Quà của bà

Một chiều xuân gặp nhau, chị hàng xóm chiêu đãi các bạn nhiều món bánh mứt của châu Âu; rồi đến món cuối cùng là mứt quất hồng bì. Chắc chị cũng là típ người hoài cổ. Những quả mứt quất hồng bì, thơm , dẻo, mùi vị thanh thanh, chua - ngọt, hơi cay nồng, khiến tôi nhớ quà của bà từ những ngày xưa yêu dấu.

Những ngày xưa ấy, cha tôi đón bà ra Hà Nội sau ngày Thủ đô được giải phóng, nhưng từ khi đi học “vỡ lòng” cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi vẫn chỉ thấy bà mặc áo nâu, tóc vấn trần, hệt các bà ở làng. Đặc sắc nhất, chính là cái làn mây, vật bất ly thân mà bà mua ở Nông Cống, Thanh Hóa, lúc đang tản cư.

Sáng sáng, từ chiếc làn mây cổ tích, bà lấy ra một hào, đến căng-tin của khu, mua xôi sáng cho cả nhà, thật nóng hổi, thơm ngon. Nghỉ chủ nhật cuối tuần, cả nhà đi bát phố bằng tàu điện tuyến Mơ - Bờ Hồ, thật thanh bình. Bà tôi ở nhà nấu cơm chờ con, cháu về. Món ngon nhất, từ khi ở quê ra, là món cá bống kho, cả nhà đều mê. Cá được kho thật bùi, đậm đà gia vị tiêu, ớt, gừng; hình dáng cá bống vẫn tròn lẳn khi gắp ra đĩa.

Thời gian có thể làm phai đi bao kỷ niệm trên đường đời; nhưng kỷ niệm tuổi học trò luôn gọi ta trở về miền cổ tích trong veo. Tôi mơ thấy bà gánh gạo ở cửa hàng lương thực về. Tóc mai ướt mồ hôi, dính bệt hai thái dương. Bà hạ gánh xuống, chưa kịp quạt cho mát, đã chia cho chị em tôi mấy túm quất hồng bì. Chao ôi là thơm! Xoa xoa vỏ vào vạt áo cho đỡ bẩn, chúng tôi bứt ngay từng quả bé như đầu ngón tay trỏ, hình dáng bầu dục tựa như quả xoan, nhai luôn cả vỏ và ruột! Chua chua, dìu dịu, hơi cay nồng…, hương vị ấy hấp dẫn đến nỗi, chỉ một loáng là chúng tôi chén hết veo chùm quả. Không phải ngày ấy Hà Nội không có nhiều thức quà Âu - Á, đến nỗi lũ trẻ đang độ lớn, thức quà gì cũng thích; mà chính là vị quả thơm ngon, đậm đà, không bị ảnh hưởng hóa chất nhiều như bây giờ. Khi tôi đã lớn bổng, má căng mịn tuổi trăng tròn, bà vẫn nghĩ chị em tôi bé bỏng như xưa, giữ lệ chia quà cho hai chị em; khi là túm quất hồng bì, khi là những quả nhót hồng hào, chấm muối rồi cắn ngập quả thì quên cả nóng bức; khi khác là bánh đa nướng giòn tan.

Cả khi đã thành cô sinh viên, bà vẫn phần quà cho tôi trong cái làn mây cũ. Lúc ấy, Hà Nội thiếu đói, ăn gạo độn thêm bo bo. Bà dành cho tôi chiếc bánh mì thơm phức, ủ dưới đáy làn mây. Bà móm mém cười, bảo tôi: ăn đi cho đỡ đói. Tôi cầm chiếc bánh, lại nhìn bà đã hơn bảy mươi tuổi: Bà ơi, cháu thích ăn vỏ bánh, bà ăn hộ cháu ruột bánh bà ạ. Bà lại cười: Cháu sợ bà đói phải không? Ăn đi mà học cho thành tài là bà mừng. Bố cháu chỉ để lại cho bà hai mụn là chị em cháu thôi. Giọt nước mắt của người già buồn hơn giọt mưa đông! Tôi tách vỏ bánh, đưa bà ruột bánh còn mềm, ấm. Hai bà cháu, mắt đỏ hoe. Kỷ niệm ấy, suốt đời tôi không quên. Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, là vậy đó chăng? Chỉ biết, tình thương của bà dành cho chị em tôi, khi cha tôi đang ở chiến trường Nam Bộ, đã ấp ủ cho các cháu lớn lên, dưới vạt áo nâu sồng, chịu thương chịu khó.