Trồng rừng

Quê tôi cằn đá sỏi, giờ đã đổi thay nhiều. Nhiều nhà cao tầng mọc lên, vài nơi phố xá đông vui nhộn nhịp. Đường đất năm xưa bê-tông hóa vào tận ngõ ngách, nước sạch kéo về tận nhà. Mua bán cũng tiện gần bằng thành phố, lên mạng vào các hội nhóm đặt hàng là có người mang đến tận nơi. Từ mớ rau, quả mít, xôi sáng mười nghìn đến quần áo, phấn son, tivi, tủ lạnh.

Chỉ có một thứ bao năm không đổi đó là mầu xanh trù phú của những cánh rừng bao phủ khắp nơi. So ngày bố mẹ dắt nhau về vỡ vạc đồi hoang để trồng cây thì bây giờ rừng đã nhiều hơn hẳn. Ngay cả khi người trẻ trong làng bỏ đi xuất khẩu lao động hoặc xin vào các khu công nghiệp làm công ăn lương, không mấy ai còn thiết tha với đồng ruộng, đất canh tác bị bỏ hoang nhưng rừng vẫn được người dân đầu tư chăm chút. Thậm chí đất ruộng từng nhiều năm trồng hoa màu giờ cũng được phủ xanh bởi tràm, bạch đàn. Không gì vui bằng đi đâu cũng gặp cây. Vẻ yên bình của làng quê cũng là nhờ thứ mầu xanh len lỏi đến từng thước đất. Cây cho bóng mát, cho tiếng chim ca, cho bốn mùa hoa thơm trái ngọt. Nhất là những ngày hè nắng nóng đỉnh điểm thì quê tôi cây cối đã giúp thời tiết dịu mát hơn so nhiều vùng khác. Mỗi lần đi xa trở về, tôi đều thầm cảm ơn cây đã giúp mình lưu giữ hồn quê. Ở đó nhiều tháng năm về trước, tôi từng luồn rừng chăn trâu thả bò, nhặt nhạnh củi khô, hái sim chín, tìm quả mâm xôi, trú ẩn trong ngày hè rực nắng…

Mẹ tôi đã ngoài sáu mươi vẫn miệt mài với rừng. Bố đi làm xa, mẹ ở nhà bổ từng cái hố, trồng từng bầu cây. Khổ nhất vẫn là khâu phát rừng mỗi năm, vì tràm lớn lên tạo độ che phủ. Cây cối tầng thấp như sim, mua, cây dại phát triển nhanh. Mẹ cứ phát quang chỗ này thì chỗ kia lại mọc um tùm. Thành ra quanh năm lúc nào mẹ cũng bận bịu với rừng. Mỗi lần về thăm nhà, tôi thường ngồi ở bìa rừng đợi mẹ. Lòng không khỏi rưng rưng xúc động khi nhớ về một thời cánh rừng này toàn là đá sỏi. Những nhát cuốc của bố bổ xuống còn tóe lửa, chân giẫm lên sỏi bỏng rát đến phồng rộp. Trồng cây gì cũng cằn cỗi, đến mùa thu hoạch phải khom lưng dồn sức nhổ từng khóm lạc, khóm sắn mà củ thì đứt ngậm trong đá sỏi. Mẹ dùng hai bàn tay chai sạn bới nhặt từng củ lạc, tối về mới biết từng ngón tay rướm máu. Qua nhiều năm cải tạo đất đai thì giờ mới có được thứ mầu xanh mướt mắt này. Cả một đời gắn bó với rừng, bố mẹ tôi giờ tóc đã bạc, chân đã mỏi, chỉ có rừng là mỗi ngày mỗi xanh hơn.

Mẹ hay nói việc trồng rừng cũng giống như chuẩn bị trước cho tuổi già sau này. Lúc mắt mờ chân chậm không thể làm được gì thì đã có cánh rừng trong tay, như một chút của cải để dành. Mấy năm nay gỗ đắt, người lùng sục mua nhiều mà rừng đến tuổi thu hoạch lại ít. Tôi biết trong sâu thẳm lòng mẹ không hẳn là nghĩ đến món tiền vài chục, vài trăm triệu đồng bán rừng. Mà muốn giữ mầu xanh trên mảnh đất đã gắn bó rất nhiều kỷ niệm. Đây không phải là đất do tổ tiên ông bà để lại, mà là đất bố mẹ đã khai hoang bằng hai bàn tay trắng.

Tôi ngồi ngoài hiên nhà ngó mẹ ru cháu ầu ơ. “Cây xanh thì lá cũng xanh/Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Lòng chợt thấy bình yên như lá…