Trên đỉnh Sa Mù quanh năm vẫn một cây nêu

Mới lưng chừng thung lũng, ngước mắt nhìn đỉnh đèo Sa Mù đã ớn lạnh bởi độ cao chót vót. Thế mà dân phượt luôn hào hứng với cái đỉnh đèo ấy. Mây trắng dày đặc quanh năm. Mây như khối bông khổng lồ quấn lấy từ nửa đèo lên tận trời cao. Ngọn đèo chìm trong lũng mây tựa cõi bồng lai, mùa nào cũng thế. Mà ở đây đâu có mùa gì khác ngoài xuân. Tiết trời luôn se lạnh, cây cối núi rừng xanh tươi, chim vờn bay ríu rít.

Minh họa: MINH ANH
Minh họa: MINH ANH

Cảnh ấy có lẽ hút hồn bất cứ ai đi qua đây. Nhưng ở lại lâu, thật lâu thì không dễ. Người miền xuôi lên ngụ ở đây lâu nhất chắc là cô giáo Vân, 30 tuổi, 5 năm cắm bản dạy học.

Bên vách căn phòng cô Vân sống, một tấm ván treo ngang đề hai câu thơ, nét chữ viết tay phấn hồng: Ở đây xa biển gần nguồn/Niềm vui đến chậm nỗi buồn tan lâu. Ai ghé vào thăm căn phòng cũng thuộc làu hai câu vần vè ấy. Sa Mù ở độ cao 1.400 m so mực nước biển, nhưng gần nguồn nước chảy về xuôi. Chuyện đó ai lên đây rồi cũng biết. Còn cái vế thơ thứ hai, nó không đơn giản chỉ là chuyện tâm trạng đời sống của một người trẻ trên rẻo cao, mà có cơ sở hẳn hoi.

Cô giáo tự xưng mình biệt hiệu là Vân Yêu Đời. Dáng cao cao, sống giữa núi rừng nhưng nước da không trắng như gái sơn cước. Thắc mắc. Lẽ ra người sống ở miền cao thường có xu hướng thấp đi lùn xuống, sao cô lại cao thế. Vân cười bảo: “Em có cao đâu, tại gầy quá nên trông vậy, được cái ăn thức rừng tuy ốm nhưng luôn mạnh khỏe”. Nói rồi Vân Yêu Đời chạy ra vạt sân đất chỉ lên cao: “Niềm vui của em ở trên cây nêu này”.

Đấy là một cây tre dài, đầu ngọn cong cong như cần câu cắm. Trên ngọn treo một cái làn mây đan được nối xuống dưới đất bởi một sợi dây tạo thế ròng rọc. Vân tháo nút buộc dưới gốc, chuội dây cho cái giỏ mây từ từ tuột xuống. Mở giỏ, một cái điện thoại “cùi bắp” mầu đen. Sương khí âm ẩm quanh năm, cái điện thoại phải bọc trong túi nylon mới giữ được ngoài trời.

Ở đây sóng viễn thông yếu, phải treo cao như thế mới bắt được tín hiệu. Buổi sáng, Vân kéo cái giỏ lên. Đến trưa kéo xuống xem có ai nhắn gì không, rồi kéo lên lại. Cứ thế mỗi ngày có vài lượt kéo lên thả xuống kiểm tra tin nhắn. Đôi lần điện thoại reo, nhưng kéo xuống dưới không bắt được sóng. Đành thôi, chấp nhận liên lạc với dưới xuôi qua tin nhắn. Nói niềm vui đến muộn là vì thế.

Vân ổn không em? Anh luôn nghĩ đến Sa Mù và cô giáo mảnh khảnh. Tưởng tượng cái màn mây đặc quẹo cứ quấn lấy đỉnh đồi như một cái ôm của tình nhân. Mà mây ở chốn ấy sao trắng ngần thế, tựa sự trinh tiết thủy chung đến cam phận. Nhưng nhờ mây và núi chắc em cũng đỡ buồn và đỡ trống vắng cô đơn. Muốn viết cho em thật nhiều lại sợ lắm chữ chỉ tội làm mạng nghẽn, nên anh dừng ở đây. Nhờ mây Sa Mù hôn giùm em tôi.

(Tin nhắn gửi lúc 5 giờ chiều thứ hai, tên người gửi: Người Yêu Của Vân).

Em vẫn bình thường anh ạ. Nhận được tin anh em rất hạnh phúc và bật cười vì sự ví von lãng mạn của anh. Em đang ở giữa bầu mây trắng sao không cảm nhận được cái thi vị đó nhỉ. Nếu không có tin nhắn của anh đến mỗi ngày thì em chẳng thấy đời có gì mới mẻ.

(Tin nhắn từ Vân Yêu Đời, gửi lúc 6 giờ 55 phút sáng thứ ba).

Bao nhiêu người mơ sống giữa cảnh trời mây hòa làm một mà không được đấy. Hãy biết yêu những gì mình đang có em ạ. Dù gì ở chỗ ấy cũng không bụi bặm xô bồ, không ồn ào bát nháo. Thức ăn thì sẵn của thiên nhiên, toàn thực phẩm tươi ngon sạch sẽ an toàn. Em nhớ ăn thịt thêm vào, độ này da dẻ hơi xanh xao, đừng để ngã bệnh nơi thâm sơn cùng cốc không ai chăm đâu nhé. Tạm thế đã, em vào dạy đi kẻo muộn giờ.

(Người Yêu Của Vân gửi lúc 5 giờ chiều thứ tư).

Vân luôn dạy đúng giờ, dù lớp học ở tít tận trên cao. Không vì cái điện thoại mà cô sao nhãng. Sáng 7 giờ kém 15, cô hạ cái làn xuống, rút điện thoại đọc tin nhắn, tủm tỉm cười. Lại bấm tin nhắn trả lời bằng cả hai ngón cái nhoay nhoáy, cứ như việc đã thành thục. Sa Mù, khen cho ai đặt cái tên đẹp kiêu sa đến thế, chỉ nghe thôi đã thấy ngọn đèo ảo ảnh bồng bềnh. Ngay chỗ cột cây nêu Vân đang đứng đây, sáng sớm mây đã sa vào mù mịt, phải bấm phím điện thoại thật nhanh chứ không cái màn hình phủ mờ hơi nước.

Ôi, lâu rồi anh không gặp em mà sao biết em dạo này xanh xao. Đừng nói anh đã hóa thân vào em nhé, nên biết hết mọi chuyện của em. Dưới phố giờ đang mùa hè anh nhỉ, em ở đây lúc nào đất trời cũng đương xuân, chả hiểu gì sự đời. Mùa hè thành phố chắc nóng nực, nghe bảo năm nay hạn hán, đến nước sạch cũng không có mà dùng. Nhiệt độ hình như cả tháng nay cứ ngất ngưởng bốn mươi. Hèn gì mấy hôm nay thấy khách lên Sa Mù chơi nhiều thế. Có người lên em cũng đỡ tẻ. Nhác thấy đám người nào lên em cũng hy vọng có anh ở trong đấy. Nhưng rồi đành thất vọng. Mà sao anh chưa lên với em?

(Vân Yêu Đời, gửi lúc 11 giờ trưa thứ tư)

Cứ tin luôn có anh bên em là được. Đừng chờ em ạ. Đấy, em thấy anh chung thủy với em không. Anh xin thề anh chỉ có em, chỉ nói chuyện với mình em thôi, anh chưa lên gặp em vì đang bận công chuyện.

(Gửi lúc 5 giờ chiều thứ tư, từ Người Yêu Của Vân)

Em tin. Cũng như em đã tin rất nhiều những điều tương tự. Ở nơi heo hút này không có niềm tin không sống được qua ngày đâu anh ạ. 5 năm rồi em vẫn tin và yêu nghề, những đứa học trò thật dễ thương đã níu chân em ở lại đây. Trò ngoan lắm, thật thà chất phác. Nhìn những đứa trẻ lấm lem như thế ai đành lòng bỏ dứt về xuôi cho được. Thôi em vào lớp đã, tụi nó đang làm náo lên rằng cô đang nhắn tin cho xăm-pụa (*).

(Tin nhắn 6 giờ 50 phút sáng thứ năm của Vân Yêu Đời).

Hai ba tháng chạp, Vân tháo dây thả cái làn xuống, lấy điện thoại ra rồi đặt vào đấy một túi bánh in bọc giấy ngũ sắc, một gói hạt bỏng xanh đỏ, thếp giấy vàng mã và ít tờ tiền lẻ mới coóng keéng. Thắp một nén nhang bên gốc cây tre, Vân kéo cái làn mây lên. Thủ tục dựng nêu đã xong, giờ cô sửa soạn đồ lên xe máy cà tàng về quê ăn Tết.

Quê Vân ở tận ngoài vùng biển Nhân Trạch tỉnh Quảng Bình, duyên nghiệp thế nào đưa đẩy cô đi trăm rưỡi cây số vào Quảng Trị, lên tận đỉnh núi heo hút dạy học. Từ bữa mới đặt chân tới miền sơn cước lạnh lẽo, Vân nhớ tục lệ đặt nêu mà đến nay quê cô vẫn còn giữ. Thế là một cây tre già được dựng lên vừa để bắt sóng điện thoại, vừa tạo cảnh Tết ở núi rừng quanh năm. Lúc nào trên cây tre cũng móc giỏ mây, ngày thường thì để điện thoại, ngày Tết để đồ chưng cúng. Nêu như thế hỏi ở đâu có cây thứ hai. Đúng là Vân Yêu Đời.

Về tới nhà, thằng cu em Vân năm nay lớp sáu đã lục ngay cái túi của chị xem có mang gì không. Chả có gì cho nó cả, chị đi mấy tháng trời về ăn Tết mà trống trơn. Thằng cu mó điện thoại, chê đi dạy ăn lương 5 năm còn dùng cái “cục gạch” này. Rồi nó chạy xuống bếp rỉ tai mẹ.

- Chị Vân sắp lấy chồng.

- Đâu? Lấy ai?

- Lấy Người Yêu Của Vân Yêu Đời. Đây mẹ này.

Thằng cu bấm mở tin nhắn điện thoại cho mẹ xem.

- Con bé này kín miệng quá. Để tao coi.

Mấy ngày Tết, Vân không hở ra chuyện gì liên quan đến tình cảm trai gái. Bà mẹ, đích thực mẹ quê, miệng cũng có gang có thép nhưng không moi được thông tin gì ở con gái, nhất là lại liên quan đến chuyện tình duyên. Mẹ tính canh chừng lúc con gái cầm điện thoại lên sẽ “tóm gọn”.

Hết Tết, mẹ không thấy Vân cầm điện thoại một lần nào, lại chặc lưỡi, “thanh niên giờ khôn thật, cứ kín như bưng”.

Vân trở lại Sa Mù sau kỳ nghỉ Tết đầy tâm trạng, nơm nớp lo mẹ giục lấy chồng, lại mừng mừng khi thấy mẹ có vẻ yên tâm về đứa con gái rượu chắc không bị ế.

Mồng bảy, Vân kéo chiếc làn xuống. Hạ nêu. Vàng mã đốt hóa tro, hạt nổ xanh đỏ vãi tung tóe khắp sân, bánh in ngũ sắc đặt dưới gốc cây rừng cho thú hoang tới ăn, nắm tiền lẻ nhét vào cửa phòng lớp để lũ trẻ đến học thì nhận lấy như tiền lì xì.

Cây nêu mấy mùa sương gió vẫn đứng nơi khoảnh đất sân lớp học, lá tre thì trụi hết từ bữa hồi mới dựng chục hôm. Thân tre già còn cứng cáp, và ngả mầu vàng xám quá thời. Điện thoại “cục gạch” Vân lại đặt vào chiếc làn kéo lên, sau khi đã soạn tin nhắn gửi đi.

Sao mình cứ chơi hoài trò này vậy Vân. Có thấy áy náy không khi cái trò tự huyễn hoặc của mình lại khiến mẹ mừng thầm, bị mắc lừa. Nếu mẹ biết Vân Yêu Đời và Người Yêu Của Vân là một chắc mẹ giận lắm! Một mình ta diễn cả hai vai chèo hoài cũng chán quá! Hai cái sim đặt cùng một máy tự gửi cho nhau chắc đã mỏi mệt. Nhưng có cách nào hơn, ở chốn thâm sơn này biết nói chuyện với người tình nào nữa, ngoài mây trời núi non và chính mình. Thôi cứ yêu đời đi Vân.

* Xăm-pụa: người yêu (tiếng Bru - Vân Kiều)