Giếng làng ba mươi hai bậc

Như nhiều làng quê ở Bắc Bộ, quê tôi từ xưa đã có chung một nguồn nước, đó là giếng của làng. Giếng dễ đã có tuổi đời nhiều trăm năm. Vây quanh giếng là bờ tường được xây lưng lửng bằng gạch để chắn nước bẩn tràn xuống. Giếng khá sâu và cũng được xây cuốn tròn chung quanh, từ giếng lên phải đi qua ba mươi hai bậc mới tới mặt đất.

Ảnh: KHIẾU MINH
Ảnh: KHIẾU MINH

Hồi xưa, rất ít gia đình có bể nước. Đa số dùng chum, vại để trữ nước mưa nên không được nhiều và thế là nước giếng làng trở thành nguồn nước sạch chung, thường được gọi một cách thân thương là “nước ăn”.

Nước giếng làng trong vắt, ngọt không thua gì nước mưa và còn ngon hơn cả nước mưa bởi nước mưa mới thì hay có mùi mái ngói. Thường thường, ngày nào các gia đình cũng gánh vài gánh nước giếng. Những cô gái chưa chồng gánh nước sông về để tắm sau đó sẽ tráng vài gáo nước giếng cho làn da trắng mịn. Để tỏ lòng tôn kính thần giếng, có tục lệ đàn bà, con gái trong một tháng thường kiêng ra gánh nước giếng dăm ngày. Dịp gần Tết, tất cả làng cố gánh lấy vài chục đến hàng trăm gánh đổ vào bể, vào chum để ăn dần, vậy mà giếng làng chưa bao giờ vơi cạn.

Mẹ tôi, người đàn bà xứ khác đến làm dâu đã nhanh chóng quen dần với việc đi gánh nước. Thuở nhỏ, chúng tôi chạy theo mẹ ra giếng thật vui, đâu có biết mẹ phải oằn lưng chao hai chiếc thùng to xuống múc rồi mím môi bước lên đủ ba mươi hai bậc mới lên đến đường làng. Những ngày đường trơn ướt, mẹ bấm những ngón chân cho khỏi ngã, trên trán mồ hôi ròng chảy. Đôi khi mẹ để vào hai thùng nước hai chiếc lá sen cho khỏi sóng ra ngoài. Chiếc đòn gánh bập bềnh nhún nhảy trên đôi vai mẹ, đó gọi là gánh dẻo. Sau một đoạn, mẹ lại đổi vai...

Tôi lớn lên chưa kịp tập gánh đỡ mẹ gánh nước nào thì nhà nhà đã xây được bể, rồi cả làng đào giếng khơi, sau này là giếng khoan, bể lọc. Giờ đây máy lọc nước cũng phổ biến tại các gia đình, việc có nước dùng đôi khi chỉ còn là  bật công tắc điện.

Giếng làng tôi vẫn còn đó, nó đã được tu bổ bằng cách lát đá ong chung quanh, ghi cả tên người công đức tôn tạo nhưng giờ không ai dùng nước ở đó, giếng cũng vì thế mà đầy, chỉ còn thấy gần chục bậc gạch lộ ra. Một phần do các mạch nước nông ở quê bây giờ không còn sạch nữa, người ta phải khoan sâu hơn bốn mươi mét để tìm những mạch nước mới trong hơn. Giếng làng trở thành kỷ niệm, một biểu tượng của quê hương cùng với sân đình, mái chùa thân thiết. Mạch nguồn mà cả làng đã từng cùng “ăn nước” để lớn lên...