Ngõ nhỏ gập ghềnh

Cả tuần nay, dân vùng chợ Tre lại nhức nhối vì dịch đau mắt đỏ. Thục chuyên bán hàng khô, mắt cũng đã đỏ sọng mấy ngày, phải đeo kính đen ra bám góc chợ kiếm đồng rau mắm. Trên ngọn cây xà cừ, chiếc loa phát đi bản tin về cách phòng dịch. Người người dỏng tai lên nghe.

Minh họa: CÔNG QUỐC HÀ
Minh họa: CÔNG QUỐC HÀ

Một cô gái khá diện, đeo kính đen bước đến trước mặt Thục, hỏi mua nước mắm. Cô gái lân la dò chuyện nói có người mách cho cây thuốc chữa đau mắt đỏ, tìm quanh vùng không thấy có, vào chợ thì chẳng thấy hàng quán nào bán. Thục nghe tên cây lá bỏng thì mừng rơn, khoe ở nhà có trồng trước vườn.

Cái ngõ nhỏ dốc hun hút, gập ghềnh, cỏ cây dại ven đường chờm rờm, rậm rạp. Gồng mình đạp mãi muốn quắt ruột, xe vẫn cứ nhủng nhẳng, Thục đành phải xuống rong, xe nhúc nhắc lên tới cổng, quay lại phía sau, cô gái cũng đang cố đánh lái tránh mấy ổ gà ổ voi. Trong nhà, Vẹo vẫn nằm quay đơ trên phản chơi với con chó, mắt đã đỏ quạch như tiết gà. Con chó thấy người lạ lại chạy ra vẫy đuôi mừng. Thục cất gánh hàng, đoạn dẫn cô gái ra vườn, hái cây bỏng. “Nhờ cháu hướng dẫn cách chữa đau mắt đỏ giúp, cả nhà bá bốn người đều mắc dịch”. Cô gái hỏi: “Nhà bá chỉ bốn người thôi à?”. Cây lá bỏng rũ rượi trong tay Thục.

...Tuổi thơ của Thục là những ngày dài đơn côi. Bố mất, mẹ đi lấy chồng, Thục phải ở với bà nội từ tấm bé. Một lần đi xe đến nhà bác chơi bị nhỡ đoạn đường, gặp Ngò cho quá giang đến tận nơi dù chiều ấy trời mưa thối đất. Sáng hôm sau định ra chợ chơi thì thấy Ngò đã đỗ xe ven đường như trực sẵn. Ngò rủ Thục về nhà Ngò chơi. Không ngờ Ngò cũng ở một mình, bố mẹ đều đã mất. Đêm, hai người đi lang thang trên đồi hóng gió. Ngò ve vãn, tán tỉnh, Thục đã không đủ tỉnh táo để giữ mình. Trở về, Thục xanh xao, biếng ăn, nôn khan hằng tháng, bà nội nhìn thấy rầu rĩ lo âu. Thục bắt xe lên gặp Ngò báo tin có chửa, Ngò đồng ý cưới nhưng chẳng lễ lạt gì nhiều vì hoàn cảnh không có điều kiện.

Thục làm ruộng, buôn thúng bán mẹt ở chợ Tre, còn Ngò vẫn buôn chó. Tháng đầu Ngò có đưa tiền cho vợ. Tháng thứ hai đi buôn chó mà qua đêm nhiều, không đưa Thục xu nào, Thục cứ lằng nhằng cật vấn lúc Ngò đang say rượu, Ngò đã rút dép táng cho một cái vào đầu Thục. Sớm ra, lừa khi Thục gánh hàng đi chợ, Ngò lần tận đáy hòm gỗ nẫng hết số tiền Thục đã dành dụm rồi bỏ đi ngồi chiếu bạc. Đợt ấy, cả vùng dịch đau mắt đỏ. Thục bị lây, ốm dề dề. Bác Sam bán bún gần đấy giục Thục về kẻo ốm nặng chạy vào trong lại ảnh hưởng đến đứa trẻ.

Về đến nhà, Thục nằm vật ra giường vì váng đầu. Ngò đi đâu về, mình đầy hơi rượu, xồng xộc chạy vào buồng túm tóc lôi vợ dậy. Bốp. Bốp. Cánh tay Ngò vung lên, máu mồm Thục ộc ra. Lau vệt máu đang chảy, mắt Thục nhìn Ngò muốn nảy lửa: “Anh là chồng tôi hay là đồ vũ phu?”. Mấy chai nước mắm bị ném vỡ tung tóe trước sân, rồi muối, rồi tương, bột canh, mì chính… Quay vào, Ngò túm tóc lôi xềnh xệch Thục đuổi cút ra khỏi cổng.

Tối hôm ấy, Thục tá túc ở gian nhà kho bỏ hoang của xã. Mấy hôm sau, giữa chợ Tre, những người đau mắt đỏ đeo kính vẫn chụm vào cả với những người chưa đeo kính xì xầm câu chuyện Ngò thua bạc, cược cả nhà đất, còn đi uống rượu say về nhà đuổi vợ để tiện bề gán nhà, giờ Ngò bỏ đi đâu không ai rõ.

...Chợ trưa, vãn khách. Bà Nhu hàng cau lân la sang mua cân muối, dò ý tứ Thục xem có chịu đồng ý lấy một người, bà sẽ đứng ra làm mai mối. Người này mặt mũi cũng được, chỉ tội cái chân hơi thậm thọt, vì thế mà cô vợ trước chê bỏ đi đã hơn năm nay.

Quang gánh trên vai, Thục theo bà Nhu và hai người chị chồng về nhà Vẹo. Leo hết cái ngõ nhỏ gập ghềnh, dốc ngược hun hút đã mệt tưởng muốn đứt hơi, vừa vào nhà thấy người mà mình lấy làm chồng chỉ biết ngồi trên phản, hai chân gần như bị liệt, ngồi co đầu gối cao quá mắt, phải di chuyển bằng hai tay cùng hai cái ghế con để nhích mông đi, Thục cố nuốt nước mắt vào trong…

Chưa đến ngày sinh nhưng con bé chịu không nổi đã chòi ra trước cả tháng. Một năm sau, Thục lại chửa đẻ thằng thứ hai. Hai năm nữa là thằng thứ ba. Cuộc sống ngày càng khó khăn. Một mình Thục làm lụng buôn bán nuôi cả gia đình. Con Thuyên được chín, mười tuổi cũng phải ra bờ vùng vỡ đất trồng rau, đi bắt cua, bắt ốc, chăn bò. Vẹo vẫn ngồi đuổi ruồi và chơi với con chó ghẻ trong góc nhà, hoặc lết ra đầu ngõ ngồi hóng hớt.

Tan chợ, Thục tranh thủ đi thăm đồng. Về tới nhà, bắt gặp con Thuyên vừa ngồi đun bếp vừa khóc, mắt đỏ hoe, quần áo rách lôi thôi, gặng hỏi mãi, nó mới kể đang chăn bò, thấy đau bụng quá, lại bị chảy máu ở quần, con bé sợ xanh mắt chạy vội về nhà thay quần rồi vào buồng nằm khóc rưng rức, khóc mệt quá thì thiếp đi. Ai ngờ, bố vào từ lúc nào giữ chặt hai tay nó, xé áo của nó, may mà nó giãy giụa dùng chân đá vào cái chân liệt dở, bố bị ngã, nó mới chạy thoát thân được. Đây đã là lần thứ hai rồi, lần trước bố cấm chỉ nói với mẹ không thì chết với bố. Thục uất muốn thổ máu, chạy xé lên nhà, đòn gánh trong tay. Vẹo bị một vết xước toác ra ở trán, hắn đang rót nước cho con chó uống, thấy vợ chạy vào thì nép người vào rìa tường. Thục đập đòn gánh xuống phản, xông vào tát cho Vẹo hai cái nảy đom đóm mắt. “Mày mà còn động đến con bé thì tao sẽ dìm mày xuống sông!”.

Năm sau, dịch đau mắt đỏ lại tràn về. Dân vùng chợ Tre, có người đổ, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng, lại có người nói ô nhiễm không khí do khí thải từ mấy nhà máy công nghiệp vừa mọc lên trong vùng, lại có người nói đã là dịch thì phải bùng phát càn quét khắp lượt, đâu chả có mấy cái dịch đau mắt, sốt xuất huyết, tiêu chảy… Mất đứt mấy ngày công chợ để tiêm thuốc mà mắt Thục vẫn đỏ nhức nhối, húp híp. Nhà chỉ còn mỗi con Thuyên là không bị đau mắt, nó tất bật đồng áng, cơm nước. Con bé đang thành thiếu nữ, đói ăn nên người dài ngoãng ra mà gò má vẫn hồng hào, đôi mắt thăm thẳm đen, phảng phất nét buồn hoang hoải, Thục không dám nhìn lâu vào mắt nó bao giờ.

Khi mắt quang quẻ hơn, Thục gánh hàng đi chợ. Tan chợ về, thấy bếp núc hiu quạnh, cửa buồng toác ra, tưởng nó đi lên đồi chăn bò nên Thục chẳng tìm. Nhưng đến tối, chỉ có thằng Du, thằng Còm dắt bò về mà không thấy con, Thục mới bổ đi tìm khắp nơi. Hàng xóm hay tin nhớn nhác tìm hộ nhưng không thấy Thuyên đâu. Mãi khuya, Thục thất thểu trở về, hai thằng con vẫn thức đợi mẹ, còn Vẹo thì đã lên giường nằm khoèo. Thục lôi hắn dậy: “Ông làm gì để con bé bỏ đi phải không?”. Vẹo ngáp dài: “Làm gì chứ, nó không thích ở cái nhà này thì nó bỏ đi thôi”. Trông cái mặt Vẹo lúc ấy, Thục chợt muốn buồn nôn, không ngờ Thục lại sống được gần ấy năm với Vẹo.

...Cô gái thôi hái lá bỏng, ngẩng lên nhìn Thục chăm chắm. “Chẳng dám dối gì cháu. Tôi còn một đứa con gái lớn bỏ đi đâu mấy năm rồi chẳng biết sống chết thế nào!”. Nhắc đến con, nước mắt Thục ứa ra. “Thôi bá đừng buồn, kẻo lại đau mắt hơn. Bây giờ vào nhà cháu sẽ hướng dẫn cách chữa bệnh bằng lá bỏng này cho bá. Sau khi rửa sạch, giã nát, lấy một tấm băng gạt thấm lấy nước cốt rồi đắp lên mu mắt”.

Nghe vợ nói cô gái có cách chữa bệnh bằng thuốc nam, lại sai lão Vẹo ra cho cô ấy làm mẫu để vợ nhìn còn học cách chữa cho cả nhà, lão Vẹo nhìn gườm gườm vào mặt cô gái, làu bàu: “Đến bản thân cô còn bị đau mắt phải đeo kính thế kia thì chữa được cho ai?”. Vừa nói, lão vừa chỉ vào cái kính đen to tướng ở mắt cô gái, vẻ khinh thường, Thục đứng tần ngần. Sau giây lát im lặng, cô gái bỏ cặp kính đen che nửa khuôn mặt đi. Cả Thục và lão Vẹo đều sững người. Là con Thuyên. Vẫn đôi mắt đen thăm thẳm nét buồn hoang hoải, cái nốt ruồi ở đuôi lông mày trái.

“Thuyên về đấy hả con?”, Thục kêu lên, hai mẹ con ôm lấy nhau khóc. Đến khi trấn tĩnh lại, Thuyên kể trong nước mắt: “Không phải con bỏ đi đâu mà bố dượng đã lừa bán con đấy. Hôm đó, bố sai con đi sang nhà tay Khê lấy cho bố ít thuốc lào, không ngờ con vừa đến cửa nhà Khê đã bị tay Khê và một tên đàn ông nữa lao ra cho thuốc mê rồi chở xe máy đi bán cho đường dây mụ Mỉ. Lúc mụ đang vận chuyển bốn người phụ nữ trong đó có con thì bị công an tóm gọn. Con đã chẳng thiết về nhà. May lại gặp được người đàn bà lao công đưa về nhà cho tá túc, rồi xin cho con một chân lao công trong cơ quan. Sau, người cháu họ của cô ấy đến chơi, cảm mến rồi thương yêu con, giờ chúng con đã có một cháu gái”.

Thục vừa ôm con vừa lau nước mắt đang nhểu nhảo chảy. Tiếng ghế gỗ lộc cộc xa dần làm Thục giật mình nhìn ra ngoài sân, lão Vẹo rúm ró như mảnh nylon gặp lửa, đang dùng tay cố lết nhanh hai cái ghế gỗ như bỏ chạy về cái ngõ nhỏ gập ghềnh, dốc hun hút.