Hương vối khô

Ông Dĩ mải miết đánh chìa khóa xe máy cho khách nên không để ý có một người thanh niên mặc bộ quân phục đã sờn, đầu đội mũ cối, tay ôm miếng ga cũ nát đến đứng trước mặt khá lâu. Sau ngẩng lên, thấy khách, ông vồn vã: “Thanh niên mua hàng hay đánh chìa khóa đấy?”. “Cháu muốn bán”.

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Hàng được rút ra từ trong miếng ga cũ. Người thanh niên đòi giá. Cầm lại mớ gang thép trong tay để thẩm định cho chắc chắn, ông Dĩ gật đầu rút tiền đưa. “Gửi lại bác năm chục! Bác đánh cho cháu một chiếc chìa khóa!”. “Một chiếc chìa khóa tớ đánh có tám nghìn thôi”. “Nhưng đây là công cho sự lành nghề”. Cậu thanh niên ấn túi nylon mầu đen vào tay ông Dĩ, bảo chiếc chìa khóa đây, bác cứ đánh cho cẩn thận, phiên sau cháu tới lấy, rồi nhảy ra xe máy, nhấn ga đi thẳng.

Mấy bà đến hỏi lấy liềm chuẩn bị cho vụ gặt, ông Dĩ cất vội túi nylon vào hộp đồ đựng khóa hỏng, rồi quay sang tìm liềm trả khách. Một người đàn bà đi đến bảo lấy liềm có tên Vải. Cầm cái liềm vừa được rẽ, chị ta không ngờ liềm lại sắc đến thế. “Nhà em có cái khóa bị mất chìa không thể mở được nhờ bác đến chữa giúp?”. “Sao chị không mang tới đây?”. “Chết nỗi, nhưng vẫn khóa ở cửa buồng, chúng em đàn bà chẳng biết lấy ra làm sao”.

Vãn chợ, ông Dĩ đạp xe theo sau người đàn bà, qua ba quãng đồng, bốn ngôi làng, thì tới. Nhà ngói bốn gian đã cũ, nằm giữa vườn cây ăn trái xanh cổ kính, bên trái nhà có cây vối xanh om ngả bóng xuống mặt ao, mùi thơm hăng hắc. Người đàn bà rót nước vối vào bát. Cái giống vối này khi đã phơi khô thì hương thơm dìu dịu, mầu nước phớt xanh sóng sánh, nhìn đến mê hồn. Hồi ông Dĩ còn làm ở nông trường Thanh Xuân, có quen một cô cũng tên là Vối. Mỗi khi đến phòng tập thể của cô Vối chơi, bao giờ cũng được uống nước vối xanh ngát thế này. Mùi nước vối thuần khiết, dung dị mà nôn nao tỏa khắp căn phòng. Sau này, biết ông thích uống nước vối, mỗi khi về quê, vợ ông hay xin lá vối khô của bà ngoại về đun nước cho chồng.

“Cây vối nhà em đấy, chỉ để lấy lá, lấy nụ xuống phơi pha nước uống và cho mỗi nhà một ít. Trong buồng giờ chất cả mấy bao vối khô”. Như để nối tiếp chuyện vối với chuyện chữa khóa có liên quan tới nhau, bà ta chỉ tay vào cửa buồng: “Em là Vải. Nhà em sắp làm đám cưới cho thằng con trai, muốn lấy một ít về để đun nước uống mà cửa buồng thì không mở được”. Vừa nói xong thì từ trong buồng có tiếng đập đập giường chiếu và tiếng rên rỉ ấm ứ vọng ra. Người đàn bà vội vàng chạy lại nhòm vào cái lỗ nhỏ như bàn tay, nói vọng vào vài câu gì đó, rồi quay lại bàn, đôi mắt đã đỏ hoe. “Em nhờ bác chuyện này thì cũng chẳng giấu bác làm gì. Chị em năm trước huyết áp cao, đột quỵ, đã bị liệt nửa người. Tháng trước, chị em vì nhớ cây vối quá, ước chừng đến ngày hái lá, chị đã cố lết ra đầu nhà để ngắm cây vối, nhưng chẳng may bị ngã thành ra bệnh càng nặng, còn không cả nói được. Thằng con trai duy nhất, tức giận đã nhốt mẹ nó vào buồng, cấm không cho mẹ bò ra ngoài nữa. Cạnh giường mẹ, nó xây luôn cái bệ vệ sinh, khi nào đi thì tự lết ra. Còn nó, nó đi suốt ngày đêm. Mỗi khi rảnh rỗi vào thăm chị, muốn nói chuyện hay cho đồ ăn thì chỉ với qua ô nhỏ này. Bảo nó đưa chìa khóa cho dì để thỉnh thoảng dì lại thì nó nói hỗn. Nó cấm em qua lại nhiều, cấm em lấy lá vối”.

Ông Dĩ tháo đồ nghề xuống, lấy chùm chìa khóa thử mở. Sau khi lách mấy loại chìa vào ổ khóa để ước chừng các góc cạnh khóa, với tay nghề của mình chỉ chừng mười lăm phút, khi giũa xong lần cuối các răng cưa, ông cắm chìa vào ổ, khóa đã bật tách ra. Cánh cửa buồng kèn kẹt mở, mùi vối khô phả ra vào mặt bác, nồng nàn, ngan ngát. Mắt ông đập vào cả một góc buồng chất chồng những bao lá vối, nụ vối, có mấy bao nylon đã bị bục, những lọn vối khô xoăn lại, trắng ngà như những chiếc kèn sâu, chen chúc, tràn cả trên nóc hòm, rơi xuống nền nhà. Người đàn bà chạy vào phía trước của căn buồng chỗ giường chị nằm, ôm lấy chị, khóc rấm rức, đoạn, rồi đỡ chị ngồi dậy, lấy cái cái bánh giậm vẫn giữ trong rổ bóc đưa cho chị, giục: “Chị Vối ăn bánh giậm đi!”.

Ông Dĩ giật thót người, quên cả ngại ngùng, đi vội vào phía sau tấm màn gió. Khi vừa nhìn thấy người bệnh, bác đã nhận ra ngay đúng là cô Vối ngày xưa ở Thanh Xuân. Ông gọi, giọng nghẹn ngào: “Vối! Vối nông trường Thanh Xuân đấy phải không? Anh là Dĩ đây!”. Người đàn bà trên giường không thể nói được, chỉ ú ớ trong nước mắt. Người em nén khóc: “Bác làm cùng chị Vối em lúc ở nông trường Thanh Xuân à? Bác có biết ai là Chè không? Anh ta làm cho chị Vối có chửa rồi bỏ đi mất hút, mình chị em nuôi con nên giờ thằng Đồi mới đổ đốn ra thế này!”.

Ông Dĩ nắm cánh tay đã liệt của người cũ, cánh tay này ngày xưa thoăn thoắt hái chè đã từng giành giải nhất toàn nông trường giờ chỉ còn xương, da. Ngày xưa, ông đã dắt bàn tay này lên đồi ngắm hoàng hôn, cánh tay đầy hương chè đã ấp lên ngực ông nóng bỏng, rồi tình yêu đã cuốn hai người đi…

Bố Dĩ điện sẽ lên nông trường, Dĩ mừng lắm định sẽ giới thiệu Vối với bố, nhưng đúng hôm bố Dĩ đến, thì công đoàn nông trường gọi Vối đi thi nữ công đoàn giỏi bên tỉnh bạn, còn Dĩ thì bị bố triệu về đi bộ đội. Dĩ đã gửi thư cho Vối rất nhiều nhưng không thấy Vối hồi âm. Thế là mất liên lạc từ ấy. “Sau khi đi nhập ngũ tôi đã gửi thư nhiều cho Vối…”. “Chị em sau lần đi thi lại giành giải nhất nên đã được chuyển công tác luôn”. Nước mắt cô Vối năm xưa rơi lã chã.

Trong góc buồng, bà Vải vào chỗ mấy bao vối khô lần giở, chợt bà kêu thét lên, có cái gì rất nặng đã rơi vào chân khi lấy bao lá vối ra. Ông Dĩ chạy lại, một bọc nylon đựng dây điện được giấu trong bao lá vối. Bà Vải nghi ngờ bèn mở tiếp một bao nữa, cũng lôi ra một túi những thiết bị điện. Lại còn có cả một bọc giấy báo nhỏ như quyển lịch, ông Dĩ giở ra, thấy có những gói nhỏ chứa chất mầu trắng, đưa lên mũi ngửi bác buột miệng “Hê-rô-in rồi!”. Thấy bà Vải định kêu to, ông Dĩ ra hiệu im lặng đừng để cho chị Vối biết, ít nhất là trong lúc này.

Ra đến nhà ngoài, nhìn khung ảnh treo tường, những bức ảnh của thằng Đồi, từ khi nó còn biết bò, đi học, thiếu niên, và một tấm ảnh chân dung khi nó trưởng thành. Ông dán mắt vào tấm ảnh mới nhất, lắp bắp hỏi cô Vải: “Thằng Đồi đây ư cô?”. “Vâng, nó đấy!”. Ông Dĩ đứng lặng trước khung ảnh, mắt trân trân nhìn tấm chân dung y hệt… thằng con trai mình, mắt nó giống thằng Nhớn quá. Khi đưa ông Dĩ ra tới cổng, bà Vải mấy lần định hỏi nhưng lại chần chừ, ông Dĩ chủ động bảo, tôi sẽ phải có trách nhiệm với thằng Đồi, với cô Vối.

Trưa hôm ấy về, ông ngồi trầm ngâm bên lò bễ đã nguội ngắt đốt thuốc. Con Út gọi vào ăn cơm thì bác bảo cứ ăn trước đi bố đang bận rèn mấy con dao, chiều khách lấy. Đến tối thằng Nhớn mới về, ngồi ăn, con Út kể tội bố trưa nay bỏ ăn, thằng Nhớn bảo, bố phải ăn khỏe vào không lại ốm, mẹ về quê sắp ra rồi đấy, lại có cả lá vối cho bố nữa. Ông Dĩ cứ ngồi thừ ra nghe. Ăn xong, nó lấy xe máy đi luôn, chỉ dặn lại cơ quan nhiều việc, phải chiều mai con mới về được, bố nhớ đừng thức khuya. Nhưng ông Dĩ không tài nào chợp mắt được, cho tới sáng. Trước khi sắp hàng ra chợ, ông gọi điện cho thằng Nhớn nói chuyện…

Chừng tám giờ sáng, cậu thanh niên tới hàng, bảo cho cháu lấy chìa khóa hôm trước đánh. Ông Dĩ ngước lên, nhìn cậu ta hồi lâu, đoạn thủng thẳng: “Cậu có đưa cho tôi chìa khóa gốc đâu mà tôi đánh được?”. “Ô hay, chìa khóa tôi in trên bánh xà-phòng gói túi nylon đen, ông cứ đó mà phang, vậy tôi mới trả giá năm chục chứ?”. “Nhưng tôi không làm chuyện này bao giờ”. “Chuyện đánh chìa khóa in trên miếng xà-phòng á?”. “Đó là tiếp tay cho tội phạm”. “Bố già này đa nghi quá, mẹ tôi bệnh nặng bị bố tôi khóa trái cửa nhốt lại, tôi muốn cứu mẹ ra ngoài nên đã trộm chiếc chìa khóa của ông ấy đấy”.

Ông Dĩ nhìn thẳng vào đôi mắt đỏ sọng của tay thanh niên, nhấn giọng: “Không phải mẹ cậu bị chính cậu nhốt lại sao? Và đây là một chiếc chìa khóa của một kho hàng trong công ty mà cậu muốn cuỗm hàng về giấu trong những bao lá vối khô?”. Đồi - tay thanh niên giơ nắm đấm lao vào bác Dĩ, bị bất ngờ ông Dĩ không tránh kịp. Máu từ mũi rỉ ra. Chợt một cánh tay từ sau hàng quần áo bẻ quặt tay Đồi, chỉ trong chớp mắt, hai tay Đồi đã bị khóa vào còng số tám. Trước khi dẫn Đồi về khám nhà, người công an còn quay lại hỏi bác Dĩ: “Bố có đau lắm không?”. Ông Dĩ lau mấy giọt máu đang rỉ ra từ mũi, nét mặt khắc khổ, trông bác già nua đi chục tuổi. “Bố không sao! Để bố đi cùng về nhà cô Vối!”. “Chúng con sẽ dẫn Đồi về khám nhà là được. Bố cứ ở lại đây. Mẹ con gọi điện bảo vừa xuống xe. Mẹ sẽ vào chợ ngay đấy!”.

Ông Dĩ đứng như tượng nhìn thằng Đồi bị dẫn đi giữa chợ, hai bên người đứng lại xem, có những tiếng chì trích vang lên “con cái nhà mất dạy”, “vô phúc cho bố mẹ có đứa con như nó”, lòng ông nhói đau.

Một bàn tay vỗ nhẹ vào vai, ông giật mình quay lại, vợ ông đã đứng cạnh bác từ bao giờ, cái làn nặng trĩu trong tay, đâu đây thoảng bay lên mùi hương vối khô dìu dịu.