Vườn cà của mẹ

Gọi là vườn cà của mẹ nhưng nó không ở trong vườn hay trên đất thuộc sở hữu của mẹ. Nó nguyên là cái nền đất sau khi người ta phá cái kho cũ của hợp tác xã, cách nhà tôi khoảng mười phút đi bộ.

Vườn cà của mẹ

Trên nền đất bỏ hoang đó, một tay mẹ dọn dẹp đống đổ nát, cuốc lật, vun xới trồng cà. Cây cà dĩa dễ trồng, dễ sống. Nhưng không phải vì cà không cần chăm bón mà mẹ trồng rồi bỏ dãi cho trời nuôi đâu. Ra đồng thì thôi, về nhà là xấp ngửa lên vườn cà liền. Xới đất, nhổ cỏ, bắt sâu, cắm lại rào dậu, tuần mẹ gánh nước tưới một lần. Nền đất cao thoát nước cộng với sự chăm chút của mẹ, cây cà dĩa lớn nhanh như thổi.

Cà là loài cây dễ trồng, cực dễ, dễ đến nỗi có thể trồng cà quanh năm. Trồng cà dĩa được cái ưu việt là không phải thu hoạch một lần. Mùa cà ra trái, cứ lần lượt hái tỉa, hết lứa trái này đến lứa trái khác. Trên cây cà nhỏ bé, lúc nào cũng lắc lỉu hoa trái. Mùa cà kéo dài hàng mấy tháng. Một điều đáng nể phục là cây cà dĩa có thể ra trái cho đến ngày không còn sức sống nữa mới thôi. Bằng chứng là tới mùa cà rũ, hai mẹ con lên dọn vườn làm đất để chuẩn bị cho vụ cà tiếp thì không quên mang theo cái rổ, mót những trái cà non đu lủng lẳng trên những nhánh cà khô quéo.

Những năm cảnh nhà khốn khó, có cơm trắng ăn no là sang cả rồi, mơ gì tới thịt thà, tôm cá. Nhưng không đến nỗi phải ăn mắm quanh năm, đã có vườn cà cứu khổ. Những bữa cơm với cà trở thành những bữa ăn “kinh điển” của gia đình tôi. Bây giờ, mỗi khi có dịp quây quần, chị em tôi lại kể về lịch sử những ngày ăn cơm với cà. Mẹ la, tụi bây cứ “cà” hoài thì ba cười khà khà, xấp nhỏ khen bà đảm đang.

Vâng, đảm đang là mẹ. Tất tả cắp đôi quang gánh từ đồng về là ghé vô vườn cà, vặt mấy trái bỏ vào thúng mang về bếp. Mẹ luôn kích thích vị giác của cả nhà mỗi khi tới giờ cơm. Hồi đó tôi tin, nếu đổi nghề thì mẹ sẽ là một đầu bếp trứ danh. Trông cho cà mau ra trái! - Con Út ngày nào cũng theo mẹ lên thăm vườn cà, ao ước như vậy. Tôi lấy quyền làm chị lý sự: Công bằng mà nói, cà có ngon thật, nhưng là ngon khi còn lạ miệng, chứ ăn cho hết vườn cà của mẹ thì cũng ngắc ngứ luôn. Vẫn ngon hơn cơm mắm, cơm mắm rát miệng lắm - Út nói nghe mới thương làm sao!

Từ những trái cà dĩa, mẹ làm món “má với cằm” (kiểu nói “bánh vẽ” có hơi thịt cá cho dễ ăn). Món này không có gì đặc biệt, chỉ là mắm với cà. Cà dĩa luộc chín tới dầm với mắm. Cà đầu mùa phổng phao, hạt còn non mịn, luộc ra ngọt mềm. Vị ngọt của cà quyện trong vị thơm của mắm, vị cay của ớt. Ôi chao, chỉ có đường vét sạch xoong cơm.

Ngoài món kinh điển “má với cằm”, còn có món cà xào, cà um, cà nấu canh tép để đổi vị đổi kiểu. Nhưng món được cả nhà trông đợi nhất là món cà sống xắt lát ăn với mắm ruột. Món này mỗi Út tôi ăn không được. Đúng rồi, mắm ruột (ruột cá trộn muối dang nắng) có mùi hơi khó chịu. Nếu ăn thì đăng đắng, nhân nhẩn. Chưa nói miếng cà dĩa xắt lát dù mỏng thì vẫn cứng, vẫn chan chát. Nhưng nếu ăn được món này thì ghiền luôn. Một miếng cà dĩa thái mỏng quệt vào chén mắm ruột kho… Chậc chậc, cả hai thứ đều có vị đăng đắng, nhân nhẩn nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo nên hương vị ám ảnh.

Bây giờ chúng tôi đều đã lớn khôn. Bôn ba xuôi ngược, chen lấn làm ăn, không giàu có gì nhưng cũng không còn phải lo chuyện cơm canh như mẹ ngày xưa. Nhưng mỗi lần về với mẹ, đứa nào cũng một hai đòi ăn cà. Nếu hôm đó chợ không có cà thì ước, giá còn vườn cà của mẹ...