Xin cho tôi về nhà

Trong chuyến thiện nguyện cuối năm tại Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai. Khi các bệnh nhân khác đang xôn xao nhận những suất cơm nhóm thiện nguyện mang đến, có một người đàn ông nơi góc phòng vẫn lặng thinh, chăm chú gò mình nắn nót viết từng chữ một, mặc kệ sự náo nhiệt đang diễn ra quanh mình. 

Tôi tò mò lại gần xem, đập vào mắt là một dòng chữ ngay ngắn, rõ ràng, rành mạch và còn được điểm xuyết thêm một cành hoa chứ không phải là những dòng chữ nghệch ngoạc vô hồn, câu từ ngớ ngẩn như nhiều lần tôi đã nhìn thấy ở phòng bệnh.

“Xin cho tôi về nhà”. Năm chữ ấy không phải người bệnh tâm thần nào cũng có thể viết ra. Có lẽ nhiều người khác lại càng không hiểu, sao lại “xin cho tôi về nhà”. Chao ôi, có phải những lúc tỉnh trí nhất của mình, nhà luôn hiển hiện, là nơi đầu tiên mà họ - những người trong cơn nửa tỉnh nửa mê vẫn không ngừng nghĩ đến. Cảm giác của tôi cũng trở nên khác thường khi đọc dòng chữ ấy. Chúng đưa tôi trở về những ký ức tươi đẹp ngày xưa, niềm thân yêu thuở thiếu thời trong ngôi nhà của mình. Có những ngày tất bật với công việc, lắm khi thật mệt mỏi, năng lượng gần như cạn kiệt làm tâm hồn trở nên yếu đuối. Việc đúng đắn nhất mà tôi làm ngay lúc đó là gói ghém ít đồ đạc, leo lên xe về nhà. Sau một đêm ngủ trên xe, mở mắt ra thấy rừng, thấy núi, gặp mẹ, gặp cha  là tôi như được nạp một nguồn năng lượng tích cực. Hỏi sao người ta sống trên đời cần đi, cần tìm về, cần soi rọi để biết quý mình, quý người, quý những gì mình đang có. Để rồi đi đâu, làm gì thì ai cũng muốn tìm cho mình một chốn bình yên nhất, là nhà.

Người đàn ông ngừng viết, ngước mắt lên nhìn tôi. Một người đàn ông thật khó đoán tuổi, tay khư khư cây bút viết bảng, cầm chặt, vội giấu ra sau lưng như sợ tôi giành lấy mất. Thương quá là thương!

Đời con người ta chỉ khi nào bước qua, mới thật sự hiểu dưới chân mình đã từng là gì, êm ái ra sao hay cào xước như thế nào. Chỉ khi nào trải nghiệm, có không ít những mất mát, rã rời thì mới hiểu thấu, thật ra cái mình muốn rốt cuộc là gì. Để đến cuối cùng ta chợt nhận ra nơi bình yên nhất là mái nhà mình. Nếu ai đó không có nhà để trở về, đó là người bất hạnh vô cùng.

Thế nên dù làm gì thì làm, bận đến thế nào thì đến cuối năm tôi cũng cố gắng thu xếp trở về mái nhà của mình, nơi có mẹ, có cha nuôi ta khôn lớn mỗi khi Tết đến, xuân về. Năm nào cũng nghe nguyên vẹn nỗi háo hức như năm nào. Mê mải ngắm nhìn đôi bàn tay mẹ đã sần chai nắng gió vì đàn con thơ.

Ánh mắt của người bệnh hôm ấy đã níu chân, khiến trái tim tôi rung lên, có lúc nước mắt chực trào ra khi khát vọng nhỏ nhoi của họ là được về nhà cũng khó thực hiện. Để rồi chính mình tự vấn lương tâm, phải biết yêu cuộc sống mà mình đang có khi hạnh phúc có mái nhà trở về để được chở che.

Nhà không bao giờ là cũ. Là nơi cùng nhau về bên những người thương yêu không biết bao mùa hạ sang mùa xuân mà vẫn luôn muốn ngồi với nhau. Chúng ta có bao giờ thôi mong muốn được trở về nhà. Bạn và mình dù đi đâu cũng muốn về nhà, phải không?

Tôi đã học được rất nhiều từ ánh mắt dõi theo “xin cho tôi về nhà”.