Ngóng xuân giữa trùng khơi

Khi chúng tôi đang xem duyệt đội ngũ, ai đó nói bên tai: “Các đồng chí đang tiến về phía trước kia là lính ra đa đấy!”. Ấn tượng đầu tiên trong mắt tôi là hình ảnh những người lính chỉnh tề trong mầu áo xanh không quân dìu dịu. Như mầu của một bầu trời quang đãng, trong trẻo và nhẹ nhõm.

Ngóng xuân giữa trùng khơi

Tôi tìm gặp họ, những người lính đang ngồi tiếp khách thăm đảo dưới tán phong ba. Như thói quen, tôi đưa máy ảnh lên chớp vài kiểu trước tiên đã, lính ra đa vui tính và tinh tế, đồng loạt nhìn máy ảnh cười thật tươi. Xong xuôi, các anh ngỏ lời xin xem ảnh, vừa xem vừa cười. “Ảnh đẹp đấy, nhưng cứ thiếu thiếu, nhà báo chụp cùng bộ đội vài tấm kỷ niệm đi”, “Ôi kìa, hai đồng chí kia ngồi gần vào chút, đòi chụp ảnh chung sao lại xa xôi thế này...”. Cuộc vui đượm hơn, một vài người lính hát cho chúng tôi nghe: “Ở nơi này bốn phía là trời mây/Ăng ten đứng đưa mắt nhìn lặng lẽ/Cao hơn núi chúng tôi người lính trẻ/Chiến sĩ ra đa nơi biển, chốt biên thùy...”.

Trong số đó, có người lính trẻ lắm, gương mặt luôn toát lên vẻ hồn nhiên. Cậu tự giới thiệu: “Em tên Hùng, quê ở Thái Nguyên, Tết này sẽ là cái Tết đầu tiên ở đảo của em đấy! Lúc đó, chị nhớ mở điện thoại ra, gửi cho em chút gió lạnh miền bắc nhé!”. Giây phút ấy, tôi xúc động đến gai người lên khi nghe chàng lính nói. Lâu nay, người ta chỉ thường nhủ nhau gửi nụ cười, hơi ấm, còn cậu thì cần chút se sắt gió mùa. Cơn gió trong tưởng tượng ấy đã lướt qua tôi, từng vệt tỏa lan, biển ngoài kia ầm ì sóng vỗ.

Chúng tôi tặng quất xuân ra quần đảo Trường Sa, khi cây vừa từ xuồng lên đảo An Bang đã thấy ngay một người đứng đợi sẵn và đón, bê cây một mạch từ bãi cát lên bờ kè. Anh nhanh chóng bước qua chiếc thang bằng sắt mà nếu đi người không đã chông chênh chứ mang vác vật gì nặng, trông thật nguy hiểm. Bộ đội luyện tập, đi lắm thành quen hay cảm giác đón vật phẩm mùa xuân ra đảo khiến họ quên những bấp bênh rình rập? Hỏi chuyện, được biết anh tên Thắng, quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Anh bùi ngùi tâm sự, người ở đảo xa, thấy một cái cây từ quê nhà vượt muôn trùng sóng dữ vào đảo như thấy quê hương đang hiện hữu, gần kề. Cây quất anh ôm vào lòng suốt ngày tháng qua đã vượt hành trình đầy cam go, bão tố. Biết bao nâng niu, gìn giữ từ khâu đánh gốc, vận chuyển lên ô-tô, tàu hỏa, chăm tưới trên tàu, cho cây “uống” thuốc B1, lá bọc phải nửa kín nửa hở, nylon phải chọn mầu trắng để cây vẫn quang hợp được. Vào tới cảng Cam Ranh, cây còn sống, hú vía lắm rồi, nhưng vẫn còn cả chặng đường dài thấp thỏm bốc dỡ từ cầu cảng xuống, đưa lên ô-tô trung chuyển rồi lên tàu, đối diện với gió biển, nước mặn, lá úa tơi bời, đồng loạt trút sạch. Cây mang lên đảo, bộ đội rưng rưng. Họ ôm cây trong lòng mình, như ôm một đứa con thơ, như ôm trọn tin vui mùa xuân nơi đất mẹ.

Những người lính trên tàu cấp hàng 521 kể cho tôi nghe về chuyến tàu “thanh niên” ngày ấy. Cái tên khởi đầu bởi một lẽ rất tình cờ, hầu hết nhân sự tàu đều chưa lập gia đình. Tuổi trẻ và mùa xuân của những chàng trai cứ hăng hái “chở tình yêu ra đảo”. Nhớ nhất mỗi chuyến khởi hành đúng ngày ba mươi Tết, tàu vừa chạy vừa nấu bánh chưng giữa bốn bề trời biển mênh mông.