Ngày xưa, nó nhớ có một cây bàng. Có lúc nó đoán là cái cây ATM đám giáo viên ở ngoại ô hay tạt vào mỗi khi có lương tháng. Có khi, cái cây nằm ở chỗ quán cắt tóc gội đầu mà nó hay ngồi để mấy con bé tỉa từng gợn tóc trên trái đầu đinh như quả mít non.

Minh họa: NGUYỄN VÂN CHUNG
Minh họa: NGUYỄN VÂN CHUNG

Không phải bỗng dưng nó nhớ cây bàng. Hôm ấy là thứ năm, ngày mấy tháng mấy…, nghề của nó thứ mấy cũng thế. Nhưng “đen”, hay lâu rồi nó không đi xe máy, vừa ra khỏi cây xăng. Xe nó kịp phanh, bánh vẫn rê đi một tí, đâm luôn vào chân bà cụ.

Ngồi ở cái ghế sắt lạnh mông, cứng đơ bên hành lang phòng cấp cứu nồng nặc mùi thuốc khử trùng của bệnh viện. Tay nó vẫn lướt trên điện thoại lạnh lùng. Đâm xe hỏng đâu đền đấy, đâm người thích bao nhiêu thì nói chuyện. Mẹ nó khéo. Bữa trước có thằng lái taxi cho công ty mẹ nó đâm chết người, đền chưa đến trăm triệu. OK. Nhưng bà già này, nó chưa kịp nhìn rõ. Cái đôi mắt hằn học của nó như dượt trên cái bộ ngủ xanh nước dưa của bà cụ.

Ai đang gọi nó vào. Đám đàn em vẫn bầy hầy chung quanh nhưng đứa nào cũng cắm mặt vào điện thoại. Smart phone giờ màn hình càng to ra, óc chúng nó như đang bé lại. Nó đi, lẫm liệt như mẹ nó. Đứng thôi, làm gì? Bác sĩ hỏi nó là ai? Nó nhìn mặt xem bệnh nhận là ai đã, từ nãy đã để ý xem mình đâm ai đâu?

Thế rồi nó nghĩ đến cây bàng từ phút đó. Đám đàn em vẫn lạnh lùng như mọi khi. Mẹ nó đang đi biển ở miền trung, vẫn điềm tĩnh như mọi khi vì thấy người nó đâm chưa việc gì cả. Chỉ có đôi mắt nó. Bỗng dưng cứ hun hút cay sè như một ngày xa lắm.

Ngày xưa công trường có một cái ngõ nhỏ. Mẹ nó sùm sụp cái nón mê, người có bằng cấp khá nhất đội nhưng về hưu sớm bán vé số. Nhưng một ngày, một tuần, một tháng rồi, những tập vé số của mẹ nó vẫn nguyên cả tệp. Phải ghi đề. Thôi thì, cái vành nón của mẹ nó như ngày một hẹp lại, trán trơ ra, mắt quắc lên. Ghi rồi quen dần, nhà nó thành nhà cái, ôm đề to dần… Thoắt cái, cái công ty taxi hoàn lương nhà nó ra đời. Thu dần từng đồng mười nghìn, hai mươi nghìn của những người dân nghèo đi lai vài ba cây số, biết bao giờ đủ hòa vốn. Nó biết thừa, rửa tiền biến hóa vậy thôi…

Nhưng ngay từ ngày còn túng thiếu, mẹ nó đã nghĩ ngay đến việc học của nó. Nó tên Duy. Duy nhất, con một, cháu đích tôn, trưởng họ tương lai nhưng vừa bé, còm, nhút nhát và học chậm. Đêm, mẹ nó đèo đến nhà cô giáo học kèm. Được vài bữa, cô giáo không chịu nổi, lại tìm cô giáo khác.

Lên lớp 5 mà nó chưa đọc thông viết thạo. Thời ấy, mấy đứa trong xóm đã rục rịch đi thi học sinh giỏi thị xã. Mẹ nó buồn lắm. Một ngày đầu thu như hôm nay, mẹ nó về tắm rửa cho nó sớm, đèo nó đến một xóm nghèo. Ra mở cửa cho nó là một người phụ nữ trung tuổi. Bác này bị đau chân, nó thấy đi lại không được bình thường lắm. Nhưng mà nó thích bác ấy dạy. Bài văn ngắn củn về đàn gà của nó bỗng dài thêm. Tả được gà, lợn rồi nó viết được cả bài tả mẹ. Mẹ nó rớt nước mắt, gấp bài cua nó đút vào túi áo. Bỗng hôm ấy mưa, đi về bài văn đã ướt sũng, nhưng mẹ nó còn thấy như có nắng lên phía cuối trời.

Nhưng rồi nó không đi học nữa. Một hôm, khi ra giữa con ngõ, chỗ không có điện ấy, có cây bàng ấy, thì một bóng ma từ trên cây lao xuống. Nó là ma thật chứ không phải tưởng tượng. Đang đứng yên bỗng nó nhao xuống, tay lạnh ngắt đè ngửa nó ép vào hàng rào, bóp chặt cổ, đầu gối tì vào bụng. Tay kia, nó lục lọi túi áo, chỗ có mấy đồng uống nước. Trước khi biến mất còn không quên phả vào mặt nó một luồng khí hôi hám.

Nó nghỉ học mất một tuần, người đẫn đờ hoảng loạn. Mẹ nó đi xem đủ thầy, mời cả thầy về nhà cầu cúng lễ bái. Người nó chốc chốc lại co rúm lại. Khéo bị ma làm thật. Cái ám ảnh con một, quý tử lại làm mẹ nó nấc lên.

Nhưng bác giáo Hạnh bảo không có ma. Giữa lúc đang tuyệt vọng khủng hoảng nhất thì thầy giáo lại giúp mẹ con nó vượt qua những loại thầy khác. Thế là chân cà nhắc, mỗi tối hai lần, bác ra đầu ngõ đón nó rồi lại đưa ra chỗ đón xe ôm mẹ nó thuê theo tháng. Nó cứ mơ hồ, bác Hạnh có phép mầu gì mà ma không dám xuất hiện nữa. Chỉ thấy lắm hôm, có một thằng đầu cạo trọc, răng vâu, tay chân lêu nghêu đứng như rình ở cửa, thấy bác Hạnh liếc ra nó lỉnh ngay. Bác Hạnh bảo ma là do người tạo ra, xóm này có kẻ xấu nó lấy tiền của con mà không dám lộ mặt nên chắc bày ra thế. Nói thì nghe vậy, chứ nó vẫn hãi.

Cuối năm, nó được học sinh tiên tiến. Năm sau là học sinh giỏi. Nó thi vào trường điểm, đỗ đại học nhờ môn toán anh con trai bác Hạnh kèm. Cứ thế, nó thành sinh viên đại học.

Nhưng, về cái thị xã nhỏ này, tấm bằng của nó không có đất. Nó bắt đầu chán nản. Ban đầu còn theo các CLB thể hình, bóng đá phủi rồi nhiếp ảnh. Dần dà nó bắt đầu lấn sâu vào con đường làm ăn của mẹ nó. Mẹ nó bảo: “Con người ta chỉ cần học khi trẻ. Lớn rồi thì không cần ngoan”. Chuẩn. Nó thấy những thứ phép tắc kia chỉ dành cho trẻ con. Bố nó có bồ, mẹ nó chắc có “phi công” mà vẫn êm ấm đấy thôi. Tiền là cái gắn kết tất cả. Thực tế nó “phũ” không như văn thơ, đài báo nói đâu.

Bỗng có tiếng gọi trong phòng. Nó chạy vào. Người phụ nữ đôi mắt đã đuối lắm. Nhìn thấy nó, nhìn như xoáy vào cái nốt ruồi đuôi mắt nó vì chắc bà đã nhận ra. Một niềm vui lóe lên. Có cô hộ lý nào đó nói chen vào: “Cậu ấy đưa bác đến bệnh viện đấy”. Bà ấy đã trút hơi thở cuối cùng. Từ phía cửa phòng, những người thân của bà ập vào khi cánh cửa cuộc đời đã khép lại.

Khúc đường ấy vắng. Đúng rồi. Ngày xưa là con ngõ được mở rộng. Chỗ ấy, cây bàng. Sao bao năm nhà bác Hạnh không xây cao lên, bác không ra mặt phố ở, không lên chung cư? Những câu hỏi dồn dập. Chỉ nó biết cái bánh xe của nó. Cơn đau tim từ ngày xưa của bác Hạnh…

Sớm mai mặt trời lại mọc, ngày mới sẽ lại bắt đầu nhưng nó sẽ lại bắt đầu vượt qua nỗi sợ hãi cũ từ đâu. Bác Hạnh có lần đã từng nói: Nỗi sợ lớn nhất là sự hèn nhát của mình…