Xem múa rối ở vùng cổ tích

Tôi không chỉ kể chuyện cổ tích cho con, mà còn chú tâm đưa các bé đi xem những vở kịch, chương trình dựng từ truyện cổ tích, hoặc có yếu tố thần thoại, kỳ diệu, phi thường, bên cạnh việc thường xuyên đưa các con đến với thiên nhiên, giới thiệu và giáo dục tình yêu, nhân ái với cỏ cây, loài vật.

Xem múa rối ở vùng cổ tích

Nhà văn Tô Hoài đã ví hồ Gươm như một “vùng cổ tích”. Bởi cả trăm loài cây lâu năm sống và tỏa dấu ấn ở đây, bởi truyền thuyết hồ Gươm vẫn được tin, lưu truyền như sức tỏa của khát vọng hòa bình của một dân tộc văn hiến. Qua bao đổi thay, hồ Gươm vẫn là nơi hội tụ, điểm hẹn lớn của người Hà Nội, của những người đang ở tứ xứ, xa xôi mỗi khi về Thủ đô. Phố đi bộ quanh khu vực hồ Gươm ngày càng đông vào các tối cuối tuần. Nhưng kỳ lạ, ở ngay trung tâm của trung tâm đô hội ấy, có một thế giới khác.

Ngự ở vị trí “đất vàng”, mấy thập niên qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long phát huy thế mạnh lợi điểm, cập thời phục vụ khán giả quốc tế, đơn vị nghệ thuật diễn nhiều suất mỗi ngày liên tục nhất Thủ đô. Không chỉ hiểu đơn thuần là khai thác thế mạnh folklore đưa ra thế giới từ chính đất nước mình và qua các cuộc du diễn hằng năm, mà tôi thấy những thông điệp văn hóa được gửi đều, hiệu quả, vang xa nơi đây, từng ngày thường nhật.

Dừng bước vào sảnh nhỏ, lên cầu thang bộ, là như được bước vào “một miền cổ tích”. Thế giới khác ấy, từ các tủ kính bày các sản phẩm rối mà khán giả có thể mua làm quà, vật lưu niệm cho mình và bạn bè, là những con cá treo bơi khoáng hoạt trong không gian, là tập postcard in hai thứ tiếng Việt - Anh với hình ảnh đời sống hiện thực, tâm linh, lễ hội, đám rước ở làng và các trò: Đánh bắt cá, Vinh quy bái tổ, Múa tiên. Các trò tích này thuộc danh sách 16 trò rối diễn trong các suất diễn 50 phút. Cùng với: Tễu giáo trò, Bật cờ hội, Chăn trâu thổi sáo, Cấy cày, Câu ếch, Đánh cáo bắt vịt, Múa rồng, Múa phượng, Múa lân, Múa tứ linh và tích “Lê Lợi du thuyền” càng nhấn mạnh truyền thuyết hồ Gươm trong khát vọng hòa bình. Mầu sắc sặc sỡ, động tác chân thực, uyển chuyển, những gương mặt tươi sáng, hồn hậu, những nhân vật rối, con rối rất có hồn trên sân khấu nước được điều khiển bởi các diễn viên dầm nửa thân trong nước. Những trò rối cuốn hút người xem mọi lứa tuổi. Đấy là một hiện thực tuyệt vời. Không phải là các nông dân với nông cụ hiện hữu mà chỉ là các nhân vật rối, nhưng tôi thấy cả cánh đồng, thôn làng quê Việt. Có thể nói đấy là “tấm thẻ bài” của văn hóa dân gian Việt Nam đặc sắc, một căn cước đặc trưng nhất của làng quê Bắc Bộ.

Tối chủ nhật vừa rồi, xem rối xong, gia đình tôi và bạn đưa các con đi xem nán lại ở sát rạp chụp ảnh bầy cá đang bơi. Con trai tôi ôm cá gỗ chụp ảnh thích thú, hình ảnh con cười rạng rỡ mắt sáng bừng không muốn về. Tôi trở lại bé thơ và lưu khoảnh khắc ấy vào tâm trí. Khi được ngồi hàng ghế đầu tiên, cách mặt nước chưa đầy 1 m, nghe tiếng nước khua, sóng vỗ, dàn nhạc chơi tại chỗ, thật thú vị, tuyệt diệu, hoạt náo và hấp dẫn khi mắt người xem nhìn góc nào đều có hình ảnh cuốn hút.

Mỗi lúc mệt mỏi, tôi dừng lại tự hỏi: Sao cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, chúng ta ngày càng ít cười hơn? Tôi nhớ đến nụ cười của Tễu, chuỗi cười của các con những lần xem rối nước là lại muốn đưa lũ trẻ đến hồ Gươm.