Quà ngày thơ bé

Nhớ hồi còn nhỏ, một hôm, chị em tôi tha thẩn chơi trước hiên nhà, chợt bố tôi vừa đi đâu đó về. Hằng ngày, thường chỉ ngóng mẹ về chợ nên thấy bố, chúng tôi không mấy… mặn mà, nhưng hôm nay, được bố ân cần đưa cho mỗi chị em một chiếc bánh sừng bò, chúng tôi không giấu nổi niềm hân hoan.

Quà ngày thơ bé

Nâng niu chiếc bánh vàng ươm trên tay, tôi ngất ngây nhẩn nha cấu từng miếng nhỏ xíu bỏ vào miệng. Còn chị tôi, có lẽ đang đói nên nghiến ngấu chiếc bánh loáng một cái đã hết veo và dường như còn thòm thèm nên chìa tay xin thêm.

Bao năm qua đi, vị ngọt ngào của chiếc bánh sừng bò dậy mùi thơm thảo còn lưu luyến mãi. Những chiếc bánh làm bằng bột mì, bơ, sữa như vậy thường chỉ có ở chốn thị thành, còn ở làng quê, quà mẹ mang về thường là những thứ dân dã, mộc mạc. Mỗi bận thấy mẹ thấp thoáng quẩy quang gánh ngoài đầu ngõ, mấy chị em tôi xúm xít vây quanh tranh giành túi bỏng ngô, lạc luộc, củ ấu, bánh nếp, bánh tẻ, bánh khúc, bánh giò, bắp ngô, quả na, quả thị… mà mặt mày hớn hở.

Lần khác, tôi gò lưng đẩy xe bò cùng bố lên công ty cầu đường trên thị trấn mua nhựa đường phân phối về cho hợp tác xã phết vào những chiếc thuyền thúng phục vụ nhu cầu đánh cá. Bố đưa tôi ghé quán nước ven đường cho ăn bánh rán, kẹo lạc thỏa thích. Điều dễ hiểu vào cái thời thiếu thốn, quà cáp cho trẻ con phần lớn là bánh trái, thức ăn… Khi ấy, đâu đó ở mỗi xóm thôn, làng mạc luôn xuất hiện những người bán quà rong miệt mài đạp xe cất tiếng rao lanh lảnh. Bác bán kẹo mạch nha tha thẩn dưới trời nắng, mời bọn trẻ mua thứ kẹo vàng óng được nấu bằng mầm lúa thơm ngon sóng sánh như mật ong quấn quyện vào đầu que tre nhỏ xinh, vị ngọt đậm đà nơi đầu lưỡi. Anh thợ bán kẹo kéo bàn tay dẻo quẹo kéo dài từng đoạn kẹo mềm mầu trắng ngà lê thê vấn vít. Chị bán kem que gia công mát lạnh đi tới đâu cũng bóp còi “bíp bíp” inh ỏi.

Đồ chơi của trẻ nhỏ ngày xưa hết sức đơn sơ, phần lớn làm bằng nguyên liệu tự nhiên cỏ cây, tre nứa. Đứa nào may mắn được người lớn đưa đi xem hội, chợ phiên mua cho ngôi nhà hay con giống lợn, gà, voi, ngựa bằng sành sứ tô vẽ xanh đỏ thì đem về giữ gìn chẳng khác nào “báu vật”. Nếu chẳng may trong lúc bỏ ra chơi, lỡ tay đánh rơi xuống đất vỡ vụn tan tành, cảm thấy nôn nao tiếc nuối. Đồ chơi bằng đất nung, sành sứ theo thời gian thưa thớt dần, thế chỗ bằng đủ loại đồ chơi nhựa mầu mè với muôn vàn súng ống, xe tăng, đại bác, siêu nhân hầm hố… nhiều khi xếp chật vài ba chiếc thùng cát-tông đồ sộ.

Rồi đến lúc cả sê-ri đồ chơi “khủng” bằng nhựa phải nhường chỗ cho thiết bị di động. Ngày nay, cuộc sống của trẻ em dường như bị lấn lướt, quấy đảo bởi chiếc điện thoại thông minh cầm tay bấm nhoay nhoáy. Loại đồ vật có tính năng “thu nhỏ cả thế giới” này khiến trẻ thơ mê đắm mà quên lãng những món đồ chơi chung với bạn bè. Người ta lo ngại thiết bị thông minh phủ sóng tràn ngập, dung túng lối sống “ảo” khiến tâm hồn trẻ thơ sớm già nua, cỗi cằn vì thiếu hụt giao tiếp cộng đồng. Vì thế, việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ con ngày nay cũng là điều các bậc làm cha, làm mẹ cần quan tâm, chú ý để tuổi thơ con cháu chúng ta phát triển hài hòa, giữ được nét hồn nhiên, đáng yêu của lứa tuổi thần tiên.