Mỏm Con gà

Từ lúc ngồi trên boong tàu, Phú đã nhận ra “Mỏm Con gà” đúng như trong clip mà Tuấn gửi cho anh.

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Nghe bảo, đất ở vùng này đâu đã vào đấy cả rồi, chỉ còn cái chỗ đắc địa ấy là “đạn bắn không thủng”, cao nhân mới trị được cái sự ẩm ương của chủ đất. Cả tuần nay, Phú đã cho người thu thập thông tin về gốc gác của mảnh đất này cùng tính nết của chủ nhân và lý do thất bại của những cò đất đi trước. Bước lên bến, anh vỗ nhẹ vào vai Tuấn: “Nhớ đấy, phải khổ nhục kế!”.

Ông Tâm đã quá rõ bài vở của dân mua đất từ dưới xuôi lên. Có đứa cậy xe ô-tô, liều phi đến nửa con dốc kia thì xe khựng lại chết máy. Có đứa cậy tiền mồm miệng liến thoắng, bày ra trước mặt ông một viễn cảnh xán lạn như trong truyện cổ tích. Có thằng mưu mô hơn, mon men kết giao với hàng xóm của ông, làm thân với cả đàn chó của ông đến mức chúng cứ nhìn thấy là vẫy đuôi mừng... Nhưng tóm lại, ông không bán đất. Dẫu cái mỏm Con gà ấy có bạc màu, cây ngô chỉ ra bắp bé bằng cái chuôi dao, ông cũng mặc. Nó là hồn vía của làng xưa, bán đi rồi mất hồn, mất vía, biết sống với vong linh tổ tiên dưới kia thế nào?

*

Ngày xưa, làng ông ở dưới chân núi, gần bờ sông. Con sông từ Tây Bắc đổ về, mùa khô xanh biếc, mềm mại như một dải lụa, trai gái chèo bè í ới hát giao duyên như trong truyền thuyết. Mùa mưa, có năm nước sông dâng cao, đục ngầu, quằn quại như con giao long hung hãn, cả làng phải chạy lên mỏm Con gà để tránh lũ. Nước rút rồi, nhà cửa, ruộng vườn có bị phù sa vùi lấp thì năm sau lúa ngô lại xanh mướt. Mỏm Con gà như vị thần gà trống cất tiếng gọi mặt trời mỗi sớm mai, giữ bình yên, no ấm cho dân làng.

Bố mẹ mất sớm, hai anh em ông Tâm nương tựa vào nhau mà sống trong vòng tay đùm bọc của dân làng. Nhà ông vốn không gốc gác ở đây nên chẳng có anh em họ hàng ở gần. Người anh trai tên Lương, hơn ông gần chục tuổi, khỏe mạnh, năng nổ lại học giỏi. Năm 1972, khi Tâm đương học cấp một, thì anh Lương lên đường nhập ngũ. Ngày ra đi, hai anh em cùng leo lên  mỏm Con gà đứng nhìn xuống làng. Nắng như thiêu như đốt, có cái mũ cối được phát khi tham gia dân quân xã, Lương đội lên đầu em và dặn:

- Anh đi đánh giặc để sau này máy bay của nó không còn phá làng mình nữa, em không phải sợ hãi lúc nấp trong hang với mọi người. Có thể - Lương ngừng giây lát như chợt có một dự cảm - anh sẽ về muộn, rất muộn, thì khi lớn lên em nhớ cứ cuốc xới gieo trồng, đất sẽ không phụ người. Có mỏm Con gà ở đây che chở cho em, ở nhà nhớ những gì anh dặn nhé…

Anh Lương đi rồi, lâu lâu Tâm cũng nhận được một lá thư anh viết vội từ chiến trường gửi về. Cho đến một ngày, chú bưu tá từ huyện đạp xe đến mang theo tờ giấy báo tử. Mọi thông tin về sự hy sinh, về phần mộ của anh đều không có. Sau này, có nhiều người lính trở về từ năm 1975 nói với Tâm rằng: trong chiến tranh, có những sự hy sinh thầm lặng và mãi mãi là một bí mật…

*

Vị khách lần này rất lạ khiến ông Tâm phải chú ý. Cậu ta không hau háu xem đất, hỏi giá, hay dò hỏi loại đất giao bao nhiêu năm, thổ cư được bao nhiêu mà chỉ hỏi về ngôi làng đã chìm dưới mặt hồ sau khi đập thủy điện ngăn sông đã xây xong. Lâu lắm, chả có người gợi chuyện làng xưa nên ông Tâm ra câu một con cá nấu với măng chua, hái ít rau rừng về đồ lên chấm với lòng cá. Mâm cơm vị rừng đã dọn ra, lấy cái bình rượu ngâm với đôi chén mắt trâu, chủ và khách nhâm nhi đến khuya. Thấy rượu đã ngấm, chuyện đã đủ, chủ cũng đã rất tin tưởng khách, Phú mới ra chiêu:

- Nếu giờ có ai tìm được phần mộ của anh trai, chú định thế nào?

- Nếu một ngày nào đó tìm được thì  dù tao có yếu đến mấy cũng bò đến mà bế hài cốt ông ấy về đây chôn cất.  Lúc ấy tao mới yên lòng nhắm mắt được.

- Gớm, chú nói quá, không đến nỗi lâu thế đâu. Ý cháu là, chú định hậu tạ cho người giúp chú tìm ra phần mộ.

- À, tao hiểu, đấy mày xem, tao không vợ, không con, nhà cửa, vườn rừng chỉ tuyềnh toàng vậy nhưng bằng bất cứ giá nào tao cũng…

Nói xong, hình như cả chủ và khách đều chột dạ nghĩ đến mỏm Con gà.  Chừng non tháng sau thì Phú đã sắp xếp mọi việc đâu vào đấy. Trước lúc quay trở lại vùng hồ gặp ông Tâm, Phú cẩn thận hỏi lại thằng đệ chuyên làm những việc “quỷ khóc, thần sầu”. Tuấn “fake” tự tin:

- Đại ca yên tâm, gì chứ cái gáo dừa, khúc gỗ dâu em còn thổi lên được, huống hồ đây còn fake nguyên như bộ xương thật.

- Thế nhỡ ông ấy dở chứng đòi đi xét nghiệm ADN thì sao? 

- Đại ca nhát gan quá, phải nói át đi để lão tin, mà quan trọng là đại ca mua được đất rồi, sau này nói là nhầm lẫn, chỉ cần xin lỗi là xong. Đây gọi là ngoại cảm thì phải chấp nhận sai số chứ đại ca.

Chuyện diễn ra suôn sẻ, trên chuyến xe mang hài cốt ông Lương ra bắc, ông Tâm đã đồng ý để lại cho Phú cái mảnh đất có mỏm Con gà. Là người nông dân thật thà, ông cả tin đến mức bắt Phú viết cái giấy cam đoan thế này, thế kia để không được làm mất đi cảnh quan. Phú cũng chẳng phải loại vừa, đẩy giá mua đất của ông Tâm lên cao hơn so giá mà các nhà chung quanh đã bán. Tất cả cũng chỉ vì cái mà Phú gọi là “tâm nguyện muốn bảo tồn, lưu giữ” gì gì đó.

*

Bỗng điện thoại của Phú đổ chuông, bên kia là tiếng cô giúp việc í ới:

- Ông cụ nguy rồi chú Phú ơi, chú đến viện ngay đi!

- Chị gọi nhà tôi trước đi!

- Cô ấy không bắt máy…

Phú quên cả chiếc xe đang chở ông Tâm và hài cốt, lệnh cho tài xế lao thẳng đến bệnh viện. Ông cụ đã yếu lắm, lúc đi cùng ông Tâm vào nam, Phú nghĩ ông cũng không cố được lâu nhưng không nghĩ lại nhanh đến thế. Cầm tay Phú giây lát, mắt ông bỗng biến sắc khi nhìn về phía sau lưng con trai. Phú thoáng giật mình ngoái nhìn lại. Làm gì có ai ngoài ông Tâm và tài xế đâu nhỉ? Bỗng ông cụ khe khẽ mấp máy môi: “Tâm”, “em”…

Cái điều không ai tin nổi đã xảy ra, Phú đưa cha lên chôn cất ở ngay mảnh vườn nhà ông Tâm, phía dưới con dốc lên mỏm Con gà. 

- Lúc còn sống, cháu nghe mẹ cháu nói vì vết thương trong chiến tranh, cha cháu không nhớ được gì nhiều, nhưng hôm rồi lúc lục lọi đống kỷ vật, cháu thấy có một cuốn sổ mẹ cháu ghi lại cuộc đời của cha cháu từ những mảnh vụn của trí nhớ của ông. 

- Ờ, biết sao được, thôi thì cuối cùng anh Lương cũng được về dưới mỏm Con gà, giờ tao có nhắm mắt cũng yên lòng rồi.

- Chú… - Phú bỗng nghẹn lời - Chú không giận cháu sao?

- Tao biết mày mua đất cũng là để thỏa cái tâm nguyện của cha, thôi thì cũng vì chữ hiếu mày phải bày ra cái trò ấy. Nhưng phúc nhà mình còn, cũng may nhờ cái trò của mày mà tao còn được nắm tay anh tao phút lâm chung. Thế sau đây mày định thế nào?

- Thì, đất của chú, chú cứ ở thôi, làm gì còn cái thằng Phú nào dùng khổ nhục kế mua được đất của chú nữa?

- Cái thằng này, ý tao bảo, mày không đi làm thủ tục sang tên bìa à? Ngộ nhỡ mai này tao đi theo anh ấy, thì mỏm Con gà để cho ai trông?

Phú ôm lấy đôi vai gầy của ông Tâm, nhìn lên mỏm Con gà  như vẫn thấy có hai người rất trẻ đang đứng đó nhìn xuống phía làng dưới làn nước xanh của mặt hồ.