Tình xa

Lần đầu tiên tôi biết đến nhạc Trịnh Công Sơn là vào năm lớp 8, khi xem bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên và nghe Thùy Dung hát, thấy sao hay quá.

Nhân dịp được đi chợ huyện cùng bà chị họ, ngang qua hàng bán băng cassette mua được băng nhạc Trịnh. Nghe “Sơn ca số 7” từ dạo đó. Nghe Khánh Ly, ám ảnh Trịnh Công Sơn cũng từ dạo đó.

Nhớ những ngày lang thang Sài Gòn, đêm mưa khuya ngồi trong quán cóc ven con phố ngoại ô dựng bằng mấy chiếc dù, uống cafe hút thuốc Bastos nghe mưa quất ràn rạt trên đầu, tiếng Khánh Ly thở than da diết: “Ngoài hiên mưa rơi rơi, hồn ai như chơi vơi người ơi, nước mắt hoen mi rồi đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca...”. Khi ấy, nơi đất lạ xứ người, tương lai vô định, nghe Khánh Ly hát rồi thấy người mình mỏng dẹt đi như miếng giấy dầu phủ tạm góc hẻm che mưa của ông già bán vé số dạo đường Nguyễn Thái Sơn... 

Những ngày ở Vũng Tàu, một mình trong căn phòng trọ góc ngã tư Giếng nước. Chiều chủ nhật, thành phố thì bé, bạn bè thì ít, nắng chiều xiên khoai, cơm không biết có nên nấu hay ra quán làm vài khua cho xong. Khánh Ly vẫn mông lung tha thiết từ đôi loa cũ kỹ kê nơi chân giường gỗ tạp: “Đôi khi nắng qua mái hiên, làm tôi nhớ đôi khi, bỗng nghe bước chân, về đâu đó, của em...”. Lòng dạ bải hoải nhớ quê nhà. Xa xôi biết mấy. Buồn thương biết mấy… 

Những ngày đi biển, sóng lớn gió to, bò lên boong gửi được cái báo cáo lại bò về. Lôi chiếc laptop cài Win crack ra bật lên “Biển nhớ”: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về gọi hồn liễu rũ lê thê gọi bờ cát trắng đêm khuya...”. Ngẫm nghĩ, chẳng biết cái ông họ Trịnh kia ăn gì uống gì mà viết lời ca khuấy đảo tâm can quá chừng. 

Nhiều năm sau đó, một buổi trưa ngày cuối tháng 5 nắng như đổ lửa, con gái bé bỏng mới chưa đầy ba tuổi. Lần đầu tiên ru con ngủ bằng cách vừa xoa lưng cho con vừa hát đi hát lại bài “Tình xa”. Thân thuộc đến độ sau này mỗi lần muốn được ba ru ngủ, con lại thì thầm: “Ba ơi, ba hát bài ngày tháng nào đi ba”.

Nhớ những đêm nến thắp nơi triền dốc quán Diễm xưa, tiếng ghi-ta bập bùng, tiếng lá cây xào xạc, giọng hát liêu trai lập lòe ánh nến tỏ mờ mê hoặc xa xăm: “... Người tình còn đây, anh biết không anh, vườn cỏ còn xanh mặt trời còn lên ôi tháng năm những dấu chân giờ cũng bụi mờ...”. Thật sự, tôi chưa thấy có thành phố nào giống nhạc Trịnh hơn Đà Lạt. Nghe nhạc Trịnh là mường tượng ngay ra những góc đường của thành phố buồn muôn thuở này. Những đồi cỏ hồng ma mị, những cánh rừng vi vu thông reo, những mặt hồ lấp loáng nắng vẫn la đà khói sương bảng lảng, mái vòm Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cong veo như tà áo dài nữ sinh bên hồ Xuân Hương chiều vi vút gió...

Giờ đôi khi đi cùng con, thảng hoặc lên xe bật CD nghe tiếng đĩa than lạo xạo bập bùng, những giọt ghi-ta lúc phát ra từ loa này, lúc nhảy sang loa khác. Lời ca cũ mà tâm trạng dường như vẫn vẹn nguyên: “Ngày tháng nào, đã ra đi, khi ta còn ngồi lại. Cuộc tình nào, đã ra khơi, ta còn mãi nơi đây...”.

Con gái nhỏ lại khẽ reo như bắt được điều gì: “Ba ơi, bài hát hồi xưa ba hát ru con ngủ đây này...”.

Con hơn ba rồi, nghe nhạc Trịnh thay cả lời hát ru...

Đã bao nhiêu năm vắng Trịnh trên đời, nhưng lời ca thì vẫn còn đây. Đôi khi như thấy mình dường như có lúc đã vịn vào nhạc Trịnh, tựa vai vào nhạc Trịnh, được đồng hành thở than với những ca khúc thoảng u buồn mà đẹp đẽ của ông để đi qua những khúc khuỷu của thời thanh xuân đầy khó khăn nhưng cũng chất chứa bao nhiêu ước vọng.