Khói về trời

Biển chiều nay thăm thẳm như một nỗi nhớ nhà. Ông buồn nhìn con thuyền gối đầu bên mép sóng. Những cánh hải âu thiên di trên bầu trời mênh mang, rồi mất hút vào mây bạc. Ông tha thẩn nhìn ngôi nhà thờ hoang phế đổ bóng xuống chiều, vài chiếc nhạn lẻ bầy đậu trên tháp chuông, quà trong gió bấc. Biển hoang vắng khiến ông tư lự cắm giá vẽ xuống dưới cội phi lao già đang vi vu bản nhạc buồn của biển.

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Nghĩ tới nàng tim ông thường cồn lên sự khắc khoải, da diết rồi lại đằm xuống trong yêu thương. Những khoảnh khắc đó chợt xuất hiện rồi lại vụt mất đi và ngập trong tim ông sự hoang hoải gần như tuyệt vọng. Khuôn mặt đẹp như thánh nữ ấy luôn làm ông nhớ lại những khoảng rừng mù mịt khói bom, và những cánh cò trắng thảng thốt bay lên trong khói lửa. Ông nhớ cồn cào khuôn mặt của người nữ thanh niên xung phong trên cung đường Trường Sơn. Nhớ bức hình cô đặt vào tay ông với lời nhắn gửi “xin anh hãy đem tấm ảnh của em trao tận tay anh ấy nhé! Nói với anh ấy rằng, nếu còn sống anh ấy hãy đi tìm em”.

Người lính ấy là bạn thân cùng tiểu đội huấn luyện với ông trước khi vào chiến trường. Ông đem theo tấm hình đó như một di nguyện, đi đâu ông cũng mải miết tìm, lòng trĩu nặng ưu tư nếu chưa tìm ra người để trao tấm hình ấy. Linh tính như mách bảo ông ngước lên bờ đê nhìn những vệt khói đồng mờ mịt trắng. Lũ trẻ con xứ đạo đang hối hả chân sáo trên bờ đê, đạp lên đám cỏ may nhanh chóng về nhà mong kịp giờ vào nhà nguyện. Ông cầm giá vẽ rời hàng phi lao và bãi cát theo lũ trẻ đi sâu vào xóm đạo.

Lũ trẻ con trong lớp học khép cửa lại mà khói cứ ùa vào cay sè mắt. Nhìn mắt chúng đỏ hoe như đang khóc. Chị đuổi theo cơn khói mà lòng chộn rộn... nhớ thương bỗng cứ ùa về. Đâu rồi con bé trán cao bướng bỉnh, tóc đuôi chuột lòa xòa trong gió, đuổi theo từng cụm khói trên đồng, má ửng hồng hanh hao trong gió? Từng vạt cải ngồng dọc triền sông khiến bé con ngẩn ngơ... Có nhớ không quê mình đang rực vàng hoa cải? Con bé bỏ quê lên phố học lâu lắm rồi không trở về bến sông quê.

Mùa này mất mùa, thóc quê mình ít lắm, gió mưa làm lép hạt lúa đang phơi màu. Vết chân chim trên khóe mắt chị càng hằn sâu hơn. Một thoáng lo âu... Người đàn bà gieo khói chiều nay lúi húi mênh mông gió. Những cánh cò mang nắng chiều sang sông, giờ tha thẩn trên đồng bỗng giật mình vì lửa reo. Cò thảng thốt vút cánh bay lên giữa mênh mông khói. Từng vết đen của rạ loang dài trên đất. Người đàn bà chiều nay lúi cúi lật từng đùm rạ phơi bới tìm những bông thóc còn sót lại. Mảnh ruộng bên cạnh đang rừng rực cháy. Những đụn khói loang xa trắng mờ trong gió đồng. Có những lúc gió thổi mạnh, lửa cháy giật giật vàng và đỏ rực tạo thành những đám cháy lớn, người đàn bà ấy ôm ngực ho sù sụ, người gập lại như con tôm trong cơn ho rút ruột rút hồn. Ngước đôi mắt thất thần, bà bỏ vội rổ thóc mót lưng lửng xuống ruộng rồi hét lên: “Cháy! Cháy hầm rồi! Bom nổ... nổ rồi các em ơi! Tránh đi...”. Tiếng hét lạc giọng trong gió chiều ném vào thinh không rờn rờn. Bà đi giữa đồng không mà kêu lên thảng thốt.

Cả một cánh rừng xanh biếc hiện ra. Những cô thanh niên xung phong với tiếng cười trong vắt bên bờ suối đang xõa tóc gội đầu. Con gái mười tám xinh như mộng, trong như nắng mai đùa nghịch giữa rừng già. Ngày mai hết chiến tranh họ sẽ trở về quê với mẹ. Gục đầu vào lòng mẹ, để được gội đầu hương bồ kết. Cái người hàng xóm thường chìa nắm lá chanh qua hàng rào nhà bên rồi vội vã đỏ mặt quay đi không biết có còn đợi mình không? Có chút gì tự nhiên ùa vào tim gái mười tám thương đến thắt lòng. Thắm hiền như đất, trắng như bột nghe các bạn kháo chuyện tình yêu chỉ cười cười. Cô ngây ngô thơ dại khiến cái Lụa láu lỉnh nhất đám thường mắng và gọi bạn là Thắm ngố. Chỉ có cô là nhiều đêm ôm bạn trong lán thì lại thở dài. Bao giờ cho hết chiến tranh, bao giờ cho hết khói lửa để cô được trở lại giảng đường nơi cô hằng mơ ước.

Đã hơn mười ngày mưa tầm tã, gạo không còn một hạt, chỉ có măng rừng thay cơm. Thắm ốm lả đi trong cơn sốt, nước da trắng mịn như bột giờ tái xanh vàng vọt khiến đám bạn xót lòng. Không chịu được nữa cô đội mưa băng rừng về binh trạm để gùi gạo. Mưa rừng dai dẳng, đường trơn như mỡ, cô lò dò rét run, mong lấy được gạo để trở về cho sớm. Nhưng hạt gạo gùi trên lưng cô đã không kịp tới, khi cô về tới nơi chỉ còn lại những đụn khói xám đang bốc lên nghi ngút và những cô gái mười tám trẻ như lan rừng đã tắt tiếng cười trong mộ khói…

Người hái chanh cho cô bên hàng rào cũng vào bộ đội. Trên bước đường binh lửa cô đã gặp anh. Và đứa con của họ ra đời trên vạt rừng khói lửa. Ngày cô bế con về nhà và chưa kịp mặc áo cô dâu thì bắt gặp ánh nhìn của anh xa vắng trong khói hương trên bàn thờ. Anh chưa kịp biết tin mình có con thì đã chìm dần vào hương khói.

Lặn lội lẻ loi trong côi cút góa bụa, người con gái đẹp nhất lán thanh niên xung phong ngày xưa giờ biến thành người đàn bà bỏ chạy trước đám khói chiều nay.

Tiếng sáo diều vi vút trong không trung đẫm gió bấc vút cao. Cánh diều đỏ thắm trong gió bấc tựa cánh buồm đỏ thắm trôi trên bầu trời xám đục. Đẹp nhưng sao vẫn bi hoan. Khói bay lên trời! Khói vướng vít ấm nồng gốc rạ! Khói thổn thức cay xè mắt chiều đông. Làm sao có thể đi hết những đụn khói trong chiều. Xòe bàn tay, hãy vụm một vụm khói để cay mắt đắng.

Lớp học chiều nay chợt thoáng mùi ngô nướng, khoai nướng... Đứa bé ngồi bên cửa sổ mắt mơ màng nhìn từng cụm khói bay lên. Chợt thấy bà ngoại chạy về trong thảng thốt, run rẩy ngồi bệt xuống bậc cửa. Nó sợ cứ sau mỗi mùa gặt là những đụn khói bay lên thì bà nó lại rơi vào cơn hoảng loạn.

Khói lam chiều vấn vương trên mái rạ, khói ấm nồng khi đông về. Khói bảng lảng sương sớm ban mai, khói làm cơm thơm dẻo trong trưa lạnh. Từng đụn khói bay lên trời mang theo nụ cười ngây dại của bà ngoại. Nó sợ cái ánh nhìn thất thần của người già nhìn những đụn khói bay cao rừng rực lửa.Và khi ấy nó mong những cơn mưa mùa đông làm cho mặt đất mềm đi, khói rạ loãng dần tắt lịm. Bà ngoại nó sẽ bình yên trở lại, ánh nhìn hiền từ trong vắt như chưa bao giờ đi qua khói lửa chiến tranh khốc liệt mất mát đau thương. Khói ơi! Xin hãy về trời...

Đẩy cánh cổng tre, ông theo con bé bước vào sân gạch, ánh nhìn ngơ ngác trước người đàn ông mặc quân phục đã ngả mầu buông thõng một cánh tay. Nó trân trối nhìn ông khi thấy chiếc giá vẽ đổ kềnh bên thềm nhà. Nó hốt hoảng gọi mẹ:

- Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi nhà có khách.

Giọng non nớt của bé cất lên thất thanh loang trong khói chiều, khiến chị hốt hoảng chạy từ vườn sau về nhà buông rơi rổ rau xuống nền gạch;

- Cháu xin lỗi bác là...

Người đàn ông nhoẻn cười thật hiền:

- Tôi là họa sĩ lỡ đường qua đây, theo cô bé này vào nhà xin hớp nước.

Chị bối rối nhìn khách:

- Dạ mời bác ngồi, con lấy nước mời ông đi con.

Con bé lúc này đã hồn nhiên trở lại, đôi mắt to tròn ngước nhìn khách tin cậy, ánh mắt khiến ông thảng thốt ngước lên. Trên bàn thờ di ảnh của một người lính khiến ông bàng hoàng:

- Xin lỗi bức ảnh đây là...

Chị ngập ngừng:

- Dạ đây là cha cháu, ông hy sinh lâu rồi bác ạ!

- Thế còn mẹ cháu, giờ thế nào?

- Mẹ cháu từ chiến trường ra mang theo cháu, từ đó tới nay, mẹ cháu bị chấn thương nên tâm lý luôn bất ổn bác ạ! Có bận các cô chú về đưa mẹ cháu lên trại điều dưỡng thương binh, được một thời gian mẹ cháu lại bỏ về vì thương con gái và cháu ngoại.

Ông ngước nhìn tấm ảnh trên bàn thờ mà nước mắt lã chã rơi, cánh tay còn lại rút mấy que nhang và lóng ngóng châm lửa cắm lên bát nhang.

- Đại ơi! Mình đi tìm cậu bao nhiêu năm nay mà không gặp không ngờ trời đất run rủi lại cho mình tới được nơi đây và gặp nhau trong hoàn cảnh này.

Đứa trẻ ngước nhìn ông không chớp, chị nhìn ông mà giàn giụa nước mắt. Ông lóng ngóng cánh tay còn lại, móc từ ví ra tấm ảnh bọc nylon đã úa mờ theo năm tháng, nhưng nét đẹp của người thanh nữ trong bức hình như vẫn còn nguyên:

- Và đây có phải là mẹ cháu không?

Chị cập rập vội vàng trong tiếng khóc nhìn bức ảnh nấc lên:

- Vâng! Đây là mẹ cháu ngày xưa.

Bên giậu cúc tần trước hiên nhà, người đàn bà gầy yếu gục xuống, tiếng nức nở loang trong bóng chiều. Họa sĩ đắng lòng nhận ra người nữ thanh niên xung phong năm xưa giờ đang nghẹn ngào trong nước mắt. Cánh tay còn lại của ông buông thõng xuống, lòng trùng lại bao tê tái. Ngước nhìn lên tấm ảnh đồng đội trên bàn thờ ông biết mình từ nay sẽ không bỏ nơi này mà ra đi được nữa.