Nhà mình muối dưa ăn Tết chưa?

Một ngày đầu tháng chạp, tôi đi làm về, quẹo xe vào đầu hẻm và hơi giật mình. Trước cửa một nhà, mấy dì, mấy chị đang tỉ mẩn cắt gọt lum xum bên thau kiệu to tướng. Tôi khựng lại đôi chút, nhận ra Tết đã đến sát rồi. Dù quanh năm có thể mua dưa kiệu, dưa hành mà ăn, nhưng cứ lác đác đâu đó những cái mâm phơi, là vẳng nghe mùi Tết, rõ rành.

Thật khó sót lại nhà ai, năm hết Tết đến mà chẳng “thủ” trong bếp một hoặc vài hũ dưa. Ở mảnh đất này, hiếm người không mê kiệu. “Tôm khô củ kiệu” hay “bánh tét củ kiệu” đã trở thành đặc sản phương nam rồi. Nhìn đơn giản chứ cánh đàn bà phải xúm xít lâu lắc với các công đoạn, trước khi ta có hũ kiệu giấm đường trắng ngần, giòn đẹp, hay kiệu ngâm nước mắm mặn mà.

Thân thuộc nhất, ít phân biệt “xứ nào” chắc là cải chua, món ăn kèm rất quen, lại dễ phối với đồ mặn. Từ vịt quay, heo quay cho tới thịt kho tàu kho rệu, từ dĩa giò chả cho tới tô canh thịt bò lực xực đều có thể góp mặt với mầu cải chua vàng óng. Có người lại chỉ thích cải chua vừa mới trở mình, tức là vẫn còn giữ được chút mầu xanh và cái vị hăng đặc trưng… Tôi từng được một người bạn phương xa bồi hồi kể về món đọt sắn, lá sắn muối chua, nghe lạ tai, và hẳn là lạ miệng. Nhắc tới thôi là mình phát thèm! Bạn chép miệng, thả hồn vào sự tưởng tượng, bất kể trước mặt là bàn tiệc đầy đặn những món sang trọng...

Tôi lớn lên ở miền tây, nơi dưa giá và rau muống muối chua rất phổ biến. Riêng mẹ tôi còn biết một món dưa khá đặc biệt, là bắp cải muối xổi. Đơn giản lắm, chỉ cần bắp cải thái sợi, trộn chung với ít lá rau răm, củ hành tím cho thơm, ngâm trong nước muối, là hôm sau có thể ăn tạm được rồi. Vừa lạ miệng, vừa rẻ tiền, mà ngon lành đưa cơm lắm lắm. Khi hũ bắp cải muối đã chua quá mức, mẹ tôi mang đi nấu canh với cá. Tôi mãi vẫn không quên được cái mùi canh cá nấu với bắp cải chua, nêm vô vài cọng ngò gai thơm lừng bay ra từ căn bếp nhỏ.

Nên giản dị thế thôi, hễ thấy từng rổ, từng nia cải dưa hay củ kiệu, củ hành được cắt tỉa sạch sẽ, đẹp mắt phơi phóng trên nong, chờ một mùa nắng tốt, là hiểu Tết đang ngấp nghé bên thềm. Hình ảnh ấy ăn sâu vào trí nhớ mỗi người từ thơ ấu, dù trải qua bao nhiêu đổi thay của cuộc sống hiện đại. Hũ dưa muối, cà muối ấy, nằm im lìm khiêm tốn trong mỗi căn bếp gia đình, mà còn mãi, mà lâu dài, mà quyến luyến yêu thương. Là sự tỉ mẩn của người đàn bà dành cho tổ ấm. Là những bữa cơm đơn sơ mà lành sạch ngon miệng. Ví như người đàn bà trước khi đi công tác vắng, kho cho chồng con nồi cá, hầm xoong canh khổ qua, và muối sẵn một hũ dưa cà. Thêm keo nước mắm ngâm tỏi, ngâm ớt nguyên trái dành cho “ba sấp nhỏ”. Lại có chị phụ nữ khoe hình hũ dưa óng ả tự tay chế biến, tự hào về sự đảm đang của mình giữa cái thời hiện đại và bận rộn bây giờ. Ồ, chị cũng biết muối dưa cà thật sao? Dễ vô cùng, mà ngon lắm nhé, cả nhà mình ai cũng mê…

Hẳn rồi. Quanh năm, bếp Việt chẳng thể thiếu dưa cà, ngày Tết càng không cách nào vắng mặt. Những mâm cỗ Tết ê hề thịt cá, phải làm sao cho bớt ngán, khơi gợi vị giác thèm ăn, nếu như chẳng có chén cà dĩa dưa đánh thức bao nhiêu là ký ức?

Nhà mình vậy là đã muối dưa ăn Tết hay chưa?