Hừng sáng

Khuôn mặt Siu Phi đỏ phừng như một đống lửa mà Lành vẫn thường thấy người ta đốt nương, nó nhìn Lành đầy tức giận rồi vụt chạy đi. Cái dáng nhỏ nhắn của một cô bé học sinh lớp 8 in vào mắt cô dù Siu Phi đã chạy rất xa, Lành lưỡng lự một lúc rồi chạy theo nhưng không kịp nữa, cô bắt đầu thấy ngực mình đau và khó thở, bệnh tim của cô lại tái phát chăng. Không, lúc này không thể để bệnh của mình trỗi lên được, Lành lục trong túi xách lấy thuốc uống gấp, khi cơn đau dịu được một ít, cô đạp xe khắp làng tìm Siu Phi, gặp ai Lành cũng hỏi nhưng đều nhận được những cái lắc đầu, cô bé đã như một cơn gió lẫn vào không gian rộng lớn.

Minh họa: MINH ANH
Minh họa: MINH ANH

Ngôi trường nơi Lành về nhận công tác cách thành phố nơi cô ở gần nửa ngày ngồi trên ô-tô ê ẩm, phải đón thêm một chặng xe quá giang nữa mới đến được, lọt thỏm giữa đại ngàn mênh mông, mùa mưa đường đất trơn như đổ mỡ, mùa nắng bụi bay mịt mù bám lên từng cành cây ngọn cỏ ven đường, bám lên những chiếc áo trắng của học sinh. Đến hôm thứ hai áo đã chuyển thành mầu ngà rồi sang hôm thứ ba, thứ tư là ố mầu đất đỏ. Lúc mới về nhận công tác Lành gần như muốn bỏ việc, nhưng Lành nghĩ, mẹ đã mất sớm, bỏ việc thì tiền đâu lo cho ba và các em ăn học. Hôm nhóm bạn cùng lớp lên chơi, nhìn thấy cảnh trường, lớp, học sinh mà thở dài ngao ngán. Cái Minh vừa bỏ vài hạt ngô rang vào miệng vừa nói:

- Vậy mày tính ở đây thật hả, rồi mày có lấy được chồng không? Nếu lấy được thì sau này con mày tính sao? Mày tính để cuộc đời bọn nó bị chôn vùi ở đây theo mày à?

- Theo tao thì mày dạy đây ít năm, rồi vay mượn kiếm tiền chạy ra trung tâm huyện hay về phố chứ kiểu này không được đâu. Cái An tiếp lời rồi cái Hồng, cái Lam nhao nhao theo làm ruột gan Lành nôn nao khổ sở.

Những ngày mới đến đây, đêm nào Lành cũng khóc, số Lành khổ, nên đã cố gắng học cho thoát khổ rồi mà vẫn phải vào nơi thâm sơn cùng cốc này công tác. Học sinh ở làng không như học sinh ở phố lúc Lành đi thực tập, chúng gầy gò xanh xao, lem luốc và học chậm. Mang tiếng học cấp hai nhưng chúng ít khi đến lớp, cứ cuối tuần Lành lại cùng đồng nghiệp vào từng nhà năn nỉ, phân tích hết lời để vận động chúng quay lại lớp. Bọn trẻ đi học được vài hôm, sau đó đâu vào đấy, có phụ huynh thấy thầy cô đến nhà vội vàng đóng cửa lại như sợ phải tiếp chuyện. Với họ, con họ còn phải đi chăn bò, đi hái cà-phê, đi làm cỏ… để phụ việc nhà, thà đi làm có cái bỏ bụng còn hơn việc đi học cho có cái chữ vào đầu. Khi đến vận động các em đi học Lành thấy thương lắm, hoàn cảnh các em đều nghèo khó, khiến cô chạnh lòng nhớ về khoảng thời thơ bé của mình. Lúc mẹ mất, cô mới vừa bảy tuổi nhưng đã biết thay ba chăm hai đứa em để ba đi làm. Sáng Lành dậy sớm, vừa nấu cơm vừa học bài, bài vừa thuộc thì cơm vừa chín, ăn xong ba chở các em đem gửi nhà hàng xóm rồi đi làm. Lành đi học đến trưa về đón các em, cho em ăn rồi lo mọi việc trong nhà. Cuộc sống cứ thế lần hồi trôi qua, mùa nắng thì đỡ còn mùa mưa cực chưa từng thấy, mấy cha con nhếch nhác tìm chỗ trú mưa trong chính ngôi nhà của mình, ba thì chằng bên này, cột bên nọ để che chắn nước mưa đang hắt vào ba đứa con, lúc ấy nhìn khuôn mặt ba khắc khổ vô cùng. Ba mới bốn mươi mà những nếp nhăn cứ xô vào nhau còn ánh mắt đầy lo âu, nhưng lâu lâu ba lại quay sang cười với mấy chị em, cái nụ cười mà chạm vào Lành chỉ muốn khóc nhưng sợ ba buồn nên ngoảnh mặt đi.

Ba tuy ít nói nhưng những gì ba làm đủ để chị em Lành hiểu và cố gắng không để ba thất vọng, cũng như không để mình phải vất vả về sau. Để giờ đây, đối diện với đám học trò nghèo, trái tim Lành thổn thức trào dâng, cô muốn các em đến trường đi học để có kiến thức và thoát ra khỏi lối mòn chật hẹp trong suy nghĩ vẫn thường đeo bám trong tiềm thức. Lành muốn các em đến trường như một niềm vui mà không phải là sự gò bó hay ép buộc, cô thường bày ra những trò chơi trong giờ học để giúp các em nhớ bài và tiết học không còn nặng nề. Cuối tuần khi sinh hoạt lớp, cô còn trích số tiền lương ít ỏi của mình mua mũ, kẹp, vở, dây nịt… để thưởng cho những em đi học chuyên cần và có cố gắng. Lớp Lành chủ nhiệm thường sĩ số bảo đảm hơn những lớp khác nên nhà trường luôn tin tưởng giao cho cô những việc liên quan đến vận động học sinh ra lớp, dù khó khăn mệt mỏi nhưng nghĩ đến tương lai các em, Lành luôn cố gắng hết sức.

Cô luôn tìm cách gần gũi với học sinh và học sinh cũng quý cô, trong lớp Siu Phi là đứa học trò Lành quý nhất, em không những thông minh mà còn xinh đẹp, nhất là đôi mắt sáng trong veo như nắng sớm, tiếng cười của em giòn vang như tiếng chiêng mùa hội. Siu Phi rất quý Lành nên thường đi học đều đặn và đúng giờ, nhóm bạn em cũng bắt chước theo nên cô rất vui. Những ngày đầu năm học, Siu Phi cùng các bạn đến nhà rủ cô đi bẻ măng, bắt cua. Lành là người vất vả từ bé nhưng nhà ở thành phố nên những việc này cô chưa làm bao giờ, tuy vậy cô vẫn vui vẻ theo chân chúng lục sạo hết trên rừng lại lội xuống ruộng, cô trò í ới gọi nhau. Hôm nào bắt được nhiều cua, hái được nhiều măng, các em đưa cho mẹ đem bán, hôm nào ít thì để dành ăn. Lâu lâu Lành trổ tài làm món bún cua đãi các em một bữa ra trò. Cô trò thân thiết như một gia đình, Lành yêu những đứa học trò đen nhẻm và yêu luôn mảnh đất nơi đây lúc nào không biết.

Chuyện gì rồi cũng sẽ giải quyết được, các em yên tâm. Lành nói vậy với học sinh của mình. Nhưng có một điều Lành không thể nào giải quyết được, cô đã tâm sự với ban giám hiệu nhờ giúp đỡ nhưng vô vọng. Gia đình Siu Phi đã quyết, phép vua thua lệ làng, muôn đời vẫn vậy. Mọi thứ đã được người lớn quyết định, không ai có thể xen vào. Bố mẹ Siu Phi không muốn mình làm phật lòng gia đình Rơ Mah Nham giàu có nhất làng, họ đã sang đánh tiếng và vì muốn gia đình nhà Siu Phi đồng ý sớm nên đã đem sang biếu một con bò, điều mà từ trước đến giờ trong làng này chưa có. Gia đình Siu Phi nghèo nên vừa ngỡ ngàng, vừa lúng túng.

Con trai nhà Rơ Mah Nhâm một mắt bị chột nhưng rất giỏi giang, hiền lành, nhà lại giàu có, cả làng ai cũng muốn bắt nó về làm rể nên nhà Siu Phi như bắt được vàng. Con trai Rơ Mah Nhâm từ lâu đã thích Siu Phi, thích từ khi em mới mười tuổi, giờ đã mười bốn tuổi rồi, giờ Siu Phi đẹp lung linh như đóa cúc quỳ đang thì hé nụ. Người nó rạo rực rồi, không thể đợi lâu hơn được nữa, bao nhiêu năm nay các cô gái trong làng gửi tín vật cầu hôn nhưng nó không nhận, chỉ đợi Siu Phi lớn thôi.

Siu Phi không muốn lấy chồng, nó muốn đi học và làm cô giáo. Siu Phi nức nở khi tìm đến Lành trong một đêm trời tối đầy mưa gió, người ướt sũng, toàn thân rệu rã như chẳng còn sức sống. Lành vội vàng nhóm lửa sưởi ấm và giúp em bình tâm. Lúc gần sáng, cô trò vừa chợp mắt thì bố mẹ Siu Phi đưa theo rất nhiều người làng đến đập cửa đòi người làm cả khu tập thể giáo viên và những nhà lân cận một phen hú vía.

Siu Phi theo bố mẹ về mà đầu em cứ ngoái lại nhìn Lành cùng ánh mắt như van nài, như cầu xin. Cô trò đã thân nhau từ khi Siu Phi bước vào lớp 6, đã hơn hai năm gần gũi làm sao cô không hiểu em. Lòng cô đau như cắt, ban giám hiệu cũng biết việc này nên vào nhà vận động, phân tích với bố mẹ Siu Phi nhưng mọi lời nói của ban giám hiệu tựa như gió thoảng.

- Ở làng này ai cũng vậy, đến tuổi là lấy chồng thôi, chữ bỏ bụng không có no được đâu. Bố Siu Phi nói vậy và xua Lành cùng ban giám hiệu ra khỏi nhà rồi đóng cửa sập lại.

Ánh mắt Siu Phi ám ảnh Lành, cả tuần nay em không đến lớp. Chiều nào Lành cũng đạp xe vào làng tìm nhưng không thấy Siu Phi đâu. Bố mẹ Siu Phi nhìn thấy cô thì xua đi và đóng cửa lại. Lành phải làm sao? Lòng cô như lửa đốt, hỏi lân la hàng xóm thì chỉ nhận được những cái lắc đầu và sự im lặng, nhìn thái độ của họ Lành có cảm giác như họ đang sợ sệt điều gì. Đêm hôm ấy Lành vừa đóng cửa thì có tiếng gõ rất gấp, đứa bạn thân của Siu Phi hớt hải cho Lành biết là Siu Phi đang bị cột ở trong nhà vì sợ em lại bỏ trốn.

Từ khi nghe tin người Lành mệt rã rời, cô phải làm gì để cứu đứa học trò nhỏ đáng thương của mình đây? Siu Phi còn quá nhỏ làm sao có thể làm vợ, làm mẹ được đây? Bầu trời phía trước của em còn quá rộng, ước mơ của em là vượt ra khỏi ngôi nhà chật hẹp, vượt ra khỏi ngôi làng nhỏ bé dù ước mơ đó không có gì xa vời nhưng không lẽ cả đời em không thể nào thực hiện được? Lành giật mình vì giấc mơ lúc gần sáng, cô vội vàng nhắn tin cho thầy hiệu trưởng xin thầy sắp xếp cho nghỉ dạy một hôm và lôi cái xe đạp ra vội vã khoác áo mưa vào đạp xe lên Ủy ban nhân dân xã. Hôm nay cô sẽ tìm gặp Chủ tịch xã và tổ chức Hội Phụ nữ nhờ can thiệp.

Con đường vào mùa mưa tuy khó đi nhưng Lành đạp băng băng, có lẽ cô vui vì biết mình đã sắp tìm được những vị cứu tinh. Đi được một lúc cô thấy người mình nóng lên, Lành dừng lại cởi áo mưa ra. Những giọt mưa cuối cùng của mùa đã tạnh.