Cách kể mới cho “Ê-đíp làm vua”

Trường ĐH SK&ĐA Hà Nội đã quyết định cho các sinh viên năm thứ hai của khoa diễn viên thử sức với thách đố giải mã cho kịch bản “Ê-đíp làm vua” trong khuôn khổ Festival sân khấu châu Á dành cho học sinh lần thứ VI. 

Cảnh trong vở diễn.
Cảnh trong vở diễn.

NSƯT Bùi Như Lai đã đem tới nét trẻ trung, độc đáo, khác lạ cho một “Ê-đíp làm vua” của Sô-phốc…

Câu chuyện đấu tranh với thần quyền, định mệnh, nhân vật vĩ đại là đại diện cho nhân loại quyết không đầu hàng trước số phận đã được sắp đặt… được dàn dựng lại với những nét độc đáo: sân khấu không có trang trí phông màn, chỉ có những con bù nhìn rơm, ma-nơ-canh. Phục trang nhân vật là áo veston hiện đại, các nhân vật khác chỉ có bộ đồ cách tân của áo dài, áo thời trang dáng dài hiện đại mầu đũi thô nguyên bản với nét cắt xẻ táo bạo. Không thay màn đổi cảnh, ngoài các diễn viên chính như Ê-đíp, Hoàng hậu (được phân thân thành hai diễn viên với tư cách là vợ và tư cách là mẹ) các diễn viên khác đều nằm trong dàn đồng ca, khi cần ra vai như em hoàng hậu, nhà tiên tri, người mục đồng… đều sẽ lấy khăn xếp, áo choàng… được treo trên các con bù nhìn. 

Tiết tấu dồn dập, cách kể lột tả được sự dồn ép ngày càng cao, càng nặng nề với nhà vua Ê-đíp… Cách xử lý của đạo diễn rất tốt, rất độc đáo khi để nhân vật hoàng hậu phân thân, với tư cách là người mẹ đã kể lại câu chuyện về đứa con bất hạnh mình sinh ra, để người thứ hai là người với tư cách là vợ đồng thời cũng là người tiếp nhận thông tin phải hoảng hốt, phản ứng với những lời trần thuật đó… Bản diễn đã nhận được sự đánh giá cao từ những khán giả khá chọn lọc là đồng nghiệp làm sân khấu, những người thầy từng giảng dạy về văn học kịch, kỹ thuật diễn, những diễn viên chuyên nghiệp.

Đạo diễn đã phát huy ưu thế từng là diễn viên, đạo diễn nhiều vở kịch hình thể, đi theo xu hướng kịch kiệm thoại, giàu tính biểu diễn, lôi cuốn người xem. Đây cũng là hướng đi đúng để đáp ứng nhu cầu cuộc thi với các trường trong khối nghệ thuật của châu Á - người xem có sự hiểu biết nhất định để cảm nhận tinh thần cũng như cách thể hiện của vở. Vẫn còn có những nuối tiếc nhất định như áp lực từ vai diễn quá lớn đối với những sinh viên lớp diễn viên năm hai còn quá trẻ. Sự thiếu từng trải khiến các em chưa thể cảm nhận đầy đủ diễn biến tâm lý rất khó thể hiện, đôi chỗ vấp váp lời thoại, sự biên tập chưa thật chỉn chu nhằm rút gọn thời lượng… làm mờ đi khát vọng đấu tranh với dục vọng phản kháng, chống lại số mệnh, định mệnh áp đặt lên mỗi con người. Nhưng đây là bản diễn thật sự hấp dẫn đối với kịch bản kinh điển đã có hàng nghìn năm, vẫn mang giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân văn lớn của nhân loại.