Rời xa thành thị

Hải không biết là người thứ bao nhiêu đi gom rác ở chung cư này. Nơi đây hay bị mất trộm nên thay đổi người gom rác xoành xoạch. Từ đôi giày, điện thoại cùi bắp, cái áo mưa máng hờ ngoài cửa… đều bị mất.

Minh họa: ĐẶNG TIẾN
Minh họa: ĐẶNG TIẾN

Phải chi mất cái gì cho đáng còn gọi công an phường đến giải quyết, đằng này chỉ mất vặt. Mà ai dám bảo đảm kẻ trộm vặt một ngày nào đó không ăn trộm những thứ lớn hơn? Thôi thì theo ý kiến chung, đổi hẳn người cho bà con yên tâm, chứ bao nhiêu nỗi lo ngoài đường rồi, về đến nhà còn chưa yên thân nữa thì thử hỏi làm sao sống nổi?

Hôm Hải đến gom rác lần đầu đã thấy dãy hành lang chung cư gắn camera. Hải cũng chẳng thèm để ý làm gì, cái camera bé tí tẹo, bị chìm lẫn trong đám dây điện, mạng nhện của bức tường cũ mèm, sơn nham nhở, có căng mắt nhìn nhiều khi cũng không thấy, nhưng ngay lối lên cầu thang có dán tờ giấy khổ A3 in chữ đậm đập vào mắt: ở đây có camera.

Cầu thang là điểm mà Hải tập trung rác ở mỗi tầng, trước khi chuyển hẳn xuống đất chờ xe rác tới mang đi. Công việc này Hải làm lần đầu, kể từ ngày bước chân ra khỏi trại giam.

Hải có thay đổi tích cực này là do khi cầm trên tay số tiền mà đến tận lúc chết, nội còn nhắn gửi “chuyển cho thằng Hải”. Hôm ấy, nắng đã nhạt lắm rồi mà còn làm cay xè mắt Hải. Hải bước ra khỏi trại giam, mang theo lòng quyết tâm sẽ làm lại từ đầu để cho nội dưới suối vàng được vui lòng.

Ròng cả tháng trời chẳng kiếm được bất cứ công việc gì. Mà thật, không dễ gì có công việc cho một đứa mới chân ướt chân ráo rời khỏi trại giam. Thật ra thì cũng có vài việc bưng bê lặt vặt ở quán cơm bình dân, nhưng Hải chỉ làm vài ngày rồi cũng có chuyện. Mà chuyện lớn nhất là nó không vượt qua nổi những ánh mắt đầy cảnh giác của chung quanh. May mà cái nghề gom rác này dung dưỡng Hải.

Mỗi lần lên lầu một, ở dãy hành lang bên phải, Hải ngửi thấy mùi thuốc sắc sộc vô mũi. Một lần Hải nhìn vào, bắt gặp ánh mắt một bà lão cười vu vơ, cũng không biết có phải cười với Hải không. Nụ cười hình như có trước khi ánh mắt Hải chạm phải. Hôm sau đi muộn hơn, Hải thấy bà đang “giao dịch” với một người phụ nữ mua ve chai. Bà cụ cầm mấy đồng lẻ từ người phụ nữ, nhét vào lưng quần, hình ảnh khiến Hải nhớ đến nội.

Mỗi lần Hải về rồi đi, nội không quên lận lưng quần ra những đồng tiền, chọn đồng có mệnh giá lớn nhất đưa cho Hải, vừa đưa vừa lén lút nhìn chung quanh, không chừng bị ai đó bắt gặp lại gầm gào lên như mọi lần: “Sao bà ky cóp từng đồng không ăn, không mặc rồi cho cái thằng trời đánh đó?”. Mà thiệt, ai không tức ói máu khi mà Hải chỉ mang những tiếng xấu về cho gia đình, nhưng lần nào về, bà nội cũng xem như báu vật. Bà chạy sang hàng xóm gửi tiền nhờ mua cho Hải đĩa lòng heo, loại lòng mới luộc, nóng hổi, vừa bùi, vừa béo mà Hải thích từ hồi còn bé.

Ngày đó, mỗi lần nhà có đám phải mổ heo là bà dấm dúi cho Hải miếng gan bằng nắm tay người lớn, vừa vớt ra khỏi nồi luộc còn nóng hổi, cho vào miệng ngon quên đời.

Từ ngày nội mất, Hải không bao giờ có được dĩa lòng nào nữa. Hải cũng không kịp hỏi bà cái câu muốn hỏi từ lâu, tại sao một thằng cháu “trời đánh” như Hải mà bà không hề trách nửa lời, lại luôn bênh vực, yêu thương, dành dụm từng đồng vì sợ Hải không có tiền ăn sẽ bị đói? Mỗi lúc nghĩ đến nội, Hải đã muốn làm lại từ đầu nhưng cũng là bằng đó lần Hải tự hứa với mình, chỉ một lần này nữa thôi.

Ra đường, Hải nhìn bất cứ cụ già nào cũng thấy giống nội. Trong mắt Hải, những cụ già đều đáng thương và có tình yêu vô bờ bến. Kể từ lần đó, ở mỗi bọc rác, Hải tiện tay lựa lon nước, chai nhựa riêng ra, để lại trước cửa phòng cho bà cụ.

Tuần đầu tiên nhận số tiền công ít ỏi từ việc đi gom rác, đó là một buổi chiều. Hải tự thưởng cho mình bữa ăn thịnh soạn ngay tối hôm ấy. Hải tìm một quán ăn rộng rãi, sạch sẽ nhất ở khu vực này, kêu dĩa lòng luộc, dĩa dưa chua xào heo quay và chai bia ướp lạnh, vừa ăn vừa ngẫm nghĩ về sự tự do tự tại của mình. Tiền làm ra được tuy không nhiều, thậm chí không đủ sống trong những ngày sắp tới nhưng Hải vẫn thấy rất thoải mái, chẳng phập phồng lo lắng hay sợ sệt gì như ngày trước, bởi đó là những đồng tiền làm từ chính sức lao động của mình. Khác nhiều lắm! Hải vừa ngồi rung đùi vừa bật nắp chai bia thứ ba thì thấy có mấy người ngồi bàn từ xa, chỉ trỏ về phía mình. Nếu là dạo trước, Hải đã thót tim vì một sự lật tẩy nào đó, nhưng lần này tuyệt nhiên không. Hải uống cạn chai thứ tư rồi thong thả đi bộ về chỗ trọ. Chỉ cần ngả lưng xuống là giấc ngủ ập đến.

Hải vừa bước chân lên lầu, ngay cái đoạn gắn camera đã nghe tiếng người ồn ào. Có chuyện gì mà chung cư bữa nay khác thường đến vậy? Hải đi thêm vài bước chân để lên hẳn bậc thềm lầu một thì thanh âm ồn ào ấy hướng hẳn về phía mình. Hải nhận ra trong số đó có cả người phụ nữ chỉ trỏ mình trong quán nhậu tối qua. Hóa ra chung cư bị mất trộm, là phòng của bà lão thường xuyên mở cửa mỗi sáng. Nghe đâu mất cái điện thoại xịn, trị giá hơn hai chục triệu của cô con gái mới sắm. Mà ai lấy? Chỉ có kẻ ăn trộm mới biết. Nhưng mọi người đều đổ dồn ánh nhìn về phía Hải.

- Tôi không lấy - Hải nói với bà chủ, khi bà vừa kịp chạy tới. Bà nhìn Hải, ánh mắt không lộ rõ là tin hay ngờ vực, nhưng dù sao nó khiến Hải dễ chịu hơn những ánh mắt sắc lạnh kia.

Camera, Hải chợt nhớ ra chung cư có camera. Hải chỉ tay về phía camera:

- Tôi muốn kiểm tra camera.

Người đàn bà mặt trắng bệch, môi đỏ chót, có lẽ là tổ trưởng nói trổng với Hải:

- Hư rồi, để vậy thôi à!

Hải bế tắc hết nhìn bà chủ, rồi nhìn bà cụ đang đứng tựa cửa nói cười vu vơ. “Bà ấy như vậy từ khi con trai bị tai nạn giao thông đột ngột qua đời, lúc mê nhiều hơn lúc tỉnh”, Hải đã nghe được hoàn cảnh của bà nhân lúc mọi người trong chung cư nói chuyện với nhau.

Hải có niềm tin bà cụ sẽ giải oan cho Hải, nhưng khi Hải tiến lại thêm vài bước, vừa lúc cô con gái của bà đi ra, cô ta kéo xệch bà vào nhà, ánh mắt cô ta nhìn chằm chằm vào vết xăm rằn ri trên cánh tay Hải. Mất của thì đã mất rồi. Lỡ đâu do thù hằn mà tên ăn trộm ra tay sát hại bà thì sao. Chuyện đó có lạ gì đâu, báo chí đăng đầy mỗi ngày mà - ánh mắt đề phòng của cô gái ném cho Hải trước khi đóng sập cửa nói với Hải điều đó.

- Thôi đưa nó ra phường nói chuyện, để đây đâu giải quyết được gì - giọng một người đàn bà đầy cay nghiệt.

Bà chủ của Hải đáp lại:

- Không có bằng chứng, đâu có làm vậy được, dì Bảy.

- Ủa, chứ giờ sao, chẳng lẽ để nó ăn cắp tiếp?

- Tối qua, sau lúc phát hiện mất trộm, tui còn gặp hắn ngồi nhậu ngoài nhà hàng ở ngã tư.

- Vậy mà còn chối nữa, đi gom rác làm gì có tiền mà vô nổi nhà hàng?

- Mỗi sáng tui còn thấy hắn ta dừng ở phòng bà cụ một lúc mới đi.

Hải nghe tai mình ong lên, những cái miệng, ánh mắt như thể một rừng gươm đao bủa vây lấy Hải.

Hải bị cho thôi việc. Hải không bất ngờ về điều này. Nếu Hải tiếp tục làm sẽ rất khó cho bà chủ. Bà chủ cũng nhẹ nhàng nói với Hải:

- Nếu để con tiếp tục làm thì ban quản trị sẽ chuyển sang chủ rác khác, khó cho dì, mong con thông cảm.

Hải hiểu, hoàn toàn hiểu sức lao động để làm ra đồng tiền chân chính nó nhọc nhằn như thế nào. Nhưng trong lúc bị cho thôi việc đột ngột, Hải lại muốn đi nhậu. Đưa tay chạm vào số tiền ít ỏi mà Hải dự định sẽ dè xẻn chi tiêu cho đến khi nhận lương, cái ý nghĩ nốc cạn những ly bia kéo bước chân Hải về phía trước, kệ, đến đâu hay đến đó. Hải bước đi, vừa lúc có tín hiệu điện thoại. Số của cô Sáu hiện lên:

- Mai là giỗ đầu của nội đó, con tranh thủ về nha!

Trong nhà, chỉ có cô Sáu là về “phe” bà nội, cùng bênh Hải.

Tự dưng nước mắt Hải trào ra không kềm lại được. Hải nhớ nội, thương nội quá. Hải rút hẳn xấp tiền lẻ trong túi ra đếm rồi vội gọi đặt xe.

Chuyến xe cuối cùng khởi hành về miền Tây chuyển bánh. Chiếc xe cũ, ọp ẹp không thôi lắc lư dằn xóc. Hải thiếp đi mệt nhọc. Trong cơn mơ, Hải gặp bà nội. Nhưng là trong căn phòng trọ hiện tại của Hải. Vẻ như bà đã ở đó cùng Hải lâu lắm rồi. Bà cẩn thận nhặt từng lá chè, rửa sạch, đun sôi ấm nước, xắt thêm vài lát gừng rồi chế vào. Phía cửa sổ, trời đã sáng hẳn. Sao Hải còn ở nhà, những ý nghĩ vụt qua, đọng lại hình ảnh lộn xộn lúc Hải bị đuổi việc hôm qua. Hải vội đến ngồi cạnh nội, hỏi nội:

- Không phải con lấy cắp, nội tin con không?

Nội trả lời rất nhanh, kèm theo cái xoa đầu như lúc Hải còn nhỏ:

- Cháu của nội là ngoan nhất! Nội luôn tin con!

- Con cảm ơn nội.

Nụ cười trìu mến của nội lúc đó lại hiện ra khuôn mặt của bà cụ ở chung cư. Hải giật mình choàng tỉnh.

Hải vừa về đến nhà, cô Sáu lấy cho Hải tô cháo còn nóng hổi, mùi xương hầm, hành ngò tiêu bốc lên thơm phức. Cô bảo:

- Con ăn liền đi cho nóng, ngon.

Rồi cô quầy quà đi vào trong, mang ra thêm cái đĩa nhỏ, trên đĩa là miếng gan luộc nóng hổi còn bốc khói.

- Hồi bà còn sống hay chuẩn bị món này cho con, không biết con có còn thích ăn không, nhưng cô vẫn để phần.

Hải ăn ngấu nghiến miếng gan mà trào nước mắt vì cảm động, may sao cô Sáu không còn ở đó, cô ra ngoài sai mấy đứa dựng rạp, nói tụi bây sướng rồi, có Hải về phụ, thằng Hải làm mấy việc này giỏi lắm à nghen!