Người đã cứu tôi trong ngày chạy giặc

Tôi bắt đầu từ mái tóc bạc như cước và nét mặt phúc hậu của bà, người phụ nữ độ tuổi bát tuần đang ngồi trước mặt tôi. Người mà mỗi lần có dịp thăm quê, tôi lại muốn được ngồi như thế và lặng lẽ ngắm bà. Lặng lẽ thôi mà trong lòng dâng trào những đợt sóng cảm xúc về sự biết ơn.

Bà là ân nhân của cả đời tôi. Nếu nói, chỉ có thể một câu: Giữa biển người trùng điệp, nếu trời đất không thương, không để ánh mắt của bà tình cờ đưa ngang và nhìn thấy tôi trong buổi sáng hôm đó…

Quê tôi ở miền duyên hải Nghệ An, nơi mà ngày đêm máy bay rền rĩ như xay lúa trên đầu, nơi mà đại bác Hạm đội bảy từ Biển Đông dội vào như sấm giông. Địch không kích, pháo kích bất kể ngày đêm; nhà cháy, người chết là chuyện thường nhật. Hình ảnh những hố bom, hố đạn xoáy sâu xuống nền ruộng vườn, nhà cửa là một vùng ký ức đau thương. Không thể để đồng bào tiếp tục bị đe dọa tính mạng, chính quyền quyết định đưa dân thường miền biển lên mạn ngược sơ tán, chỉ lực lượng vũ trang ở lại bảo vệ xóm làng…

Đó là một đêm mùa hè nóng bức năm 1972. Nửa đêm lệnh sơ tán truyền về. Tôi bị mẹ lôi ngược dậy trong cơn ngái ngủ và kéo theo quang gánh với vài bộ áo quần, một ít thức ăn, bột mì, gạo, muối… Trên đường chạy giặc, người lớn, trẻ con, trâu bò, lợn gà lũ lượt. Những bó đuốc nối nhau thành con rồng lửa chạy dài bất tận. Rồi đèn đuốc tắt ngấm, hàng vạn người lặng phắc trong đêm khi có tiếng động cơ máy bay. Rồi tiếng loa điều hành của lực lượng dân quân, vài tiếng súng nổ trấn áp bọn phản động gây rối cuộc tản cư, tiếng quát nạt của người lớn, tiếng trẻ khóc ỉ ôi, tiếng thậm thịch những bước chân gấp gáp. Mẹ con tôi, người vợ góa cùng đứa con nhỏ dại cũng bước trầy bước trật cố bám theo đoàn người. Và rồi, chuyện buồn đã xảy ra…

Qua khỏi chiếc cầu phao bập bênh trên sông nối từ nhà thờ Xã Đoài sang phía chợ Cầu, mẹ gửi tạm tôi cho một người quen rồi tất tả quay lại chợ để mua sắm thêm vài thứ cần thiết. Tuổi thơ dại dột, mẹ vừa quay đi một lúc thì tôi cũng đã cất bước chạy ngược đoàn người tìm mẹ. Giữa hàng vạn bước chân một chiều trong ngày loạn lạc, chỉ đôi chân nhỏ bé, yếu ớt của tôi là về hướng trái chiều. Trong nỗi sợ hãi tột cùng, tôi hoảng hốt, gào khóc gọi mẹ đến khản hơi. Sau này mẹ kể, khi quay lại không còn thấy tôi đâu, mẹ cũng đã ngược xuôi tìm con trong điên dại, vô vọng.

Và rồi, giữa biển người trùng điệp, bà đã nhìn thấy tôi. Bà Ba, người cùng làng với mẹ con tôi. Người phụ nữ ấy cũng đang vật lộn với gánh gồng và đàn con thơ bìu ríu trên đường chạy giặc. Một ánh mắt tình cờ đưa ngang khi trở vai đòn gánh, bà đã nhận ra thằng bé lạc mẹ đang chạy ngược đoàn người là đứa con trai duy nhất của người bạn đồng niên cùng làng. Bà đã hét gọi tên tôi, ôm tôi vào lòng, lau nước mắt và dắt tôi theo cùng. Sau những lời nhắn truyền từ người nọ đến người kia suốt dọc đường sơ tán, chiều hôm đó, bà Ba đã trao tôi tận tay cho người mẹ suýt lạc mất con đã cạn khô nước mắt…

Trên hành trình cuộc đời, có những giây phút tình cờ có thể làm thay đổi số phận. Riêng tôi, nếu không có ánh mắt đưa ngang ngẫu nhiên của bà Ba trên đường sơ tán, chắc chắn rằng tôi đã phải sống với một thân phận lưu lạc. Đó là điều có thể, tôi không dám nghĩ nhiều về nó, dù chuyện xảy ra đã gần năm - mươi - năm.