Những đứa trẻ thành phố

Trong mỗi chúng ta, tuổi thơ vẫn đi theo những tháng ngày trưởng thành. Từ trong ký ức, những trò nghịch dại và cả những trận đòn roi nuôi chúng ta lớn theo từng ngày.

Những đứa trẻ thành phố

Tôi dạy cấp một, nhiều khi với những câu hỏi tưởng chừng dễ nhất trong những bài học về cuộc sống, những điều cảm nhận về cuộc sống chung quanh, hầu như các em không trả lời được. Có khi trả lời rất ngô nghê như rau lang ăn vào có thể chết cô ạ, em chưa thấy con vịt lần nào hết cô ạ... Những chuyện thật mà cứ tưởng như đùa, nhiều loại cây, nhiều con vật thân thuộc nhưng các em chưa thấy bao giờ, hoặc có thể không để ý mà chỉ chăm chú vào chiếc điện thoại thông minh. Chắc bố mẹ cũng không có thời gian nói chuyện, chỉ dẫn cho các em, nên khi tôi hỏi, các em rụt rè vì sợ trả lời sai. Những em nhỏ thành phố được sống trong môi trường học tập đầy đủ, vui chơi tiện nghi, hơn nhiều em ở nông thôn nhưng vốn sống và tâm hồn đầy ắp không gian xanh thì nhiều khi lại không bằng…

Khi thời đại công nghệ phát triển, những đứa trẻ thành phố làm quen rất nhanh với máy tính, điện thoại, iPad. Biết mở điện thoại để chơi trò chơi, con tôi mới hai tuổi, mặc dù tôi không cho tiếp xúc với điện thoại nhưng vẫn biết dùng tay mở một cách “thành thạo”. Hình ảnh bố mẹ mở điện thoại thông minh cho con mỗi khi tới bữa ăn có lẽ đã quá quen thuộc với chúng ta. Đi vào quán ăn, vào quán cà-phê, hay là ngồi trong nhà, những đứa trẻ được phát một cái điện thoại hay iPad mới chịu ăn cơm, hoặc để ngồi yên cho bố mẹ rảnh tay. Nhìn những hình ảnh đó, ai nấy đều thấy bình thường vì đã quen rồi.

Nhưng phải chăng vì vậy mà nhiều đứa trẻ thành phố lại rất xa lạ với những con bò, những ụ rơm to, những cánh đồng lúa, những con châu chấu, cào cào, những trò đá ngựa bằng cỏ. Thậm chí quá ít có cơ hội biết được những cái hay của vùng quê, kể cả quê hương của ba mẹ, ông bà mình. Và ba mẹ của những đứa trẻ ấy, phải chăng quên mất là con mình cần không gian để phát triển trí não lẫn vận động chứ không phải là chiếc điện thoại vạn năng kia, để rồi một ngày chúng ta phát hiện ra trẻ đang bị cận thị, loạn thị, trầm cảm, tự kỷ, tăng động hay có xu hướng bạo lực từ những trò chơi tưởng chừng vô hại.

Tôi là một đứa trẻ được lớn lên ở phố thị. Nhớ lại, cũng thấy tiếc cho tuổi thơ của mình. Những lần về quê của tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lần lâu nhất là khoảng một tuần, cũng là lần đầu tiên tôi được về quê ngoại. Tôi lạ lẫm vô cùng với những hàng dừa xanh mướt, vươn cao lên bầu trời. Buổi chiều tôi được mấy đứa em họ dắt nhau ra biển, tha hồ đạp sóng. Ở được một hôm tôi lại được theo đám trẻ đi chăn bò, thấy con bò to bự, tôi lại gào lên rằng con trâu to quá, làm cả đám nhóc lăn lộn cười, bảo tôi là “đồ nhà quê”, con bò với con trâu mà không phân biệt được. Lần về quê đó, tôi phân biệt được con bò có bướu với bò không có bướu, mà bò không chỉ có màu nâu vàng mà còn có mầu trắng nữa. Nhà ngoại có ba con bò, sáng sớm được thả đi, chiều mới lùa về, tôi đi theo mà thích mê, được lang thang khắp nơi, lũ trẻ bày cho tôi đủ trò chơi mới lạ mà ở nhà phố thì thật xa lạ.

Hôm nay, tôi cứ nghĩ về những đứa trẻ rồi sẽ lớn lên giữa những khối bê-tông mầu xám và tâm hồn luôn khuyết một khoảng trống xanh. Liệu các em rồi sẽ như ba mẹ mình, lớn lên lại cuốn theo guồng quay nhịp sống, lấp đầy khoảng trống tâm hồn bằng hai chữ bận rộn?