Cảm xúc của bột mầu

Đã lâu rồi tại Hà Nội mới có một cuộc trưng bày tranh với chất liệu hoàn toàn là bột mầu. Triển lãm “Bột Mầu” của họa sĩ Lương Văn Tiến tại Museum Shop and Coffee Gallery (số 66, Nguyễn Thái Học, Ba Đình) diễn ra từ ngày 7 đến hết 14-12 mang tới những cảm xúc lạ lẫm mà quen thuộc.

Tác phẩm “Đồ đất”.
Tác phẩm “Đồ đất”.

1. Sinh năm 1979 và hiện đang là giáo viên dạy mỹ thuật tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi (Nam Sách, Hải Dương), Lương Văn Tiến được biết đến như một họa sĩ thành công với chất liệu bột mầu. Dù là vẽ tĩnh vật, người hay phong cảnh, Lương Văn Tiến đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng bởi lối sử dụng mầu, bút pháp và những ám ảnh cảm xúc trong tranh của anh. Hơn 20 năm trung thành theo đuổi chất liệu này, lẽ ra anh có thể mở triển lãm từ lâu khi đã định hình một phong cách riêng, nhưng đây là lần đầu anh thực hiện triển lãm cá nhân.

Họa sĩ thích sưu tầm những đồ vật cũ, thường là bát đĩa, chai lọ, bình vôi, ấm nước, chum vại… vì thế, chúng thường xuyên xuất hiện trong tranh của anh. Trong thế giới của những đồ vật cũ kỹ ấy, chủ yếu là nâu và xám, anh bộc lộ một cách thận trọng như tính cách của mình nhưng cũng không kém phần táo bạo. Những nét vẽ của anh khỏe khoắn, dạt dào cảm xúc, khiến người xem không ngừng bị lôi cuốn vào cái không gian đang hiển hiện một sự hứa hẹn đầy bí ẩn kia. Tranh của anh thường là mầu trầm, mầu lạnh, nhưng được sử dụng một cách có chủ đích vào việc lột tả mầu thời gian (khi là tĩnh vật), lột tả cảm xúc (khi là phong cảnh thiên nhiên hay một góc phố). Bột mầu của Tiến đưa người xem vào một thế giới khác mà ở đó có sự thiết tha, sâu lắng, yên ả, nơi người ta có thể thả hồn theo những cảm xúc riêng tùy tâm trạng.

Cảm xúc của bột mầu ảnh 1

2. Dưới góc nhìn của họa sĩ, những bình hoa, chum đất vẫn vậy, mộc mạc và giản đơn nhưng bất giác trở nên lấp lánh, gần gũi, thân thương. Với Tiến, những đồ vật cũ kỹ ấy là vật chứng của thời gian, anh truyền cảm xúc vào nó để chúng có một linh hồn mới. Bằng sức mạnh của hình và sắc, cộng thêm một chút nhiệm mầu, những đồ vật vô hồn ấy được anh tái sinh, sống lại trong một hình hài khác, một mầu sắc khác, một câu chuyện được kể bằng đồ vật.

Nếu như sự tĩnh lặng đến đắm đuối là dấu ấn riêng của tranh tĩnh vật, thì ở những bức phong cảnh vẽ thiên nhiên thuần túy hay những góc phố có sự xuất hiện của con người, lại luôn hiển hiện một sự chuyển động nhẹ nhàng uyển chuyển nào đó. Tranh phong cảnh của Lương Văn Tiến tiếp nối mạch cảm xúc của tĩnh vật, nhưng dạt dào, mướt mát hơn. Dù vẽ một góc phố, khu chợ, quán nước…, họa sĩ luôn thể hiện được sự chuyển động nhẹ nhàng, uyển chuyển qua nét cọ phóng khoáng, nhiều mầu sắc khiến người xem cảm nhận được nhịp sống hiện đại. Những bức vẽ không người như “Bên bờ ao”, “Chợ trưa”, “Lối quen”…, người ta vẫn có cảm giác của sự chuyển động trong đó, khẽ khàng thôi nhưng luôn có. Những lùm cây gợi sự chuyển động của gió, bờ ao dù chỉ được vẽ bằng vài nét bút đơn sơ vẫn gợi sự chuyển động của mặt nước, những tấm bạt căng trên mái chợ gợi những âm thanh rầm rì… Và trên tất cả, những nhát cọ phóng khoáng, những mầu sắc vừa thâm trầm vừa sắc nét của Lương Văn Tiến làm gợn lên những xôn xao của cảm xúc. Tranh của anh vừa tĩnh mà vừa động là vì thế.

Mầu lam được Lương Văn Tiến sử dụng trong hầu hết các bức tranh bột mầu của mình như một thứ vũ khí. Có lẽ vì thế mà tranh của anh mang lại sự thâm trầm, bí ẩn, thinh lặng và tinh tế. Anh đã tận dụng hết những thế mạnh của bột mầu, để chất liệu này như được khởi sắc, trở nên trong trẻo và cũng rất đỗi khỏe khoắn, ấn tượng. Dưới nét vẽ của Lương Văn Tiến, bột mầu như được cất cánh, mang hơi thở đương đại và gần với thế hệ trẻ hơn.

3. Trong cuộc triển lãm lần này, Lương Văn Tiến còn mang đến những khám phá mới qua những bức tranh bán trừu tượng với bút pháp khoáng đạt, mạnh mẽ lược bỏ hình khối khi chỉ để lại những mảng mầu gốc của bột mầu để nhấn nhá, ước lệ gây cảm xúc mạnh cho người xem. Với bức chân dung “Người đàn ông trong quán cà phê”, anh kể: “Tôi vẽ lúc ông đã uống tầm nửa lít rượu và hút tầm một bao thuốc. Tay ông cầm điếu thuốc cảm giác như dính vào mặt để hít. Vẽ ông lúc tôi cũng phê phê! Không nhớ. Cuộc sống và thợ vẽ đôi lúc chúng ta không cần thiết phải nhớ rõ mọi điều, cứ để nó lặng trôi mà thôi”.