Cần giải cứu để bảo tồn và phát triển?

Cuối năm, nơi nào cũng nhiều lễ hội và kỷ niệm, nhưng ai đến Quảng Nam, Đà Nẵng sẽ được chứng kiến hai cuộc kỷ niệm khá lớn, của những bảo tàng cổ và bảo tàng sống, không chỉ vang danh trong nước mà cả thế giới.

Đầu tiên là Bảo tàng Điêu khắc Chăm, bên bờ sông Hàn, thành phố Đà Nẵng, chính thức kỷ niệm 100 năm thành lập, với cái tên đầu tiên khi xây dựng từ 1915 - 1919 là Bảo tàng Chàm. Thứ hai, là khu đô thị cổ Hội An, kỷ niệm tròn 20 năm UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới - bảo tàng sống về lịch sử, kiến trúc, và đời sống dân cư đô thị hằng ngày diễn ra.

Đúng 100 năm tuổi, Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn chỉ có gần 400 m² để trưng bày hiện vật, nhưng ở đây lưu giữ các tác phẩm điêu khắc Chăm tiêu biểu cho nền nghệ thuật Chăm ở miền trung Việt Nam trải dài 8 thế kỷ (từ thế kỷ 7 đến 15). Với hơn 2.000 hiện vật trong kho, và gần 500 hiện vật luôn trưng bày, các tác phẩm điêu khắc nguyên bản có “quê hương” từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Kon Tum... Giá trị bảo tồn lịch sử và di sản quý thì là vậy, nhưng những người phụ trách, quản lý của bảo tàng vẫn chia sẻ nhiều điều mong muốn. Thí dụ, như năm qua, bảo tàng này đã đón gần 3.000 em học sinh đến trong dự án chương trình “Cùng em khám phá bảo tàng”. Học sinh thì đã vậy, nhưng số lượng khách trong nước vẫn chưa đạt như mong muốn. Tuy không đến mức đón người “vắng như chùa bà Đanh” ở nhiều bảo tàng tỉnh khác. Nhưng tổng kết trong năm 2018, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón 300 nghìn lượt khách tham quan, nhưng có tới 90% là khách quốc tế…

Nhưng chỉ cách đó hơn 30 km, khi bước chân đến Hội An, người ta mới sững sờ biết khách du lịch khắp nơi trong và ngoài nước, đến Hội An là… hơn 2,5 triệu lượt trong năm 2019. Đô thị cổ Hội An, nay lên thành phố, có tới 600 cơ sở với hơn 10 nghìn phòng, sẵn sàng đón hơn 21 nghìn khách lưu trú một ngày. Đón khách du lịch, chiếm 70% thu nhập GDP của thành phố. Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch cấp tốc như vậy, tạo áp lực lên không gian phố cổ, nơi hàm chứa những di sản văn hóa Hội An hiện đang quá tải hằng ngày sau hơn… 400 năm tuổi. Trước áp lực quá tải này, có rất nhiều phương án từ các giới khoa học lịch sử, kiến trúc cho đến UBND trực tiếp quản lý thành phố để “giải cứu”, để “hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”, nhưng cho đến nay thì vẫn chưa thật khả thi ở các luồng ý kiến đề xuất này…

Giải cứu áp lực bị đè nén bởi đón tiếp người và người ở một khu vực đô thị cổ thì khó khăn là vậy. Nhưng làm sao để “giải cứu ông già Noel” mới là điều khó khăn gấp bội cho khu vực cấp độ… toàn quốc hẳn hoi. Đây là một cuộc đàm thoại vô cùng thú vị sẽ diễn ra tại 24 Tràng Tiền, Hà Nội vào ngày 14-12 với cái tên đầy đủ là: “Giải cứu ông già Noel. Ống khói hay là ống thở”. Vì ngày Noel 2019 đang sắp tới, nhiều gia đình đang chờ đón quà Giáng sinh. Nhưng có dự báo rằng ông già Noel đang bị tắc đường bởi… khói bụi và rác thải nhựa tuôn ra khắp nơi hằng ngày và chưa được giải quyết triệt để. Cuộc đàm thoại này là cách tìm hiểu thực tế dưới hình thức văn hóa, cảnh báo cả nước về ô nhiễm môi trường.