Giấc mơ thơm mùi cỏ dại

Chợ quê, những mặt người ủ ê với mớ cá đồng, miếng thịt, vài bó rau còn nguyên rễ được cột vội bằng lá dứa. Mới hơn 11 giờ mà khách đi chợ chỉ còn lưa thưa vài người. Bác Ba dỡ cái chảo dầu chiên bánh xuống nền gạch, mất thăng bằng nên cả cái chảo dầu lật úp, may mà chỉ dính mấy ngón chân, không thì... Cả chợ xúm lại đỡ bác Ba ngồi dậy, thế là tàn chợ, chẳng ai có tinh thần buôn bán gì nữa.

Minh họa: PHÚ ANH
Minh họa: PHÚ ANH

Dì Tư nhận ra nhà có khách khi nhìn thấy đôi giày lạ, đôi vai gầy guộc của dì như hơi rung lên, dì chạy thẳng đến chỗ tấm lưng nhô từng đốt xương sống dưới lớp áo mỏng dính của thằng Hai. Giọng dì Tư lạc đi, như đã chờ cái ngày nó về lâu lắm rồi: “Nói má nghe, cái người cướp giật không phải con, đúng không?”. Hai quay lại, mặt nó tỉnh queo: “Người giống người thôi mà má! Với lại chỉ là trên mạng xã hội đăng chứ có phải báo chí đâu mà má đi tin”. “Má biết mà, con không phải loại người đó!”. Dù nói vậy nhưng dì Tư vẫn không hết băn khoăn, dù dì tin thằng con của dì có nghèo tiền nghèo bạc chứ nhất định không nghèo nhân cách. “Thôi vô nhà nghỉ ngơi đi, má nấu canh, kho cá ăn cơm”.

Dì Tư còn chưa kịp đổ bữa bánh xèo với tép đồng thì Hai đã quảy ba-lô đi. Dì Tư chép miệng: “Sao gầy vậy con, có thiếu tiền không?”. Hai di di mũi giày dưới đất, rồi nói lí nhí: “Má cho con vay ít tiền, con sẽ trả”.

Lần nào về lấy tiền từ má, thằng Hai cũng kèm theo câu “con sẽ trả”. Thật ra cũng chẳng vui vẻ gì khi nhận đồng tiền sương gió của má. Nó đã kịp nhìn mảnh vườn khô cằn phía sau nhà, cả con mương cũng không còn thấy cá quẫy như vài năm trước. Mọi người nói bây giờ cả cánh đồng đầy thuốc trừ sâu, nguồn nước ở sông cũng nhiễm thuốc nên cá không sinh sôi như trước đây.

Lúc dì Tư mang mớ cá ra bán, vừa ngồi yên vị đúng chỗ của mình thì Nụ chạy tới, giọng nó hổn hển: “Dì Tư, con ghé nhà sao không thấy anh Hai đâu?”. Dì Tư chỉ tay ra phía đò ngang: “Nó mới đi đó con, cái thằng, bộ nó không nói gì với con hả?”. Mặt Nụ buồn thiu, rồi chợt nhớ ra điều gì, nó co chân chạy đi. Bọc bánh bò nước cốt dừa từ tay vung vẩy theo nhịp chạy của nó. Nụ vẫn không quên Hai thích món bánh bò nước cốt dừa gia truyền nhà Nụ. Con gái miệt này chỉ có Nụ là vừa đẹp người vừa đẹp nết, ưng ai không ưng lại đi ưng thằng Hai nhà dì Tư, vừa cục mịch vừa kiệm lời với con gái.

Chưa đầy nửa tiếng sau, con Nụ chạy về, nó ngắt tàu lá chuối bên vệ đường ngồi bệt xuống cho đỡ mệt. Nhìn bọc bánh bò nước cốt dừa còn nguyên trên tay nó, dì Tư không dám hỏi gì, sợ nó buồn. Nhưng không thấy Nụ buồn, nó còn cười tủm tỉm như đắc ý điều gì đó. Chẳng đợi dì Tư hỏi, Nụ kể một lèo: “May dễ sợ dì Tư, con vừa đến bến đò thì ảnh cập bến ở bên kia. Mà làm như ảnh biết con ra hay sao, ảnh ngoái lại nhìn, thế là ảnh thấy con!”. Trời ơi, có vậy mà nó vui cho được. Tội nghiệp con nhỏ gì đâu. Dì Tư cười gượng gạo vì chẳng biết chia sẻ với nó ra sao. Ngồi kể thêm vài câu chuyện vụn vặt nữa rồi Nụ dúi bịch bánh bò vào tay dì Tư trước khi đứng lên: “Dì đem về cho em Tài giùm con!”.

Lần thứ hai thông tin thằng Hai ăn trộm bị bắt đến tai dì Tư. Lần này không còn nghi ngờ gì vì tin đăng ở báo chính thống, có thông tin rõ tên tuổi, quê quán nên không thể có sự nhầm lẫn.

Ông Tám tặc lưỡi thắc mắc: “Cái thằng Hai nó thật thà như đếm, tui ẵm nó từ lúc ba nó mất nên hiểu tính nó mà, sao lại có chuyện lạ đời này cà?”. Suốt buổi chợ hôm ấy, dì Tư không nói gì. May có cặp vợ chồng lạ đến mua cho dì Tư hết mớ cá. Dì Tư đổ mớ nước đầy nhớt cá xuống sông rồi xách túi đi về.

Thằng Tài ngồi đăm chiêu ngay cái chỗ thằng Hai ngồi hôm trước, quần ống thấp ống cao còn lấm lem đất, chắc nó mới đi mò ít cua về cho dì Tư nấu canh rau. Thấy dì Tư, nó dợm đứng lên, mặt sừng sộ: “Lần này má đừng cản con, con phải lên lôi cổ ảnh về nhà, chứ mang tiếng vầy hoài đâu có được”. Dì Tư đoán ra thằng Tài đã biết chuyện. Dì Tư không nén nổi tiếng thở dài: “Bây gọi điện thoại cho má nói chuyện với nó”. “Ảnh tắt máy rồi, nên con mới nói là phải lên thành phố một chuyến đó má!”.

Lúc đó, con Nụ đứng ngoài bờ rào từ khi nào, nghe đến đoạn thằng Tài đòi lên thành phố, nó không muốn là người nghe lén nữa mà nhảy xổ vào: “Dì Tư, cho con đi với Tài nha dì?”. Dì Tư chối đay đảy, bảo đây là chuyện nhà dì, con Nụ con gái càng không nên đi đâu hết. Nụ thuyết phục mãi không được, nó ngồi lì ở bộ ván trong góc nhà, bó gối nhìn mông lung ra vạt hoa nở tím ngắt một góc trời. “Dì Tư mà không cho con đi, con cứ ngồi đây!”.

Xế trưa, cả ba người lặng lẽ bên mâm cơm đạm bạc với canh cua, mắm cá linh.

Buổi chợ hôm nay, dì Tư đã định không đi, cái lưng đột nhiên đau oằn, nằm hay ngồi gì cũng đau. Nhưng nghĩ đến mớ cá thằng Tài đi thả lưới hồi đêm, dì Tư cố gắng dậy đi. Từ xa, dì Tư đã thấy có nhóm người túm tụm lại, không biết có chuyện gì.

Thì ra con Nụ bỏ nhà đi từ khuya, có người nhìn thấy nó đang đón chuyến xe lên thành phố. Con Nụ cả đời có lên thành phố bao giờ đâu, học hết cấp hai ở gần nhà, lên cấp ba ra thị trấn, có mấy cây số mà nó còn thè lưỡi kêu xa, bảo không đi học nữa. Cha mẹ cũng chiều, cho Nụ đi học nghề uốn tóc ở chợ Cầu. Từ lúc thằng Hai đi làm xa, con Nụ ở lại quê nhà mà tâm hồn để đâu đâu. Nhiều lần dì Tư gặng hỏi con Nụ xem thằng Hai nhà dì nó có hứa hẹn gì không, con Nụ chỉ cúi đầu không nói gì. Nhưng dì Tư biết, thằng Hai tuy lầm lì ít nói nhưng tính nó lại thẳng như ruột ngựa và chẳng biết lấy lòng ai, nếu không ưng con Nụ, nó cũng sẽ nói thẳng để con gái người ta còn tìm bến khác.

Dì Tư chân thấp chân cao ở bậc thềm thì nghe giọng thằng Tài với con Nụ:

- Không phải tui cản chị, tui còn muốn gặp ảnh, đánh cho ảnh một trận rồi lôi cổ về cho má trị tội, nhưng đêm qua tui nằm nghĩ lại, ảnh đâu phải là người như vậy, mình là người phải tin ảnh!

- Thì tui có nói không tin ảnh đâu, chỉ là thấy ảnh bị người ta còng tay như vậy tui cầm lòng không có đặng.

- Rồi chị định làm gì?

- Thì… tui lên đó coi ảnh ăn uống sao.

- Thôi đi, ảnh mà thấy chị trong hoàn cảnh đó, ảnh càng bẽ mặt chứ có vui vẻ gì.

- Ờ thì tui nghe Tài nên mới về rồi nè!

- May mà tui linh tính hay, chạy ra kịp đó!

Thằng Hai về trong chiều muộn. Đám bông tím dại tàn nhanh trong ngày, héo rũ như cái cúi đầu trầm mặc.

Dì Tư mải loay hoay sau bếp, sắp lại mớ củi khô tránh lỗ hổng trên mái lá bị mưa nhiễu giọt thì nghe tiếng bước chân lại gần.

- Má, con về nhà luôn, nhưng má phải hứa với con hai điều?

Dì Tư sững lại khi nhận ra giọng thằng Hai. Cái thằng, cuối cùng cũng chịu về nhà. Lòng dì Tư vui phải biết, nhưng vẫn chưa nguôi giận. Nó đã gây ra bao nhiêu tai tiếng cho cái nhà này, lại còn làm hại người khác. Có chết đi sống lại dì Tư cũng không nghĩ nó là thằng con trai mình. Vậy mà lúc này đây, khi dì Tư còn chưa kịp vung những lằn roi lên người thằng Hai cho hả dạ, nó đã lên giọng mặc cả với dì.

Ráng dìm cơn tức giận, giọng dì Tư bình thản:

- Con muốn má hứa điều gì?

- Má… má đừng cho Nụ tới nhà mình. Con… con… không muốn gặp Nụ.

Dì Tư sững sờ, không nghĩ điều đó lại quan trọng với thằng Hai đến như vậy.

- Còn điều thứ hai?

Thằng Hai đỡ chiếc ba-lô bạc màu trĩu trịt nặng trên vai nó xuống đất, nó bất ngờ lôi ra cọng dây xích dài với những mắt xích to, có cả ổ và chìa khóa cứng cáp đã chuẩn bị sẵn.

- Má - giọng nó hơi run lên - Má… xích con lại và đừng để con ra khỏi nhà nha má?

Nó nói xong tu lên khóc, ôm lấy mặt mà khóc như một đứa trẻ. Bờ vai gầy xọp của nó rung lên theo từng tiếng khóc nghẹn:

- Con sai rồi má à, má tha thứ cho con! Má cứu con đi má!

Dì Tư hiểu ra mọi chuyện. Dù quanh năm ở miệt đồng bưng, nhưng dì cũng biết đến cái chết trắng nó nguy hiểm như thế nào, nó không chừa một ai, kể cả thằng con trai hiền lành, chân chất của dì. Dì Tư ôm lấy bờ vai của con trai, chỉ cần con về nhà là má yên tâm rồi!

Chiều thong thả buông, những tia nắng tắt lịm phía dòng sông mênh mông trước nhà.

- Ăn đi con, bánh bò nước cốt dừa mà con thích đó!

Thằng Hai ngừng cuốc đất, nó ngồi sà xuống lối đi giữa những luống đất tơi xốp chuẩn bị gieo hạt cho mùa mới.

- Bánh bò má làm là số 1.

- Có thiệt không đó, có đứa chê bánh bò má làm không ngon bằng của ai kia mà!

- Ờ thì, của má là số một, còn của “ai kia” là… vô đối!

- Biết ngay mà! Bởi tui biết thân biết phận nên tui đâu có dám làm.

Hai ngồi nhổm hẳn lên:

- Má nói sao?

- Là của con Nụ nó làm bữa giờ đó, nó nói sợ con tránh mặt nên không dám qua. Con nhỏ thấy thương hết biết!

Buổi trưa, Hai ngủ hẳn ngoài vườn, đám cỏ non mát rượi mơn man vờn trên mắt, trên mũi Hai. Giấc mơ trưa hôm ấy Hai thấy mình trong trang phục chú rể, nắm tay Nụ bước đi giữa những khóm hoa cỏ dại và cánh đồng thênh thang gió.