Mẹ và người yêu cũ của ba

Mẹ có khuôn mặt sắc sảo, đường nét rất rõ ràng nhưng vẻ đẹp đó giản dị, rất mực nông dân chứ không mĩ miều, cao sang. Chắc tại làn da rám nắng và dáng người thấp đậm chứ không được mảnh mai. Lại thêm khả năng lao động như một lực điền.

Minh họa: MINH ANH
Minh họa: MINH ANH

Tất tật những chuyện chặt cây, đánh tranh làm nhà, cày, sạ  cắt, phơi và trồng hoa màu, nuôi gia súc... Tóm lại, việc gì một ông nông dân có thể thì mẹ làm được hết. Đàn ông xứ này, không mấy người làm hơn mẹ mầy đâu! - cô Ba Xoan cứ lặp lại câu đó nếu câu chuyện có liên quan đến mẹ. 

Hồi ở tuổi thiếu niên, nghĩa là khi đã biết rung động trước bạn khác giới thì tôi bắt đầu nảy ý thắc mắc. Mẹ không má đỏ môi hồng. Trong khi đó ba tôi mảnh khảnh, trong mọi chuyện luôn từ tốn, ăn nói nhỏ nhẻ. Chưa kể sau khi cưới, ba phải mở lớp xóa mù cho vợ. Khi biết chuyện đó thì tôi đã “bán đứng” mẹ. Tôi hỏi: Sao hồi đó ba lại yêu mẹ? Hỏi ba nhưng mẹ trả lời. Mẹ nói cô Ba Xoan mới là người thương của ổng. Thấy tôi ngơ ngác thì mẹ giải thích thêm: Tại hổng cô nào thèm ưng đứa mồ côi nên ổng mới lấy mẹ. Kỳ thiệt, khi nói câu đó, tôi nghĩ mẹ sẽ chạnh lòng, sẽ đượm buồn vì câu hỏi xát muối nhưng không. Mẹ tôi đã rất vui vẻ (hay cố tỏ ra vui vẻ), trả lời. 

Ba gần như không biết gì về gốc gác của mình. Không biết mặt bố mẹ đẻ, từ nhỏ được sống với ông nội Ba - nội thứ. Thành ra, nhà tôi chỉ có họ hàng là nội Ba và các con của ông. Nội Ba hiền nhưng các con thì không. Sau vụ tranh giành miếng đất được ông để lại, dặn chia đều cả con lẫn cháu. Mấy chú đành hanh giành giựt. Ba từ bỏ vì bảo mình không có quyền thừa hưởng.

Đó là lý do để ba tôi thuộc mẫu “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa” nhưng vẫn không lấy được vợ. Mới đầu tôi không tin. Nhưng ba lý giải, thời ấy, người ta rất định kiến với những chàng trai không họ hàng gốc gác. Chẳng ai muốn gả con cho một gã mồ côi. Và mẹ bảo, đó là lý do để hai trẻ mồ côi nên đôi.

Giờ thì tôi đã hiểu vì sao mối tình với cô Ba Xoan lại tan tành theo mây khói rồi.

Cô Ba đẹp! Người ta bảo đàn ông thường tìm phiên bản na ná như người yêu cũ để kết hôn nhưng ba tôi thì không. Mẹ y như bản sao ngược của cô Ba vậy. Cô có khuôn mặt không sắc sảo nhưng dễ thương, cuốn hút. Cái vẻ mặt cứ khiến người ta muốn nhìn mãi không thôi. Chính xác là không đẹp nhưng mọi thứ trên khuôn mặt, trên người của cô ấy kết hợp mới kiều mị làm sao! Cổ ăn nói thỏ thẻ, thường bĩu chiếc môi trễ nải và nũng nịu theo cách riêng của mình - rất duyên! Khi mô tả về người yêu cũ của chồng, tôi có thấy khuôn mặt mẹ trong thoáng chốc “đứng hình”, hình như trong đôi mắt kia đang có một khoảng lặng bối rối.

Ngày nhỏ, họ là học trò của cụ đồ Cẩn. Ba tôi chữ đẹp, học giỏi. Cô Ba nhạy cảm, sâu sắc, thích làm thơ. Cặp đôi đã bén duyên khi học xong những lớp đầu cấp. Nhưng tình đầu đã gặp sự phản đối quyết liệt của gia đình cô Ba.

Không biết cuộc nói chuyện đó tôi đã làm mẹ buồn bao lâu dù mẹ bảo không sao nhưng tôi tin chắc chắn là “có sao”. Đó là khi tôi to gan hỏi: Vậy hồi đó ba có yêu mẹ không mà cưới? Mẹ nói cũng chẳng biết nữa. Hai trẻ mồ côi, gặp nhau trong khu tản cư, thấy hợp thì ưng. Hồi đó bom đạn, làm gì có chuyện tìm hiểu yêu đương như bây giờ. Tôi liều mạng hỏi thế mẹ có hạnh phúc không? Mẹ bảo đừng đòi hỏi cái chưa có/chưa biết thì sẽ hạnh phúc. Tôi bâng quơ nói, không biết ba có còn thương cô Ba hông nhở? Sao tới giờ mà cổ chưa chịu lấy chồng? Mẹ nói tỉnh queo: Ổng còn thương hay không thì ổng biết chớ sao mình biết được. Còn sao cô Ba không lấy chồng thì bây đi mà hỏi cô ấy.

Như mẹ vậy mà hay. Trong tình huống này thì xét về mặt nào đó, thà đừng biết gì còn hơn. Rồi mẹ bảo con gái đa sự, hỏi chi chuyện xa lắc, xa lơ. Quả là chuyện xảy ra hồi tôi còn là giọt máu nằm dưới đầu ngón chân của ba nhưng bây giờ đã là cô gái mười lăm tuổi, đã biết rung động đầu đời rồi nên tò mò chuyện tình yêu chứ sao. Mà cũng tại mỗi lần thấy tôi và cô Ba cùng đi chăn bò cắt cỏ gì đấy thì mấy người trong xóm cứ trêu, người yêu cũ của ba mày đấy. Ban đầu tôi cũng hơi ngại, người ta còn ngó tôi giống cô Ba hơn mẹ. Nhưng sau này, thấy cô không những bình thường mà còn đối xử với tôi rất thân thương nên tôi cũng đáp lại bằng sự quý mến. 

Đi chăn bò, tôi thường ngó chừng cô Ba. Cô thường vừa làm, vừa hát. Hát những bản nhạc tiền chiến. Có vẻ như cô có thể hòa giọng theo mọi bài hát cùng loại. Tôi trước đó không “tiêu hóa” nổi dòng nhạc này nhưng từ khi nghe cô hát, tôi mới biết được cái cảm giác hoàn toàn mới lạ là nhởm hết da gà khi nghe một câu hát. Nhớ có lần tôi yêu cầu cô hát nghiêm túc một bài, cô đã hát bằng giọng thật sâu, thật gợi cảm. Chưa bao giờ tôi nghe nổi một bản nhạc của Trịnh nhưng hôm đó cô đã khiến tôi chìm đắm trong khúc nhạc, tôi thấy toàn thân mình cũng dữ dội và mát lạnh như một dòng thác.

Có lần tôi hỏi, cô Ba tôn thờ chủ nghĩa độc thân hay sao mà hổng lấy chồng? Cô lườm, chỉ có lũ trẻ tụi bây mới có ý nghĩ sợ bị ràng buộc, thích sống độc thân và chơi xả láng thôi. Con có thể đưa ra cả nghìn lý do để chọn cuộc sống độc thân đấy. Ừ, có thể thời đại thay đổi nên suy nghĩ cũng thay đổi. Nhưng cô vẫn cứ thấy đàn bà không chồng như chiếc lược gãy răng, như cành liễu không rủ. Những lời này, theo một cách nào đó, nghe thật chua xót. Vậy sao cô hổng chịu lấy chồng? Tới câu này thì cô chỉ cười rồi nói, đó là một câu chuyện dài.

Tôi không đoán được tình cảm của mẹ. Với phụ nữ, tình yêu sẽ trở thành bi kịch thê thảm nhất khi phải ghen có địa chỉ. Thà người yêu cũ của chồng biệt tăm, biệt dạng ở một nơi nào đó, hoặc giả có kề bên thì người ta cũng phải có cặp, có đôi. Chứ cái kiểu ngày ngày gặp nhau, cô ấy vẫn phòng không chiếc bóng…

Tôi chắc là mẹ sẽ bất an và cô đơn lắm khi phải chứng kiến cảnh nhà cô Ba Xoan khuynh gia bại sản, khi ba cùng những người khác trong xóm dựng cho cô căn nhà gỗ (cách nhà tôi dăm nóc), khi ba đánh bò tới cày dùm đám đất trước thổ để cô trồng khoai. Chuyện khó tin nhưng 100% là sự thật. Hồi đó tôi có nghe mẹ ghẹo ba: Sau chừng ấy năm trời mà mắt vẫn nao nao khi thấy người cũ cười. Mẹ bản lĩnh thật. Nếu đổi tôi là mẹ, chắc tôi đã ghét cay, ghét đắng người cũ của ba chứ có đâu mà trêu chọc. Xóm làng thường trêu, coi ráp chung một nhà chứ để ổng chạy đi, chạy về lại cực. Mẹ cũng cười, nói tếu: nếu ổng đủ sức cốt thì tui để ổng vác… Mẹ nói vui cho xong chuyện, cho người ta đừng cà rỡn nữa chứ có lần tôi đe phải đề phòng thì mẹ đanh mặt nói: đừng xúc phạm người khác bằng những phỏng đoán không căn cứ của mình. Đây quả là một câu nói khiến tôi thay đổi. 

Mẹ đã dọn dẹp những ý nghĩ vớ vẩn của tôi, dẹp sạch. Mẹ bảo, thân đàn bà như ớt, mẹ sao không biết ghen. Mỗi lần ba đến phụ cô Ba làm gì đó, mẹ đều ở nhà thắt thỏm và đêm ngủ thì mắt nhắm, mắt mở. Như hiểu được nỗi niềm đó, đàn bà dễ đồng cảm với đàn bà lắm, lần nào xong việc cô Ba cũng gặp mẹ nói cám ơn.

Và mẹ kể thêm, những năm đói khát, khi cả xóm lên rừng đào củ sung, củ mài về ăn, mẹ và cô Ba luôn sát cánh, có gì cũng chia nhau. Rồi những năm phải cùng đi đào hào, đắp ụ tận trên đất đỏ, chị em đùm bọc nhau từng miếng ăn, tấm áo. Những năm hợp tác xã, hai người cùng nhau bỏ xứ, vào tận Vạn Giã sống lắt lay.

Chính tôi là người đã chứng kiến cái lần mẹ hái củi, lội sụp chân vào ổ ong đất. Khi tôi đứng khóc ré, khi những người bạn đồng hành khác còn sợ hãi đứng nhìn thì cô Ba đã xả vào, nhanh tay bẻ những nhánh cây to phủ lên người mẹ, cô cứ bẻ, cứ che, y như cố tình ngồi đó để chia đôi những nọc độc của ong với mẹ.

Nhưng câu chuyện phía sau nỗi ám ảnh bị ong đốt thì mãi sau này, sau khi tôi đủ lớn để chấp nhận mọi chuyện thì mạo muội hỏi cô Ba về mối tình đầu với ba. Cô nói đó là mối tình con nít, chỉ vậy chứ không hơn, người ta thêm tương ớt cho ly kỳ thôi. Sau này, sau khi ba đã lấy vợ, cô cũng có người yêu. Chú Thản cũng không môn đăng hộ đối nhưng lúc ấy bố mẹ cô đã mất nên không ai quản thúc chuyện đó nữa. Chú ấy chỉ được mỗi khuôn mặt đẹp trai. Nhà nghèo, nói chuyện tẻ ngắt như cơm nguội. Cô Ba nói, tình yêu đến không cần nhiều lý do như khi người ta chia tay. Cô và chú gặp, yêu và cả hai đều không có lý do. Cho đến ngày sắp cưới, trong một lần vào rừng, chú Thản bị ong rượt, chạy ra tới bến sông và chú đã lặn luôn dưới đó để trốn ong.

Cô Ba kể tới đó, rớm nước mắt. Nghe xong câu chuyện thì tôi liền nghĩ về tình đầu mới đổ vỡ của mình. Đúng là đã có lúc nghĩ nó là mối tình khắc cốt ghi tâm nhưng giờ bình tâm nhìn lại thì nó chẳng có gì hơn, chỉ là kỷ niệm. Tôi hỏi, mẹ con có biết chuyện này không thì cô nói chưa kể ai bao giờ. 

Mẹ vẫn tin cho tới bây giờ, cô Ba Xoan vẫn không lấy chồng là vì còn thương ba...