Lối trúc, đền Trúc ta về

Về Hà Nam đi dưới con đường rợp bóng của tre, trúc. Đó là lối dẫn tới Ngũ động thi sơn, đến đền Trúc nằm ở thôn Quyến Sơn, gần thị trấn Ba Sao. Nơi đây thờ danh tướng Lý Thường Kiệt.

Lối trúc, đền Trúc ta về

Ngôi đền cổ ẩn dưới tre, trúc, bên dòng sông Đáy chảy chậm, bên núi Cấm Sơn đá xám. Ngày Tết nơi này thường tưng bừng dưới trời là lễ hội. Khắp nẻo trúc, vọng lên tiếng hát dặm, hát bộ và hát đúm, mê hoặc lòng người. Từ đầu tháng Giêng các năm trước, người dân khắp muôn phương đổ về, rất nhiều bạn trẻ chọn núi Cấm có ngũ động, để đi xuyên núi xem các nhũ đá có đủ hình, như nồi cơm đang mở vung, nhũ đá hình con rùa, nhũ đá bầu sữa mẹ, đủ các hình khối trong trí tưởng tượng của mỗi người xem. Nghe dân địa phương kể, nếu dùng bộ gõ, nhũ đá có âm vang rung động trong núi. Nếu tối dùng đuốc soi, nhũ đá sáng rực lên vẻ đẹp kỳ ảo. Khi rời nhũ đá, ra khỏi động, có đường trèo lên núi Cấm rong chơi, nhìn xuống mặt nước sông Đáy, với những con thuyền gỗ mầu nâu sậm, trôi chậm, đẹp như tranh sơn thủy.

Mùa xuân đẹp nhất ở đền Trúc, nơi thu hút nhất trong dịp lễ hội vẫn là nghe hát đúm, hát bộ và hát dậm. Đặc biệt xem hát dậm, đám có tới 30 người, tuổi thanh tân, thôn nữ làng quê chỉ 13 đến 15 tuổi mới được chọn hát. Những người đứng tuổi, nhà có áo xám không được tham gia. Các “con dậm” này mới xinh đẹp làm sao! Chúng diện áo mớ ba, yếm thắm là vải nhiễu đỏ ớt mặc trong cùng. Mặc phía ngoài lượt yếm nhiễu đỏ ấy là áo the đen, the xanh. “Con dậm” diện yếm thắm đi với váy lĩnh đen, khăn đỏ ớt, múi giày tiên, đính ngọc đá. Khi hát dậm, người nghe chú ý nghe, có tới 30 tiết mục khác nhau, với hơn một nghìn câu thơ gắn bó với đời sống người dân lao động. Khi hát còn có múa, điệu múa dưới chân động tác như chèo thuyền, có điệu hát ngợi ca tướng lĩnh của thái úy Lý Thường Kiệt xưa kia, từng dẹp giặc để yên nước yên dân; có điệu hát ngợi ca danh tướng từng giúp dân trồng dâu nuôi tằm, dạy bà con vùng Quyến Sơn dệt vải, nuôi tằm.

Các bè hát dậm cứ lan tỏa khắp lối trúc, đều nói lên sự biết ơn của người đi sau nhớ về các bậc tiền nhân. Người dân thôn dã còn kể rằng sau lễ hội, trai đẹp gái xinh còn kéo nhau lên núi Cấm để hát đúm, hát dậm tỏ tình với nhau, chúng cũng hát đối, hát bộ, điệu hát được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Các cụ trong làng thì thích đọc những bài thơ được ghi bằng chữ Nôm. Có nhóm người chỉ chăm chút cây cảnh trong đền, người trồng bưởi tiên (đào tiên) ven ngôi đền Trúc, còn giữ nguyên bóng dáng đền làng của miền quê Bắc Bộ.

Người làng Quyến Sơn, luôn gắng gìn giữ, bảo tồn vẻ đẹp của thôn quê Việt. Chẳng thế trong đền Trúc, nếu ngước nhìn trên các đấu, các trụ đỡ, đều có hình lá sen lật, những cụm mây tỏa tạo thành khung đỡ cân đối, mang rõ nét của kiến trúc xưa. Đi ra cổng, ở chốn nào cũng chạm mắt những rặng tre, trúc. Khi rời xa thị trấn Ba Sao, rời xa đền Trúc, người đi còn vương vấn lời hát đúm, hát dậm, còn vương vấn miền quê thiên nhiên tươi đẹp, nơi có hồ, có núi, có sông với nhiều nét u ẩn của cây tre, cây trúc đã nghìn đời in dấu trong trái tim người Việt.