Gió thổi từ đồng

Vậy là đã hơn 15 năm tôi là rể của làng, thời gian đủ để tôi không nhớ nổi đã bao nhiêu lần đi về, để tôi biết anh em, họ hàng, chi trên, nhánh dưới bên phía nhà vợ. Rồi những đường ngang, ngõ tắt nơi vợ mình sinh ra và lớn lên.

Ảnh: ANH QUÂN
Ảnh: ANH QUÂN

Vốn dĩ tôi không sống ở nông thôn, nên đâu hiểu mấy về cuộc sống ở thôn quê, hiểu về những công việc đồng áng. Rồi khi theo vợ về quê vào những ngày mùa vụ, tôi mới thấy công việc nhà nông thật vất vả và gấp gáp đến vậy vào ngày mùa.

Năm đó, khi tôi làm đám cưới là lúc ngô trổ cờ, hôm đón dâu đi qua con đường nằm giữa một cánh đồng ngô xanh biếc, ngút tầm mắt. Vào gần cuối đông là vụ thu hoạch, cả cánh đồng như thể ngày hội, ai cũng khẩn trương bẻ ngô, hết ruộng này sang ruộng khác, xe bò, xe máy kéo tấp nập trên những đường nội đồng, về đến từng ngõ.

Tôi nào có biết gánh gồng, lại không quen lội ruộng để bẻ bắp, vậy tốt nhất cứ ở trên bờ mà trông, chờ bốc lên xe chở về. “Nhạc phụ” tôi bảo: “Thế thôi, chứ không trông, người ta đánh xe qua, họ tiện tay vứt lên vài tải, ai biết. Gió lạnh thổi hun hút, thỉnh thoảng tôi lại đi đi, lại lại cho ấm người. Để có được bắp ngô về đến nhà cũng thật khó nhọc, từ khi làm đất, gieo hạt, tưới nước, làm cỏ, bón phân... biết bao nhiêu công đoạn. Tự dưng tôi lại nhẩm tính thế, ấy là tôi nghe vợ nói, còn tôi từ nhỏ đã biết thò chân xuống ruộng bao giờ mà rõ.

Trở ngô về nhà, đổ lên thềm, hay góc sân, sau đó là bóc bi để phơi hay treo lên. Những bắp ngô to đều nhau, bóc bỏ bớt lớp bi ngoài, lột ngược lớp bi còn lại, buộc lại với nhau thành từng túm. Mỗi túm độ năm đến bảy bắp, sau đó các túm được vắt lên những chiếc sào dài, bắc ngang trên hai chiếc quá giang trong nhà, còn bắp xấu hơn thì có thể phơi luôn vào những ngày hảnh nắng.

Có về quê mới thấy hết tình yêu của người thôn quê với ruộng đồng. Cả cuộc đời gắn bó với đất đai, thuộc từng bờ lúa, con lạch, mùa này nối sang mùa khác. Tất cả trôi đi, khi người ta đã quen với nắng cháy da tháng sáu, rồi đến lạnh tê cóng lúc vào vụ chiêm, dưới tiết trời 7, 8oC.

Từ khi làm rể của làng đủ để tôi thấy bao nhiêu thay đổi ở làng, nhưng hình như có những thứ không mấy khác đi. Bố mẹ tôi, và những cô, bác vẫn tất tả từ sáng đến tối, vẫn những bữa cơm ăn vội ngay trên ruộng, vẫn dạy từ hai, ba giờ sáng đi gặt, đi cày... kẻo đến khi nắng lên trời lại quá nóng.

Tôi nhớ, những buổi bố đánh xe lúa về nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ kè như người uống rượu, với xe lúa lặc lè. Và cả những buổi sẩm tối tháng Chạp, bố vác cày dắt bò về, chân đi đất, bỏ được cái áo nylon, chạy vào bếp, ngồi bên ngọn lửa người run cầm cập. Vậy mà tôi thấy bố tôi, vẫn cần mẫn qua bao nhiêu mùa vụ, mà chưa một lần than vãn.

Đứng nhìn cánh đồng mênh mông, không có một bóng người, gió thổi ù ù. Tôi lại nhớ đến những buổi về bẻ ngô cho bố mẹ, những chuyến xe chở đầy bao tải, con bò chậm chạp kéo về nhà trong tiếng “vặt”, “diệt...” của bố. Cánh đồng vẫn đấy, dù một phần đã cắt đất thổ cư, một phần lấy làm quốc lộ. Vậy mà sao tôi vẫn thấy nó mênh mông đến thế trong chiều nay.