Ngày chưa xa

Xuân về, các bạn trẻ nô nức đi ngắm hình ảnh ông đồ già, tàu điện, Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền trong những bích họa trên phố Phùng Hưng. Chỉ mới gần 30 năm, Bách hóa Tổng hợp đã trở thành câu chuyện hoài niệm.

Ngày chưa xa

Tòa nhà đẹp, gợi nhớ bao kỷ niệm của ai đã từng một lần đến Bờ Hồ, không thể không ghé vào nơi đây. Chiếc đồng hồ đặt trên tháp bách hóa, thời trước gọi là Gorda, theo kiểu đồng hồ châu Âu, được gìn giữ sau bao lần binh lửa. Thời bao cấp khó khăn, với người dân Hà Nội, cần vải, vỏ chăn, màn, đường, sữa… đến cả đồ sứ Hải Dương, vòng bi, săm, lốp xe đạp, bếp dầu, đèn Hoa Kỳ…, cứ lên Bách hóa Tổng hợp.

Với chúng tôi, lũ học trò vô tư, hồn nhiên, thì vui nhất, hấp dẫn nhất vẫn là nhảy tàu điện, lên Bách hóa Tổng hợp. Trong mắt trẻ thơ, gian hàng nào cũng đẹp như chốn thần tiên. Tôi mê nhất gian hàng mỹ nghệ với hàng trăm mẫu hàng chạm bạc, hàng khảm trai… bày trong tủ kính. Năm 2008, sang Vân Hà (Đông Anh), mới biết đó là hàng “độc” của làng mỹ nghệ Thiết Úng - Vân Hà. Bàn tay của các nghệ nhân tài hoa ở làng cổ đã thổi hồn vào tranh gỗ khảm trai hoặc tượng gỗ chạm khắc. Hình ảnh em bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo hay các cô thôn nữ... từ làng quê bước vào thế giới nghệ thuật, để bay ra thế giới.

Sau khi lang thang Bách hóa, sẽ “hạ cánh” vào hàng Kem Tràng Tiền giải khát, rồi sẽ sang hàng hoa tươi ở góc Bờ Hồ. Hàng hoa tươi là một góc thần tiên khác của hồ Gươm. Ngắm hoa, ngắm các thiếu nữ mặc áo dài dạo chơi, là một thú vui thanh lịch của người Hà Nội. Tóc tết sam, tóc thả trên lưng dịu dàng, tóc phi dê… đều đẹp với dáng eo thon và tà áo dài tha thướt. Cũng chỉ sau mùa xuân 1973, mới có dáng áo dài thư thái dạo ven hồ Gươm, và cũng là “của hiếm” khi đôi vai mềm của phụ nữ đã quen chịu đựng sống và làm việc dưới đạn bom ác liệt. Đặc biệt nhất, và cũng hay nhất, trong mắt du khách nước ngoài, là hình ảnh chiếc hầm nổi, chống bom đạn hủy diệt của Mỹ, được đắp ven hồ Gươm và gần nhà bát giác, nay vẫn còn hầm ở sau lưng tượng đài Lý Thái Tổ. Nếu có thể, chúng ta sang sửa hầm làm điểm tham quan, để du khách hình dung một nét xưa của Hà Nội mùa đông năm 1972 không bao giờ quên. Khi còi báo động từ Nhà hát Lớn nổi lên, thì người đạp xe quanh Bờ Hồ vứt xe đạp cạnh cửa hầm nổi hoặc hầm cá nhân, xuống hầm trú ẩn. Còi báo yên, lại lên xe đạp thong dong dạo phố. Nhịp sống thường nhật của người Hà Nội thời đạn bom thật bình tĩnh, tự tin, hào hoa biết bao.

Cái tên Bách hóa Tổng hợp đi vào hoài niệm, vào những câu chuyện của ông bà, cha mẹ, kể cho cháu con, về Hà Nội một thời chưa xa.