Thói quen

Lam ngồi một mình, lắng nghe tiếng xe vọng lại. Hai đứa nhỏ hẳn đã ngủ yên trên gác. Nhà trong con hẻm yên vắng, giữa đêm càng có vẻ u tịch.

Cũng khoảng giờ này, đêm qua, Lam còn cầm cây chổi tăm, tỉ mẩn quét từng cái vỏ hạt dưa hạt bí, vỏ bánh, chai nước suối cạn khô hoặc uống dở, gom vào mấy túi rác thật to. Xếp bàn ghế lại cho ngay ngắn, để sáng mai khỏi bị động. Dọn dẹp xong xuôi thì đã gần sáng, nhưng Lam vẫn chưa cảm thấy mệt hay buồn ngủ. Hình như những đêm cuối như này, người ta thường chẳng còn phân biệt ngày hay đêm, thức hay ngủ nữa rồi. Chồng Lam cũng vậy. Anh tất tả ra vào chuẩn bị cho chuyến đi sau chót của bố…

Mấy ngày trước, chồng khẽ khàng hỏi Lam, là lỡ như có chuyện gì, nhà mình còn tiền không em? Lam tin tưởng gật đầu, bảo không sao, em sắp xếp được. Cả hai đều thầm hiểu, nhưng chẳng ai muốn nghĩ “chuyện gì” ấy nghĩa là sao. Ngay buổi sáng hôm sau, Lam đang ngồi giữa cuộc họp thì thấy điện thoại hiện lên tên chồng. Run rẩy, Lam bấm nghe, tim bất giác thắt lại trong linh cảm bất an rõ rệt.

Lam mở cửa, lặng lẽ ngóng ra đầu hẻm tôi tối. Bỗng nhớ, chỉ mới hôm qua, sân nhà Lam vẫn chong đèn thao thức. Vài ba người bà con thân thuộc uống trà đợi đêm qua. Lam cũng ngồi lại, góp dăm ba câu hỏi thăm. Lâu lắm mới có dịp gặp gỡ. Họ hàng phía bên chồng sống ở mấy tỉnh lân cận, làm nghề đi biển. Cuộc mưu sinh vất vả bấp bênh. Nhưng họ vẫn sẵn lòng dành dăm ba ngày để đưa bố chồng Lam chặng cuối. Một hành trình bắt đầu từ lúc ba giờ chiều, qua một đoạn đường miền trung, khứ hồi chắc cũng gần nghìn rưỡi cây số. Đối với người bình thường, di chuyển liền như thế, hẳn cũng đủ kiệt sức. Huống gì chồng Lam dạo sau này sức khỏe vốn đã sa sút nhiều. Những ngày đêm thức canh bố bệnh đã vắt kiệt tâm trí một người đàn ông bận rộn, nhiều nỗi lo toan trong đời.

Những ngày bố mới mất, cuối tuần chồng chở Lam ngang qua quầy thịt heo bày bán ở cái chợ ven đường. Chỗ này vợ chồng Lam hay mua thịt nạc xay hai lần thật nhuyễn. Túi thịt đó được chia nhỏ, để dành nấu cháo cho bố. Cô hàng thịt quen mặt đon đả mời chào. Lam khẽ cười và lắc đầu. Chồng Lam nói nhỏ, để bữa nào anh nói với cổ là đã lỡ mối. Ông nội mất rồi, đâu còn mua thịt xay làm gì nữa chứ.

Nhiều năm nay, bố chồng Lam sống trong căn phòng nhỏ, nối giữa phòng khách và nhà bếp. Cửa sổ, cửa chính được dán lại bằng thứ hoa văn trang trí cố tình. Người lớn chỉ cần rướn chân là có thể nhìn vào bên trong, còn trẻ con thì không thể. Chồng Lam không muốn con trẻ phải đối mặt với các bề bộn tuổi già. Nhưng cả gia đình Lam vẫn luôn nhớ là còn có ông nội trong nhà. Một người thân chẳng quá hiện diện, vậy mà nỗi trống vắng phía sau khi bỗng rời khỏi, thật khó tin là lại lớn tới vậy.

Mông lung, Lam nghĩ, sẽ có nhiều nếp nhà buộc phải dần thay đổi, dù chẳng dễ dàng gì. Giống như khi từ cơ quan chạy về, nửa đường Lam bốc điện thoại gọi cho chồng. Câu đầu tiên Lam nói theo thói quen chính là: Còn có em đây, anh đừng lo quá nhé!

Dù giây phút ấy, Lam thật sự chẳng biết mình sẽ giúp được gì cho chồng. Nhớ lúc theo sau đoàn đưa tang ra nơi đậu xe. Tần ngần dừng lại. Khoảnh khắc ấy, Lam bật khóc thì thầm tạm biệt bố. Mong bố về quê được bình yên. Chốn ấy bố sẽ được nghỉ ngơi, yên tĩnh nằm cạnh mẹ.

Từ nay nhà Lam vắng bố rồi.