được trùng tu, bảo vệ, có nguy cơ đổ sập, nên xã phải cắm biển cảnh báo.

Bảo tháp linh thiêng giữa đại ngàn

Cũng như lần trước, trở lại Mỹ Lý lần này, Bí thư  Đảng ủy  Lô Văn Liệu không quên nhắc chuyện buồn trong việc bảo tồn tháp cổ nằm bên bờ thượng nguồn Nậm Nơn. 

Tháp cổ, một tòa tháp kiến trúc Phật giáo khá hiếm hoi ở bản Yên Hòa, người Thái nơi đây gọi là “tồn thạt”. Tháp tọa lạc trên một vùng đất khá rộng rãi và bằng phẳng, cao chừng 25 - 30 m, được xây bằng gạch nung. Thân tháp còn lưu giữ dấu tích của những bức phù điêu và những nét hoa văn, họa tiết tinh xảo. Chân tháp lớn và nhỏ dần lên theo từng tầng, phía trên cùng nhọn hoắt. Trên mỗi tầng tháp đều có những hoa văn lạ. 

Những bức phù điêu và đường nét hoa văn, họa tiết ấy  giờ đã bị bong gãy và đứt đoạn. Chân tháp xuất hiện nhiều lỗ thủng lớn, một góc đã sập. Tháp đã có dấu hiệu bị nghiêng và những vết rạn nứt. Cạnh tháp có cây bồ đề, dưới gốc, người ta xây một bàn thờ nhỏ có tượng Phật và một bát hương để thờ tự. Theo ông Lô Văn Liệu, trước đây có đến ba tháp cổ ở các bản Xiềng Tắm, Tả Lày và Xiềng Nứa, nhưng đều đã sụp đổ do không được quan tâm giữ gìn… “Trăn trở với bảo tháp này, tôi đã bỏ công đi tìm nguồn gốc và được một số thông tin cho biết, tháp xây từ những năm 1008”, ông Liệu chia sẻ.

Theo lời kể của ông Lô Văn Quyền, 70 tuổi, ở bản Xiêng Tắm, cách tháp cổ không xa, ngày xưa, chung quanh chân tháp là cả một quần thể các bức tượng Phật và tượng La Hán được làm từ chất liệu bằng đồng và bạc với nhiều kích cỡ và tư thế khác nhau. Khuôn viên của ngôi tháp được phủ đầy tán của những cây bồ đề cổ thụ. Phía sau có một ngôi miếu thờ. Trên đỉnh tháp có một viên ngọc phát sáng vào ban đêm, làm cho ngọn tháp trở nên huyền ảo... Ngôi tháp này được một vị sư tăng người Lào trông nom, chăm sóc và hương khói quanh năm. Tòa tháp cổ kính, rêu phong, ẩn khuất trong cây cỏ rậm rạp. 

Bí thư Lô Văn Liệu cho biết: Vào những năm 1970 của thế kỷ trước, một số kẻ xấu đã đến xâm hại và đánh cắp những cổ vật đặt dưới chân tháp, đe dọa đến sự bình yên nơi cửa Phật. Chúng đã đục thủng tháp để luồn vào bên trong đánh cắp cổ vật. Hiện trên thân tháp có đến hàng chục lỗ bị đục khoét...

Nguy cơ đổ sập

Xã Mỹ Lý cách thị trấn Mường Xén, huyện lỵ Kỳ Sơn hơn 50 km, là một trong những xã biên giới có địa hình phức tạp nhất. Nhưng như Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý Lương Văn Bảy thì dù nơi đại ngàn xa xôi hẻo lánh và công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng nhiều du khách vẫn lên đây chiêm ngưỡng, hằng tháng người dân vẫn đến thắp hương ở “tồn thạt”  độc đáo này. Chính quyền xã cũng đã nhiều lần kiến nghị các cấp, ngành chức năng có phương án bảo tồn tháp cổ nhưng chưa nhận được sự phản hồi. 

Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cũng trăn trở, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đã và đang trở thành quần thể du lịch sinh thái, huyện Kỳ Sơn rất muốn tháp cổ ở Mỹ Lý sẽ được xây dựng thành một điểm đến của du lịch địa phương.

Theo cán bộ chuyên môn của Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Nghệ An, vùng đất Mỹ Lý thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn được nhắc tới từ triều đại nhà Lý, là nơi Phật giáo du nhập từ những năm đầu Công nguyên. Vì thế, không ít công trình của Phật giáo đã xuất hiện ở vùng đất này từ xa xưa. Theo thời gian, Phật giáo không tồn tại ở đây nữa, các ngôi chùa dần dần biến mất, chỉ còn các ngọn tháp... Đây là sản phẩm của Phật giáo tiểu thừa di cư từ Thái-lan và Lào qua Việt Nam khoảng thế kỷ thứ VII. 

Tòa tháp đã bị hư hại nặng nề. UBND xã Mỹ Lý đã cho cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân và du khách đến chiêm bái. Tuy nhiên, hiện nay việc nghiên cứu, những biện pháp bảo vệ, bảo tồn tháp cổ vẫn chưa được triển khai và nhiều người đang lo lắng tháp cổ có thể đổ sập! 

Ngày xưa quanh tháp có rất nhiều tượng Phật. Vào ngày rằm và mồng một hằng tháng, người dân Yên Hòa và các bản khác trong vùng thường đem lễ vật, hương, hoa đèn nến đến cầu bình an, mùa màng tươi tốt phúc bội thu... Vì sự linh ứng lạ lùng khi được các già làng, trưởng bản thờ khấn, nên tháp được coi như vị thần bảo hộ của đồng bào các dân tộc ở đây.