Người đi, đi mãi không về

Đoan Hạnh là vết thương thành hình hài của gia tộc họ Thiều, trọn kiếp này.

Minh họa: PHÚ ANH
Minh họa: PHÚ ANH

Người đàn ông hằng ngày cô vẫn gọi là ba, chính là con trai người đàn ông là cha đẻ thật sự của cô. Tai họa khủng khiếp đã khiến cả nhà phải dắt díu nhau dời nơi quê cha đất mẹ.

Mẹ cô đã bỏ đi biệt xứ chỉ sau khi sinh con gái vài ngày. Tiếng khóc ngằn ngặt như ai oán của đứa bé còn đỏ hỏn không đủ sức kéo người đàn bà trót mang trọng tội ở lại chịu đựng những ánh mắt ghê sợ của chồng, của mẹ chồng. Và nhất là đôi mắt lúc nào cũng cụp xuống trên khuôn mặt dầu dãi của người giờ đây không biết phải gọi là cha hay chồng.

Người đàn bà quanh năm lem luốc nơi góc bếp, cả đời chưa bao giờ đi quá xa khỏi lũy tre làng không bao giờ có cơ hội để biết mình đã sinh ra một đứa con gái có khuôn mặt thơ trẻ cực đáng yêu với đôi má lúc nào cũng ửng hồng và cặp mắt nhung đen tuyệt đẹp. Lần đầu tiên nhìn kỹ con gái ở tuổi lên năm, “ba” nó thảng thốt nhận ra cặp mắt nó không còn chút gì ấu thơ mà đã là đôi mắt buồn mênh mang của một người đàn bà. Giống hệt mắt mẹ nó, nhưng đẹp và buồn hơn. Chạnh lòng, ông thắp một nén nhang, lầm rầm khấn vái. Người đi, đi mãi không về. Người ở lại nỗi đau chẳng hề nguôi ngoai, trái lại càng sâu hoắm thêm, qua tháng năm.

Gần 20 năm sau biến cố gia đình, ông và bà cùng qua đời trong một tai nạn giao thông. Ngôi nhà ba tầng thênh thang chỉ còn lại hai ba con. Người cha lúc này đã là một bác sĩ nhi nổi tiếng mát tay. Ông vẫn giữ một chân tại phòng khám bệnh viện. Nhưng thời gian chủ yếu dành cho phòng khám tư đặt ngay tại tầng một ngôi nhà họ đang sống.

Ai đến phòng khám này lần đầu tiên cũng phải nhăn mặt vì nỗi quá đông, quá ồn ào. Mà cũng lạ, nhiều đứa trẻ đi chữa khắp nơi không khỏi, đến phòng khám bác sĩ Lâm là bệnh qua nhanh như có phép lạ. Mà ông cũng chả lạm dụng kháng sinh mạnh. Người không có nghề nhìn vào thảy đều chép miệng than thầm: Sao chỉ có mấy động tác xịt xịt hút hút đơn giản kèm theo đơn thuốc dăm ba loại cơ bản mà công hiệu vậy.

Phòng khám đông khách một phần còn vì thái độ tiếp đãi không giống ai của bác sĩ. Ông âu yếm các bé thơ một cách đặc biệt. Các phụ huynh, mà đa phần là các bà mẹ dù đang lo lắng cho bệnh tình của con mình cũng không tránh khỏi bật cười bởi cái giọng ồ ồ của bác sĩ khi xướng tên bệnh nhi tiếp theo: Xin mời ca sĩ Khánh Linh/ Xin mời người mẫu Thanh Hằng/Xin mời bác sĩ Tôn Thất Tùng... Cách ghép tên ngồ ngộ của ông đặc biệt gây ấn tượng và cái kiểu dỗ dành những đứa trẻ đang nhõng nhẽo vì ốm đến mẹ chúng cũng phải thèm thuồng.

Thái độ của ông với các bà mẹ thì ngược lại hoàn toàn. Luôn luôn là cáu kỉnh, luôn luôn là cục cằn. Mà phụ nữ càng xinh, càng hứng chịu sự thô lỗ. Có lần, một phụ nữ trẻ trang điểm cực tinh xảo trót ngồi không đúng chỗ liền bị hứng trọn cú lườm cháy mặt của ông bác sĩ trái tính kèm theo câu quát: Không có mắt nhìn à? Ai cũng như chị thì tôi thối phổi vì giải thích.

Tôi có đứa cháu không may giời bắt ốm triền miên. Bố mẹ nó luôn bận bịu với công việc kinh doanh nên tôi là chú nhưng lại là người thường xuyên đưa nó đi khám tại đây. Nhiều lần chứng kiến sự cục cằn của ông bác sĩ, tôi luôn cẩn thận không làm điều gì trái với nội quy bất thành văn nơi đây, dù tôi cũng nhận thấy ông hầu như chỉ có thái độ khó chịu với đàn bà mà thôi.

Nhưng, anh chị tôi chắc không khi nào nghi ngờ động cơ của tôi khi luôn xung phong đưa cháu đi bác sĩ. Bởi vì, tôi đã nhìn thấy em, trong một lần ngồi chờ đến lượt…

Đôi mắt u uẩn của em quả thật đã vô cùng ám ảnh tôi. Tất nhiên, chắc tôi không bị thu hút đến thế nếu em không thật sự là một nhan sắc lạ. Ở giữa thời buổi các cô gái đua nhau nhuộm tóc vàng, tóc mầu hạt dẻ, rồi thì rượu chát… mái tóc đen huyền thuần chủng cặp hờ hững buông ngang lưng của em bỗng trở thành của hiếm. Tôi như nhìn thấy hình ảnh ngày xưa yêu dấu của má. Má đã rời bỏ ba con tôi mấy năm nay về cõi Phật, nhưng lúc nào hình ảnh dịu hiền ấy cũng làm tôi nghèn nghẹn nơi cổ, mỗi khi có điều gì gợi nhớ. Làn da trắng mịn của em cũng khiến tôi nhớ má nhiều hơn. Gu của tôi chính là da trắng tóc dài. Nhưng trời chơi khăm toàn xui khiến những cô da nâu tóc xù bông cũn cỡn cảm mến tôi. Vì thế, ra trường đi làm đã mấy năm, tôi vẫn chưa có bạn gái.

Thoạt tiên tôi cho rằng nhan sắc của em hấp dẫn tôi. Nhưng càng ngày tôi càng nhận thấy chính vẻ lặng lẽ hơi cổ cổ của em mới thật sự khiến tôi quan tâm. Cái lợi nhỡn tiền rõ rệt là tôi không còn cảm thấy sốt ruột mỗi khi ôm cháu ngồi chờ đến lượt. Vì mắt tôi còn bận nhìn em và tâm trí tôi thì thả lỏng hoàn toàn theo những mơ màng, phỏng đoán. Vị trí cố định của em luôn là sau cái bàn nhỏ cạnh bác sĩ. Em ngồi đó lặng lẽ, nhưng tay thì thoăn thoắt lướt trên bàn phím. Dưới bàn tay em, các đơn thuốc lần lượt được kẽo kẹt in ra. Chắc em học y, hoặc học dược. Nếu không làm sao em có thể trở thành một mắt xích nhịp nhàng trong chuỗi khám - chẩn đoán bệnh - cắt thuốc hoàn hảo đến vậy.

Tôi đã lớn lên trong vòng tay của cha và ông bà nội. Cha thương tôi nhiều lắm. Tôi chưa bao giờ có cảm giác thiếu thốn. Đến tuổi biết làm duyên, tôi được cha mua cho khá nhiều váy áo đẹp, lúc nào tôi cũng là cô học trò diện nhất lớp trong những hôm không phải mặc đồng phục. Thu nhập từ phòng khám cho phép ba chiều theo bất cứ một ý thích nào của tôi. Ba luôn hỏi tôi cần gì, ba sẽ mua ngay. Nhưng quả thật tôi không thấy cần gì nhiều, ngoài một số kem phấn đua theo chúng bạn. Vì thế ba chỉ tốn tiền nhất cho tôi theo học ở Hội đồng Anh. Tôi học rất giỏi, không phụ lòng ba. Chỉ có điều, các giáo viên đều than phiền là tôi hơi lười giao tiếp, một điều tối quan trọng trong học sinh ngữ.

Ba chưa bao giờ kể với tôi về mẹ. Trong nhà cũng chả có lấy một cái ảnh của mẹ để tôi biết mặt người đã sinh ra tôi. Song tôi cũng không thắc mắc lắm về điều đó. Điều khiến tôi thắc mắc nhiều hơn lại là việc hầu như ông bà nội và ba rất ít khi nói chuyện với nhau. Bữa cơm rất ít khi có mặt đủ bốn thành viên. Bốn chúng tôi như bốn cái bóng cứ lặng lẽ tồn tại bên nhau như vậy trong nhiều năm tháng. Vì thế, khi ông bà qua đời, tôi cũng không cảm thấy trống vắng nhiều lắm. Ngược lại, tôi còn cảm nhận rất rõ ba có một sự nhẹ nhõm nào đó, khiến người đỡ khe khắt với tôi hơn. Dù cũng chưa bao giờ ba buông lỏng quản lý thời gian biểu trong một ngày của tôi. Vì thế, qua tuổi 20 tôi vẫn chưa biết đến cảm giác xốn xang trước ánh mắt của người khác giới. Cho dù ở trường đại học, sự va đụng yêu đương giữa các sinh viên không là chuyện lạ mắt.

Nhưng con tim non nớt của tôi cũng không chịu uể oải mãi. Đầu tiên, sự xuất hiện dày đặc khiến trí óc tôi ghi dấu khuôn mặt anh. Đến nỗi có thời gian dài anh không đến tôi cảm thấy như thiếu thiếu.

… Tôi đã nhận lời đi cà-phê với anh mà không xin phép ba, dù lòng vẫn ngay ngáy lo lắng mình đang dần trở thành con gái hư. Những xao xuyến ngân nga trong lòng cho tôi cảm giác bâng khuâng đến tận mấy hôm sau. Dư vị ngọt ngào này khiến tôi quên mất những e ngại mà gật đầu khi anh ngỏ ý muốn đến nhà nói chuyện nghiêm túc với ba.

Thái độ giận dữ của ba vượt ra ngoài hình dung của tôi. Tôi dúm người lại khi ba lớn tiếng đuổi anh ra khỏi nhà. Sự lỗ mãng của ba khiến tim tôi đông cứng lại. Nước mắt cũng thế.

Những ngày sau đó, ba không nói với tôi một lời nào. Lần đầu tiên tôi cảm thấy giữa hai cha con là một hố sâu vời vợi thật sự chứ không phải là một khoảng cách vô hình mơ hồ như trước. Thế giới bình yên của tôi vỡ tan rồi. Tôi như kẻ không biết bơi, chới với khi bất ngờ bị ném xuống nước. Tôi quờ quạng vung chân tay tứ phía, mong tìm được một điểm tựa để túm vào. Nhưng vô ích. Tôi sẽ chết ngạt trong cái sự chấp chới đó? Tôi thương tôi. Và tôi thương anh. Tại sao ba lại đối xử với tôi như vậy? Sao ba có quyền không giải thích chút nào về hành động cục cằn của mình?

Hằng đêm, tim tôi nói rằng, hãy đến bên ba, gục đầu vào lòng ba và khóc như hồi còn bé. Hãy hỏi ba, vì sao? Nhưng tim không hạ lệnh cho tay chân được. Càng không điều khiển được ngôn ngữ. Tôi vẫn là một cái bóng câm nín hầu như suốt cả ngày, chỉ có công việc ở phòng khám là còn khiến đôi khi tôi mấp máy môi. Mọi dồn nén ban ngày biến thành những quằn quại trong đêm. Trong rất nhiều đêm.

Mình cần phải thoát ra khỏi tình trạng tồi tệ này. Lý trí nhắc hàng trăm, không, hàng nghìn lần câu đó. Nhưng tôi chưa biết phải làm thế nào? Bắt đầu từ đâu? Tôi vẫn quen tự giải đáp những câu hỏi của mình nhưng lần này thì tắc.

Lần đầu tiên, tôi bỗng thèm có mẹ bên mình kỳ lạ. Người sinh ra tôi, tôi chưa bao giờ biết mặt. Người đi, đi mãi không về! Nếu có mẹ, hẳn là người sẽ dắt tôi đi qua mọi nỗi nghẹn uất? Qua mọi nỗi đau?