Ba nữ nhà văn ra sách khẳng định nội lực

Ba nhà văn nữ Y Ban, Thùy Dương và Võ Thị Xuân Hà vừa có một buổi ra mắt sách để lại nhiều dư âm sâu lắng.

Lãnh đạo Khoa Viết văn - Báo chí Trường ĐH Văn hóa Hà Nội chúc mừng ba nữ nhà văn trong lễ ra mắt sách.
Lãnh đạo Khoa Viết văn - Báo chí Trường ĐH Văn hóa Hà Nội chúc mừng ba nữ nhà văn trong lễ ra mắt sách.

Cùng tốt nghiệp khóa 4 Trường viết văn Nguyễn Du, cho đến nay, đã nhiều năm gắn bó với nghề viết, Thùy Dương, Y Ban và Võ Thị Xuân Hà là ba nhà văn nữ có sức sáng tạo bền bỉ khi liên tục cho ra mắt những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân và phong cách hiện đại. Gần đây nhất, Y Ban với tập truyện ngắn “Có thể có, có thể không”, Thùy Dương với tiểu thuyết “Lạc lối” và Võ Thị Xuân Hà cùng “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời”, đều do NXB Trẻ ấn hành, tiếp tục khẳng định sức viết, sức sáng tạo.

Tại buổi tọa đàm, các nhà văn đã chia sẻ những khó khăn, những cuộc đánh đổi lớn để có thể theo đuổi đam mê sáng tác. Nhà văn Y Ban cho rằng mỗi người làm nghề cầm bút đều phải đánh đổi một điều gì đó, nhưng với người phụ nữ, những đánh đổi đó có thể còn lớn hơn nhiều. Chị đã từng bị bố quở trách bởi từ bỏ công việc mà bản thân đã theo học nhiều năm, cương quyết được gắn bó với nghiệp văn. Thế nhưng nghĩ lại, chị vẫn không hối hận bởi quyết định của mình.

Còn nhà văn Thùy Dương chia sẻ, chị cảm thấy dung lượng của một truyện ngắn không đủ để chị truyền tải thông điệp về cuộc sống mà cuốn tiểu thuyết này sẽ là lựa chọn hoàn hảo nhất: “Cuốn tiểu thuyết “Lạc lối” được bắt nguồn từ những suy tư, trăn trở của người viết. Trong “Lạc lối”, cuộc sống con người được đan xen giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Nó cũng có con người luôn trăn trở ngoái lại đằng sau, trăn trở mình sinh ra có nhiệm vụ gì, làm gì trên thế gian này”. Với Võ Thị Xuân Hà, bản thân chị cho rằng khi đọc tác phẩm của chị, độc giả sẽ có thể bắt gặp cả mình, cả tác giả trong những mảnh ghép nhân vật. Theo chị, nghề viết là cái nghiệp mà mỗi nhà văn phải tu. “Nếu mọi người tu tại gia, tại chùa thì tôi lại tu qua từng con chữ. Truyện của tôi là những lát cắt rất mảnh, có thể gây đau đớn nhưng không để lại vết, có thể không chảy máu nhưng lại rất đau. Đọc xong, đau xong độc giả sẽ cảm thấy muốn sống, muốn vượt lên chính mình”.

Chứng kiến thành quả của ba nữ nhà văn cũng như những cố gắng các chị cống hiến, nhà văn Lê Minh Khuê, cây bút kỳ cựu của nền văn học Việt Nam có những bộc bạch đầy xúc động, chừng nào thấy mình còn viết được, còn hứng thú với niềm vui viết lách thì cứ viết. Bên cạnh đó, đừng quá quan tâm đến ý kiến khen chê, đừng để thời gian qua đi và không còn sức khỏe để viết.