Nà Pha và câu chuyện Thẳm Nàng Màn

“Nà Pha” tiếng Thái nghĩa cánh đồng lúa nước dưới chân núi đá vôi. Xưa lũ học trò người “kẻ Quạ” chúng tôi ra huyện học lên cấp ba chỉ con đường duy nhất qua bản Nưa, lên bản Tờ rồi qua bản Nà Pha ra quốc lộ 7A.

Cánh đồng lúa nước bản Nà Pha và Thẳm Hoi (hang ốc), nơi có dấu tích di chỉ người Việt cổ.
Cánh đồng lúa nước bản Nà Pha và Thẳm Hoi (hang ốc), nơi có dấu tích di chỉ người Việt cổ.

Trong số những dãy núi đá vôi cao ngất bao bọc lấy cánh đồng Nà Pha có hang Thẳm Hoi, di chỉ người nguyên thủy còn lưu lại các công cụ sản xuất đồ đá. Trường cấp ba duy nhất của huyện Con Cuông vào năm 1972 đã sơ tán dưới chân hang Thẳm Hoi này.

Nơi đây thời chiến tranh chúng tôi đã chứng kiến những loạt bom tọa độ bằng pháo đài bay B52 dội xuống cạo trắng đỉnh Thẳm Hoi. Chính cái hang nơi trú ngụ của người nguyên thủy xưa đã che chở cho thầy trò qua những trận bom. Đối diện Thẳm Hoi là Thẳm Nàng Màn (hang mang tên người con gái hoang thai) trong câu chuyện huyền thoại về một mối tình buồn. Chuyện  kể lại rằng: Ngày xửa ngày xưa vùng này có một cô gái con một tộc trưởng giàu có, đẹp người đẹp nết. Cô gái như đóa hoa rừng đã đem lòng yêu say đắm chàng trai “cồn  khồi, cồn khói” (nghèo khổ làm thuê) cho nhà nàng. Chàng trai nghèo không cha không mẹ, khoẻ mạnh hiền lành, siêng năng, giỏi giang từ việc săn bắn, bẫy chim thú đến công việc đồng áng, nương rẫy. Cha nàng biết được cuộc tình không “môn đăng hộ đối” đã kịch liệt ngăn cấm. Bất chấp sự ngăn cản của cha, hai người vẫn thường xuyên bí mật hò hẹn gặp nhau nơi nương xa, ruộng vắng với lời thề nguyện nên vợ nên chồng. 

Rồi nàng mang thai. Biết tin, người cha đã cho người bắt chàng trai phạt tội. Được người yêu báo trước, chàng đã kịp chạy trốn. Để giấu kín chuyện con gái mình hoang thai cho khỏi hổ thẹn với bản dưới mường trên, trong một đêm tối trời, người cha sai người chuẩn bị đồ dùng, váy áo, lương thực bắt đưa con gái nhốt vào hang đá xa bản. Một mình bị nhốt trong hang cũng là lúc nàng đến kỳ sinh nở. Trong một đêm mưa gió bão bùng, nàng vượt cạn một mình. Kiệt sức, nhưng nàng vẫn ôm đứa con sơ sinh lê ra cửa hang với hy vọng người yêu sẽ trở lại. Nàng đứng trước cửa hang mong ngóng ngày đêm, nước mắt nàng tuôn chảy như suối, nàng khóc thương cho phận mình, khóc thương nhớ người yêu, khóc thương cho đứa trẻ vắng bóng cha, cho đến gần sáng thì mẹ con nàng kiệt sức và hóa đá.

Hình bóng của mẹ con nàng còn đó cho đến tận bây giờ với niềm đau đáu nhìn xuống cánh đồng Nà Pha chờ chồng. Và bây giờ trước khi vào bản Nà Pha, chúng ta phải đi qua cửa hang, lội qua những dòng lệ bi thương của một người con gái.

Không biết chàng trai có trở về tìm nàng hay không, nhưng bây giờ người Thái đã về Nà Pha lập bản dựng mường, khai phá đất đai để có được cánh đồng màu mỡ  năng suất cao nhất “mường Trong” (huyện Con Cuông). Thẳm Nàng Màn đã được tỉnh Nghệ An cấp Bằng xếp hạng di tích danh thắng cấp tỉnh. Và câu chuyện thâm canh lúa đến những vườn cam bạt ngàn... phát triển kinh tế bứt phá thoát nghèo ngày nay hấp dẫn chẳng khác gì truyền thuyết.