Đợi mưa

Lán tức tốc phi xe máy về nhà khi biết thằng Tuân bỏ học. Trên đường Lán không nghĩ gì khác ngoài việc sẽ cho thằng con một trận roi.

Minh họa: LÊ ANH VÂN
Minh họa: LÊ ANH VÂN

Từ ngày mẹ bỏ nhà đi theo người đàn ông khác, nó đã không muốn đi học. Sáng đến trường về đến nhà là cầm điện thoại, chiều đi chăn trâu cũng dán mắt vào màn hình mặc trâu đi đâu thì đi, đói, no hay phá hoại cây trồng của người làng cũng không biết. Thế thì chăn dắt cái gì? Nó nghiện game còn hơn mấy người già nghiện rượu, thuốc lá. Giờ lại bỏ học, nó tính làm cướp chắc? Lán sẽ cho nó một trận, không thể để nó nhảy qua đầu mình được. Cỏ gianh mà muốn cao hơn cây tre à? Chưa được đâu con ạ… Lán lẩm nhẩm trong đầu.

Mấy hôm nay Tuân nhổ sạch cỏ trong vườn san những mô đất cao rồi đem rơm rạ khô rải trên mặt đất để lót những tấm cót ra phơi thóc. Thóc thu về chất đống để đó thì sẽ hỏng hết, lấy gì về ăn? Một năm mới được một vụ, không phơi phóng được thóc cho khô thì tuốt ở ngoài ruộng về cũng như không. Tranh thủ những ngày nắng, phơi hai lượt cho thóc khô đều mới đổ vào trong bồ. Khi nắng lên, Tuân ra vườn mở mấy tấm cót ra rồi vào nhà vác những bao thóc ra phơi. Xong đâu đấy nó mới đun nước úp gói mì tôm ăn sáng. Có hôm Tuân chỉ ăn bát cơm rang với rau xanh. “Thằng Tuân đã biết lo việc gia đình rồi”. Những người hàng xóm nói vậy. 

Nó không như bố ngày ở nhà tháng ở ngoài, mỗi khi về đến nhà là chỉ biết mắng con. Xong Lán lại đi ngay. Bây giờ Lán coi nhà dì Phác là chính, nhà này chỉ là nhà trọ thôi. Tuân không chăm lo ngôi nhà này thì có ngày cỏ dại mọc đầy lối đi. Mười sáu tuổi, Tuân đã có thể làm được những việc nhà nông. Tuân nhìn người trong bản làm, nghe người già chỉ bảo thì có gì là khó. Những bữa cơm vắng cha, vắng mẹ không làm Tuân buồn mà chỉ khiến nó quen và ngày càng cứng cỏi.

*

Về đến nhà, thấy cửa trước cửa sau mở toang, những sợi khói bốc lên từ trong bếp, Lán la toáng lên. Thằng Tuân đâu rồi? Mày ra đây tao bảo. Ai cho mày tự ý bỏ học? Cỏ gianh mà muốn cao hơn cây tre à? Bỏ học thì mày định làm gì, đi ăn cắp ăn cướp thiên hạ hả? 

Không thấy thằng Tuân trả lời. Trong bếp không có, ngó vào trong buồng cũng không thấy bóng dáng Tuân đâu cả. Miệng vừa lu loa, Lán vừa bước từ cửa sau ra cửa trước, ngạc nhiên thấy đằng trước hiên nhà đã được dọn dẹp sạch sẽ. Bước chân ra khu vườn thấy Tuân đang ngồi dùng đôi bàn tay loe thóc dàn đều trên tấm cót. Tuân chẳng ngước lên nhìn bố đứng cách nó mấy sải tay. Nhìn khoảnh vườn được làm sạch, thóc được phơi khô, cơn tức giận trong lòng Lán bỗng dưng tiêu tan. Nhưng việc Tuân bỏ học không hỏi ý kiến bố là không thể bỏ qua.

- Làm sao mà mày bỏ học hả Tuân? Lán hỏi con.

- Bố còn biết đến việc mình có nhà, có con à?

- Mày… mày láo… Mày không có quyền hỏi tao câu đó biết chưa?

Tuân đã trải xong thóc trên cót. Nó đứng lên nhìn thẳng vào mắt bố.

- Con không có quyền? Bố thử nhìn lại mình xem. Thu hoạch mấy chục bao thóc về chất đống ở đó ai phơi? Bố bỏ nhà đi ở với dì Phác nửa tháng không thèm về nhà hỏi han con một câu. Hằng ngày con ăn uống thế nào không cần biết, mắm muối, gạo còn hay không bố chẳng màng đến. Đầu năm học bao nhiêu khoản đóng góp bố có biết không? Thử hỏi các bạn cùng trang lứa với con ở trong cái bản này có ai giống như con không? Con cũng có bố có mẹ, mẹ thì bỏ đi theo người đàn ông khác, bố cũng tìm đến người đàn bà khác. Ở trong cái nhà này con có khác gì con mồ côi đâu? Con mồ côi thật thì còn được hưởng ưu đãi của Nhà nước, đằng này con lại mồ côi trong khi cả cha và mẹ vẫn còn sống mới nhục, mới đau chứ! Con bỏ học ở nhà để lo những công việc mà đáng lẽ bố phải làm đấy.

Lán há miệng không nói thành lời. Đứa con 16 tuổi chín chắn hơn Lán nghĩ. Thóc thu về không phơi được vài ngày sẽ mốc mọc mầm. Gạo xát ra ăn không được, bán cho người nấu rượu chẳng mua. Năm ngoái Lán đã bỏ đi mười mấy bao thóc, đem quật cho lợn ăn vì bán không ai mua bởi thóc mốc. Nếu Tuân cũng bỏ nhà đi chơi với lũ bạn thì không ai phơi thóc sẽ hỏng hết, hai con lợn trong chuồng không ai chăm, mấy con gà, con vịt sẽ chết đói. Khi biết Tuân bỏ học Lán rất bực tức, định về nhà cho nó một trận. Ai ngờ nó lại chất vấn bố với những từ ngữ hóc búa, lý lẽ nặng ngàn cân. 

Từ ngày mẹ nó bỏ đi, Lán tìm đến rượu để giải sầu. Sáng sớm khi nhiều nhà trong bản còn chưa mở cửa, Lán đã ra khỏi nhà đến la cà ở quán bánh cuốn đầu làng. Có hôm Lán say rượu chui vào lều để rơm của người hàng xóm ngủ, Tuân phải đi dìu bố về nhà. Tuân không còn nhớ đã bao lần phải đi tìm bố về nữa. Rồi từ ngày gặp Phác khi hai người cùng đi bốc hàng đông lạnh ở biên giới, Lán và Phác đã tìm được sự đồng cảm của nhau. Một người chồng chết sớm, con còn nhỏ, nhu cầu sinh lý như ngọn lửa âm ỉ cháy. Một người vợ bỏ đi theo người đàn ông khác, đã lâu không được gần gũi đàn bà. 

*

Như tìm thấy ánh sáng nơi chân Phác, Lán chăm đi bốc hàng và bớt uống rượu. Tiền được bao nhiêu Tuân không biết. Bố không cho và cũng không nói chuyện tiền nong với con bao giờ. Việc nhà Lán để hết cho con làm, chẳng cần biết Tuân có đảm đương được hay không. Lán đi với Phác, vắng nhà nhiều hơn. Lúa cấy xong, Lán phó mặc mưa xuống, cho thằng con đi canh nước về ruộng, cỏ dại từ bờ che kín hai hàng lúa chẳng buồn phát đi. Tuân sáng đi học, chiều tranh thủ đi phát cỏ cho lúa, rồi nhờ người trong bản trông giúp, tối mới đi vào lũng rong trâu về chuồng. Một mình làm đủ mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Thỉnh thoảng bố mới về, về vội rồi cũng đi nhanh. Hôm nào không đi thì đến những nhà hàng xóm la cà rượu chè. Bố không biết đàn gà vịt có mấy con. Có bữa cầm vào cái xô múc cháo cho lợn ăn bố thốt lên ngạc nhiên “hai con lợn nhà mình lớn bằng này rồi sao?”.

Lán như người mới từ đâu về chứ không phải trụ cột gia đình này thì phải. Tuân bỏ học rồi ở nhà không kiếm ra tiền. Hôm nay bố về nhà, nó muốn nói với bố chuyện sẽ theo bạn đi làm công nhân ở dưới xuôi. Tuân chưa đủ tuổi để làm công nhân chính thức nhưng có thể làm công việc thời vụ, nhiều người làm thời vụ mỗi tháng tích cực cũng được sáu, bảy triệu đồng. Chịu khó mới có tiền tiết kiệm. Trong bản này có người mới đi được một hai năm mà tích cóp tiền mua xe máy bốn năm chục triệu đồng. Ở nhà làm ruộng thì chỉ đủ ăn, làm gì dư tiền để có thể mua được thứ này thứ kia. Nắng thế này chỉ hai ba ngày nữa là phơi xong thóc, rơm khô cũng đã thu về chất trên chuồng phòng những ngày giá rét không chăn thả trâu được.

Lán nghe con bàn chuyện, trong lòng vui mừng lắm. Lán cứ nghĩ nó bỏ học là để chơi game vô bổ, nhưng không ngờ con đã tính đường đi nước bước cả rồi. Nó đã làm sạch cỏ mảnh vườn, chăm phơi thóc cho khô vào những ngày nắng hanh, tranh thủ ra đồng ruộng gánh rơm về tích trữ thức ăn cho trâu vào những ngày đông giá. Nó đã nghĩ đi xa hơn cái đầu của Lán. Ngồi nghe con tính chuyện Lán cảm thấy mình nhỏ bé trước con nhiều lắm. Những ngày sống một mình cáng đáng việc nhà bấy lâu nay khiến nó trưởng thành hơn những người bạn cùng trang lứa.

- Con tính như vậy bố thấy đúng đấy. Nhưng con đi thì cần bao nhiêu tiền? Cuộc sống công nhân không giống như ở nhà mình đâu.

- Đi chỉ cần hai, ba triệu thôi bố ạ. Khó khăn một hai tháng đầu thôi, khi quen công việc, hằng tháng có lương rồi mọi việc sẽ ổn thôi. Con thấy anh Hiển, anh Hải nói thế mà.

- Con xuống đó ở với hai người đó à?

- Vâng. Chỗ ở chật chội một tý, nhưng mình đi kiếm tiền mà có phải đi du lịch nghỉ mát đâu mà ở phòng rộng rãi chứ.

- Ừ con tính thế cũng phải. Các con sống xa nhà phải bảo ban nhau, dựa vào nhau mà sống. Còn tiền bố sẽ cố gắng lo cho con.

- Vâng.

Lán đợi con nói thêm gì đó, như khuyên bố đừng đi sống với dì Phác, khuyên bố chăm chỉ làm ăn. Nhưng nó đã không nói gì thêm. Không biết nó đang nghĩ gì trong đầu? Lán không thể nào hiểu được suy nghĩ của con về chuyện bố nó ăn ở với dì Phác như hai vợ chồng hờ. Lán đã sống được 50 mùa hoa nở rồi, trên đầu tóc đã muối tiêu lẽ nào lại để cho con dạy cách sống, chăm lo cho gia đình?

Tiễn con lên xe, dặn dò Tuân cẩn thận khi xuống nơi làm việc, Lán quay vào nhà. Thóc đã phơi xong, rơm rạ khô gom đống đốt làm tro bón cho cây ăn quả. Đợi mưa xuống Lán sẽ cày đất để trồng rau xanh. Không thể để mảnh vườn để không như vậy mãi được, nó đã bị bỏ hoang mấy năm rồi.